Thứ Tư, 21/08/2013 13:37

Đấu thầu thuốc tập trung: ba nỗi lo

Đấu thầu thuốc là chủ trương nhằm chống lại tư lợi, mang đến nguồn thuốc có chất lượng và giá hợp lý. Nhưng chủ trương này vẫn gây băn khoăn vì dường như cũng chỉ giúp cá nhân hưởng lợi, còn DN dược trong nước và bệnh nhân vẫn chịu thiệt.

Bệnh nhân mua thuốc tại một nhà thuốc trong bệnh viện ở TP.HCM.

Đấu thầu thuốc tập trung nghĩa là các bệnh viện không còn tổ chức đấu thầu riêng lẻ như trước đây mà quy về một mối là sở y tế. Theo lý thuyết, khi đấu thầu với số lượng lớn, giá sẽ giảm so với đấu thầu với số lượng nhỏ.

Chưa kể giá còn giảm khi nhà sản xuất thuốc cung cấp cho bệnh viện – phục vụ cho bệnh nhân nội trú – giảm bớt chi phí về bao bì, in ấn, vận chuyển, khâu trung gian... Thế nhưng, nếu đặt nặng về giá thành, liệu chất lượng có bị xem nhẹ, nhất là thuốc được xem là một loại sản phẩm đặc biệt, ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh mạng con người?

Chưa hẳn vì người bệnh?

Từ kết quả trúng thầu của một số địa phương hay bệnh viện trung ương, người ta có thể thấy thuốc Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Pakistan, Cyprus, Rumani, Belarus, Ukraine chiếm số lượng khá nhiều.

Theo giới điều trị, những mặt hàng này được chọn chắc hẳn vì giá rẻ, chứ hiệu quả điều trị thì còn phải bàn vì đây không phải là những quốc gia mạnh về nghiên cứu thuốc. Một phó giám đốc bệnh viện chia sẻ: “Thuốc chất lượng kém dẫn đến kéo dài số ngày điều trị, tốn thêm chi phí cho bệnh nhân và quỹ bảo hiểm y tế chứ không được gì. Nhưng sợ nhất là kháng sinh dỏm, điều trị không hiệu quả, dẫn đến lờn thuốc và nhiễm trùng bệnh viện cho bệnh nhân...”

Một thống kê của cục Quản lý dược – bộ Y tế cho thấy kết quả trúng thầu thuốc theo thông tư 01/2002/TTLT-BYT-BTC tại 9 tỉnh, thành phố có 2.211 loại thuốc ngoại, trong đó Ấn Độ dẫn đầu danh sách này! Vì sao có sự thắng thế của thuốc Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc...?

Có ý kiến cho rằng cách tính điểm của quy chế thầu mới còn vài chỗ bất hợp lý, dẫn đến thuốc của những quốc gia này xếp chung với các quốc gia mạnh về dược như Mỹ, Pháp, Anh, Ý. Trong hoàn cảnh đó, thuốc giá rẻ sẽ được chọn!

Khó cho thuốc nội

Không chỉ giới bác sĩ lo ngại, giới dược sĩ cũng xót xa khi cùng một sản phẩm doanh nghiệp trong nước sản xuất được, nhưng không cạnh tranh nổi về giá, phải bị đánh bật ra khi đấu thầu. “Tôi không hiểu tại sao nhiều loại thuốc Ấn Độ, Trung Quốc chào giá thấp đến thế?”, một dược sĩ nói.

Tuy nhiên, dược sĩ này cho biết để kéo giá xuống nhằm cạnh tranh với các mặt hàng nước ngoài, doanh nghiệp nội cũng làm được, đó là mua nguyên liệu rẻ (cận đát, Trung Quốc sản xuất… ) để sản xuất, khi đó thiệt thòi chắc chắn rơi vào bệnh nhân. Bác sĩ Hoàng Ngọc Tuấn, trưởng phòng tiếp thị công ty cổ phần dược phẩm dược liệu Pharmedic, nói: “Rất khó đạt được một lúc hai mục tiêu của đấu thầu thuốc tập trung: giá rẻ và bảo đảm hiệu quả điều trị”.

Tại hội thảo lấy ý kiến về đấu thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế nhằm hoàn thiện dự án luật Đấu thầu (sửa đổi) đầu tuần, PGS. TS Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, đặt vấn đề ưu tiên thuốc nội bằng cách thuốc nào trong nước sản xuất được thì không cho nhập.

