Bắt đầu tự vệ cho hàng sản xuất trong nước
Bộ Công Thương ngày 23-8 đã ký quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức với năm đầu tiên là cộng thêm 5% cho thuế suất nhập khẩu với dầu thực vật, cụ thể là dầu nành tinh luyện và dầu cọ tinh luyện có hiệu lực vào ngày 7-9 tới.
Theo đó, ngoài thuế suất nhập khẩu theo quy định, các mặt hàng dầu nành tinh luyện, dầu cọ tinh luyện với mã HS: 1507.90.90, 1511.90.91, 1511.90.92, 1511.90.99 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước, vùng lãnh thổ khác nhau (ngoại trừ danh sách 1 số quốc gia loại trừ) sẽ chịu thuế suất cộng thêm 5% tính từ ngày 7-5-2013 tới ngày 6-5-2014. Ba năm tiếp theo, mức thuế suất tự vệ giảm dần còn 4%, 3 và 2% (xem bảng).
Đây là lần đầu tiên, các doanh nghiệp Việt đã thành công trong việc khiếu kiện đòi biện pháp tự vệ cho hàng sản xuất trong nước trong tình hình hàng nhập khẩu cùng chủng loại có giá rẻ tràn vào, sau thất bại của các doanh nghiệp kính nổi hồi năm 2009-2010, cũng đòi áp thuế để tự vệ trước hàng kính nổi nước ngoài.
Tháng 11 năm ngoái, Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) đã nộp đơn đòi áp dụng biện pháp tự vệ lên Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương. Một tháng sau bộ này tiến hành điều tra và gửi câu hỏi điều tra tới các bên liên quan. Ngày 22-4 năm nay, Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời sau một thời gian điều tra.
Vocarimex, nguyên đơn trong vụ kiện lại nhận được ủng hộ của 4 nhà sản xuất dầu thực vật trong nước là Công ty cổ phần dầu thực vật Tường An, Công ty cổ phần dầu thực vật Tân Bình, Công ty dầu thực vật Cái Lân và Công ty dầu ăn Golden Hope – Nhà Bè.
Năm công ty nói trên chiếm 100% có lượng dầu thực vật sản xuất trong nước, theo Bộ Công Thương trong khi quy định nguyên đơn và các doanh nghiệp ủng hộ chỉ cần chiếm ít nhất 50% lượng sản xuất trong nước là có thể khởi kiện.
Bộ này cho rằng dầu thực vật nhập khẩu gia tăng đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa. Trong giai đoạn 2009-2012, thị phần của các nhà sản xuất trong nước suy giảm từ 52% xuống còn 27%, tương ứng với gia tăng thị phần của dầu thực vật nhập khẩu từ 48 lên 73%.
Thị phần giảm kéo theo sản lượng sản xuất trong nước giảm mạnh, năm 2012 giảm 32% khi mà lượng hàng nhâp khẩu trong năm 2012 tăng tới 45,83%. Doanh thu và lợi nhuận của các nhà sản xuất trong nước năm ngoái đều sụt giảm mạnh so với năm 2011, tương ứng 38 và 31%.
“Sự sụt giảm của sản xuất trong nước thể hiện rõ rệt trong năm 2012 và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Nếu tình hình này tiếp diễn, ngành sản xuất trong nước sẽ không tránh khỏi việc tiếp tục bị mất thị phần khiến doanh thu, lợi nhuận giảm và sản xuất bị đình đốn”, thông báo của Bộ Công Thương viết.
Hồng Ngọc
Thời báo kinh tế sài gòn
|