Tăng 0,27%, CPI tháng 7 định hình xu hướng tăng
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2013 tăng 0,27% so với tháng 6/2013.
Diễn biến CPI của cả nước trong các tháng
|
Như vậy, sau 4 tháng tăng giảm đan xen, CPI đã xóa bỏ tình trạng “trồi sụt” và xác lập xu hướng tăng giá rõ ràng khiến CPI tháng 7 năm nay tăng 2,68% so với tháng 12 năm trước và tăng 7,29% so với cùng kỳ. Xét bình quân 7 tháng đầu năm nay so với bảy tháng đầu năm trước, CPI tăng 6,81%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Việc CPI tiếp tục tăng trong tháng 7 có thể thấy được thông qua các tác động mang tính mùa vụ như các đợt thi đại học và cao đẳng diễn ra ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm hay các quyết định mang tính chất hành chính như tăng giá xăng dầu.
Ngoài ra, còn có các tác động đến từ một số chính sách đang dần biểu hiện rõ nét như việc tăng lương cơ bản cho cán bộ công chức từ 1/7/2013 và việc nới lỏng tỷ giá thêm 1%.
Với những diễn biến mới nhất trên thị trường tiền tệ như tăng trưởng tín dụng đang được cải thiện nhanh, Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng trên thị trường OMO từ đầu tháng 7, nhiều chuyên gia cho rằng lạm phát đang được gia tốc nhờ chính sách tiền tệ có biểu hiện nới lỏng hơn.
Điều này được thêm sự khẳng định khi lạm phát lõi (sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm và năng lượng) có xu hướng tăng dần từ đầu năm và luôn luôn cao hơn lạm phát chung.
Xét diễn biến giá cả trong rổ hàng hóa, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,34% so với tháng trước do tác động từ việc tăng giá xăng dầu liên tục của hai ngày 14/6/2013 và 28/6/2013 vừa qua. Tác động của đợt tăng giá xăng dầu ngày 17/7/2013 chưa ảnh hưởng đến CPI tháng này.
Điểm đáng lưu ý nhất trong diễn biến giá của tháng 7 là các mặt hàng thực phẩm. Sau 4 tháng giảm liên tục từ sau Tết Nguyên đán, chỉ số giá thực phẩm đã tăng 0,18% so với tháng trước, trở thành 7/24 tháng có chỉ số giá thực phẩm tăng trong vòng 2 năm trở lại đây.
Với quyền số lớn nhất, mức tăng tuy nhẹ nhàng này đã giúp chỉ số giá chung bứt phá hơn so với các tháng trước đó. Theo tham vấn từ một chuyên gia thống kê, thực phẩm sẽ là nhóm cần được quan tâm nhất trong diễn biến giá cả các tháng còn lại trong năm nay.
Việc tăng 0,18% của tháng này cũng đã khiến cho bình quân 7 tháng đầu năm nay so với 7 tháng đầu năm 2012, giá thực phẩm đã tăng 1,82%. So sánh với chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản thì 6 tháng đầu năm giá các sản phẩm chăn nuôi như lợn, trâu bò và các mặt hàng thủy sản đều giảm hoặc tăng thấp hơn mức tăng của chúng trong CPI, thậm chí các sản phẩm chăn nuôi như lợn, bò, gà… còn giảm gần 10% so với năm trước.
Khoảng cách quá lớn này càng củng cố thêm lập luận rằng người nông dân đang phải chịu nhiều thiệt hại nhất trong tình hình hiện nay.
Xét trong 10 tỉnh, thành phố được Tổng cục Thống kê lựa chọn để công bố chỉ số, ngoài Hà Nội và Tp.HCM đều tăng dưới chỉ số chung như đã biết, các tỉnh còn lại đều cho mức tăng cao hơn chỉ số chung cả nước.
Đặc biệt, CPI tại thành phố Cần Thơ tăng tới 0,7% so tháng trước trong khi bên kia bờ sông Hậu, Vĩnh Long chỉ nhẹ nhàng tăng bằng một nửa ở mức 0,33%.
Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận ở các mức tương ứng là giảm 6,28% và tăng 0,68% so với tháng trước.
Thái Hà
vneconomy
|