VAMC không ép ngân hàng bán nợ
Theo quy định, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ phải bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, tại lễ khai trương hoạt động cuối tuần qua, ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng giám đốc VAMC khẳng định, VAMC sẽ không ép các ngân hàng phải bán nợ.
* Tổng giám đốc VAMC: Sẽ mua nợ ngay vì đã có số liệu từng món nợ cụ thể
Ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng giám đốc VAMC
|
Thưa ông, sau khi ra mắt, liệu VAMC có thể bắt tay vào mua nợ xấu? Việc mua nợ thời gian đầu sẽ tiến hành theo giá trị sổ sách hay giá thị trường?
Đến nay, VAMC đã được chuẩn bị đầy đủ về cơ chế, bộ máy, nhân sự, cũng như đã có số liệu cụ thể về các món nợ của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, sau khi ra mắt, VAMC có thể bắt tay ngay vào mua nợ.
Có hai phương thức mua nợ cơ bản mà VAMC thực hiện là mua theo giá trị sổ sách bằng phát hành trái phiếu đặc biệt hoặc mua theo giá thị trường. Từ nay tới cuối năm, VAMC sẽ tiến hành mua nợ theo giá trị sổ sách, sau đó mới tiến tới mua nợ theo giá thị trường.
Vốn điều lệ của VAMC chỉ 500 tỷ đồng, nhưng lại kỳ vọng sẽ xử lý tới 80.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu, chưa kể còn đầu tư, góp vốn cho doanh nghiệp. Điều này có quá sức VAMC không, thưa ông?
VAMC không hoạt động dựa trên vốn điều lệ, mà chủ yếu bằng trái phiếu đặc biệt. Đó là cách huy động vốn trong trung hạn và ngắn hạn mà nhiều nước áp dụng, trong đó, Malaysia đã phát hành trái phiếu và xử lý được nợ xấu thành công trong giai đoạn 1998 - 2005.
Ngoài huy động vốn từ trái phiếu đặc biệt, VAMC còn có thể vay vốn ở nhiều tổ chức trong nước và quốc tế khác. Có thể nói, khó khăn lớn nhất của VAMC khi đi vào hoạt động không phải là vốn, mà là sự đồng thuận của hệ thống ngân hàng, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội.
Theo Dự thảo Thông tư về việc mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC, các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% phải tự nguyện bán nợ lại cho VAMC. Vậy nếu các ngân hàng không tự nguyện, VAMC có ép ngân hàng bán nợ?
Tôi hy vọng là sẽ không phải ép, bởi VAMC là giải pháp giúp nền kinh tế tốt hơn, một khi xử lý được nợ xấu, ngân hàng sẽ nhẹ gánh hơn để cung ứng cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Khi bán nợ cho VAMC, ngân hàng không chỉ loại được nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản, giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro cho món nợ, mà còn có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt, mang đến Ngân hàng Nhà nước tái chiết khấu. Các tổ chức tín dụng có nợ xấu dưới 3%, nhưng nếu thấy có lợi, muốn bán nợ cho VAMC thì chúng tôi vẫn chấp thuận xử lý.
Ngoài mua nợ, xử lý nợ, VAMC còn có thể chuyển nợ thành góp vốn hoặc đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn. Trường hợp nào thì doanh nghiệp sẽ được VAMC góp vốn hoặc bảo lãnh, thưa ông?
VAMC có đội quân chuyên nghiệp về tín dụng và xử lý nợ. Chúng tôi sẽ thẩm định kỹ càng toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có cơ hội phục hồi thì chúng tôi có nhiều biện pháp, trong đó có chuyển nợ thành vốn góp hoặc bảo lãnh cho vay. Tất nhiên, VAMC chỉ bảo lãnh hoặc góp vốn cho những doanh nghiệp mà chúng tôi hiểu rất rõ.
Theo ông, VAMC sẽ có vai trò như thế nào trong việc gỡ tảng băng nợ xấu hiện nay?
Chính phủ đã đưa ra Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, mà tái cơ cấu các tổ chức tín dụng là một bộ phận không thể tách rời. Trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, điều quan trọng là phải xử lý nợ xấu và VAMC là công cụ để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, VAMC không phải là cây đũa thần để giải quyết toàn bộ nợ xấu của nền kinh tế. Dù nợ xấu được VAMC mua lại, song để xử lý được các khoản nợ này, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, nền tảng để xử lý nợ xấu thành công là kinh tế vĩ mô phải tốt lên, phục hồi dần, điều này không chỉ phụ thuộc vào VAMC.
Hà Tâm
đầu tư
|