Ý kiến này hoàn toàn đúng, nhưng khi trao đổi với người viết, vài nhà sản xuất trong nước cho rằng chủ trương này, nếu có, cần thể hiện cụ thể chứ đừng nói suông, để mặc cho doanh nghiệp nội phải bươn chải khó khăn như hiện nay. PGS. TS Trương Văn Tuấn, chủ tịch hội Dược sĩ bệnh viện TP.HCM, nói: “Tại những nước phương Tây, người ta lập trung tâm đấu thầu cấp quốc gia vì như thế mới đủ tầm xây dựng được hàng rào mậu dịch đàm phán với doanh nghiệp dược nước ngoài. Nước nào cũng ưu tiên chọn thuốc sản xuất trong nước mình, ngay cả Mỹ cũng làm như thế, thuốc châu Âu rất khó lòng lọt được vào Mỹ”.

Tiêu cực từ nhỏ sang lớn?

Đấu thầu thuốc tập trung không chỉ là nỗi lo của bệnh nhân và nhà sản xuất trong nước, mà còn là nỗi lo của một số nhà quản lý có tâm khi cảm thấy không đủ giải pháp để ngăn chặn tiêu cực, lần này ở tầm thành phố chứ không phải tầm bệnh viện. Tại TP.HCM, để đấu thầu thuốc tập trung, thời gian qua sở Y tế cho thành lập trung tâm Mua sắm công trực thuộc sở. Một cán bộ quản lý dược nói: “Nếu trung tâm này bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, toàn bộ bệnh nhân thành phố sẽ lãnh đủ.

Đấu thầu thuốc trước đây là “chùm khế nhỏ”, lần này “chùm khế lớn”, liệu người trong cuộc có đủ sức kháng cự nổi sức hấp dẫn hay không?” Tại hội thảo hoàn thiện dự án luật Đấu thầu, BS Nguyễn Ngọc Anh, phó giám đốc bệnh viện Nhân dân 115, băn khoăn: “Dự thảo quy định trung tâm mua sắm công hoạt động theo luật Doanh nghiệp là không ổn, vì trung tâm thuộc sở y tế là đơn vị sự nghiệp. Do đó, nếu quy định không chặt, trung tâm mua sắm công dễ sinh độc quyền và đặc lợi”.

Tuy nhiên, trong khi trung tâm này chưa đủ nhân sự (chỉ có phó giám đốc, chưa có giám đốc và nhân viên!), khiến việc đấu thầu thuốc tập trung bị ách tắc, thì các bệnh viện thành phố đang đứng trước nỗi lo thiếu thuốc điều trị. Để giải quyết chuyện này, thành phố chủ trương lấy kết quả trúng thầu thuốc của bệnh viện Chợ Rẫy để áp tạm cho các bệnh viện của thành phố trong khi chờ đấu thầu, ít nhất là cuối năm này. Trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, điều này hợp lý, nhưng có ý kiến cũng đáng ghi nhận, liệu kết quả của bệnh viện Chợ Rẫy có giá trị thật sự hay không? Một dược sĩ bệnh viện cho biết bệnh viện Chợ Rẫy chỉ mạnh ở vài lĩnh vực điều trị chứ không mạnh tất cả. Và đáng lo là nếu kết quả trúng thầu này “có vấn đề”, kết quả đó sẽ được “nhân bản” ra nhiều bệnh viện khác thì hậu quả sẽ như thế nào?

Vừa qua báo chí đề cập đến bất thường trong kết quả đấu thầu thuốc 2013 của bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, một bệnh viện cấp Trung ương. Thông tin từ bộ Y tế cũng cho biết có gần 30 tỉnh, thành phố có kết quả đấu thầu, đáng lưu ý là xuất hiện chiêu nâng giá thuốc bằng việc đưa thuốc “hàm lượng lạ”, giá cao vào danh mục trúng thầu (đọc: “Thuốc lạ”, giá cao vẫn cứ vào bệnh viện! – Sài Gòn Tiếp Thị ngày 12.8.2013). Những thông tin này đáng lưu ý!

Phan Sơn

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Cháy lớn nhiều giờ liền tại công ty giày (21/08/2013)

>   Sẽ được kiện văn bản trái luật? (21/08/2013)

>   Bộ trưởng Y tế: Quy định có rồi, ai sai người đó chịu (21/08/2013)

>   Lại xẻ vườn quốc gia làm thủy điện (21/08/2013)

>   Tiền và sản lượng - Tiêu chí nào tốt? (21/08/2013)

>   Chủ tịch Quốc hội: “Cấp phép (khoáng sản) thế này thì chết rồi" (20/08/2013)

>   Việc nhóm lợi ích “lobby” thành điểm nóng chất vấn (20/08/2013)

>   Muốn chụp ảnh CSGT phải xin phép? (20/08/2013)

>   Thêm một lần xin lùi luật quản vốn nhà nước (20/08/2013)

>   Vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng tại Hà Nội (20/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật