Thứ Hai, 12/08/2013 13:19

Bước chuyển đột phá trong điều hành?

Xét theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tuần rồi, và có hiệu lực ngay từ khi ban hành.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

“Tự phát như thế thì chết!”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đã không dưới một lần phải phàn nàn về việc phối hợp, điều hành giữa các bộ, ngành trong quản lý điều hành kinh tế vĩ mô, và thậm chí có lần ông còn phải kêu lên: “Để như thế thì chết!”.

Như trong câu chuyện điều hành giá cả năm 2012, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vai trò điều hành giá phải trên góc độ tổng thể và phải xem xét toàn bộ nền kinh tế, Chính phủ phải nhìn trước được các kịch bản lạm phát để can thiệp sớm. Có làm được như vậy thì Chính phủ mới chủ động trong điều tiết CPI theo ý mình, mới là điều tiết Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, mới thể hiện được sự chỉ đạo quyết liệt.

“Không phải như xăng dầu xin tăng, bảo được là được tăng. Điện thuyết minh thấy hay là cũng cho... Tự phát như thế thì chết!”, ông Vinh nói.

Hay khi Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhắc đến việc quản lý ở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), trước Quốc hội, ông đã cho các đại biểu được biết một thông tin giật mình là, khi Vinalines có những dấu hiệu sai phạm, để tìm hiểu, phân tích, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cử Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đến làm việc với tổng công ty này, nhưng “họ cũng không thèm tiếp vì họ không có trách nhiệm phải báo cáo”.

Phối hợp điều hành quản lý kinh tế vĩ mô giữa các bộ ngành quả thật là câu chuyện dài chưa có hồi kết và đó không chỉ là nỗi bức xúc của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà còn là của nhiều đại biểu Quốc hội.

Mỗi lần đánh giá về việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, là mỗi lần vấn đề này được đẩy lên cao trào. Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Cao Sỹ Kiêm thường xuyên phải đưa ra nhận định rằng: “Chúng ta chưa đánh giá và chưa kiểm soát được tình hình một cách chặt chẽ, một cách kịp thời. Một số chính sách giải pháp của chúng ta còn có tính chất nửa vời, hay thay đổi, thiếu sự phối hợp thống nhất để đảm bảo huy động sức mạnh tổng hợp”.

Còn đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) thì có lần đã phải đặt ra một dấu hỏi lớn về sự phối hợp này rằng: “Trong điều hành của Chính phủ, thành tựu đạt được nhiều nhưng yếu kém, hạn chế cũng không ít. Thủ tướng Chính phủ đã nhận lỗi trước Quốc hội nhưng chưa thấy lãnh đạo các bộ, ngành là chủ thể của những sai phạm, yếu kém kéo dài công khai lên tiếng nhận trách nhiệm để cử tri yên tâm trước khả năng khắc phục yếu kém đưa đất nước đi lên”.

“Bấm đúng huyệt”

Tuy nhiên, tới đây tình hình hy vọng sẽ được cải thiện, khi mà đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô đưa ra hàng loạt nhóm giải pháp cho vấn đề phối hợp, như đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô; bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, phối hợp đồng bộ trong toàn bộ quá trình từ xây dựng, ban hành đến thực thi và kiểm tra, đánh giá các cơ chế, chính sách quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô...

Đặc biệt, đề án này nhấn mạnh đến việc khắc phục tư duy và tình trạng hình thức trong công tác phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô; quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bộ, cơ quan, đơn vị liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phối hợp.

Đây có thể coi là một trong những giải pháp “bấm đúng huyệt”. Bởi vì như dư luận vẫn thường thấy, chẳng hạn ở lĩnh vực tài chính, tiền tệ, hầu như năm nào cũng như năm nào, truyền thông cũng vài lần rầm rộ đưa tin về các lễ ký kết, thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo ngành ngân hàng, nhưng nhiều năm qua, cuộc “hôn nhân” này vẫn thường bị đánh giá là “đồng sàng dị mộng”.

Lê Châu

tbktvn

Các tin tức khác

>   Hà Nội dành 318 tỷ đồng bình ổn giá (12/08/2013)

>   Tận dụng cơ hội trong thách thức (11/08/2013)

>   IMF: “Nhà chức trách Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể” (11/08/2013)

>   Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm soát chặt giá cả (10/08/2013)

>   “Cảnh giác với lạm phát ngay từ bây giờ” (09/08/2013)

>   WB cam kết hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam (07/08/2013)

>   Thủ tướng phê duyệt Đề án cải cách cơ chế và điều hành kinh tế vĩ mô (07/08/2013)

>   Giá xăng, điện tăng gây áp lực lên sức mua (07/08/2013)

>   Tổng cầu yếu, điểm nghẽn tăng trưởng (05/08/2013)

>   Thị trường nội địa - điểm tựa ngày càng yếu (04/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật