Thứ Tư, 24/07/2013 09:03

Cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến

Quan hệ hợp tác kinh tế Việt – Mỹ là hòn đá tảng

Đó là nhận định của cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ, hiện là chủ tịch hội Việt – Mỹ Nguyễn Tâm Chiến, trước thềm chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị.

Thưa ông, chuyến thăm này của Chủ tịch nước có ý nghĩa thế nào?

Chuyến thăm này diễn ra khi Việt Nam bắt đầu triển khai nghị quyết về hội nhập quốc tế của Đảng. Đây là một giai đoạn thực hiện chính sách đối ngoại toàn diện. Toàn diện ở đây là từ ngoại giao kinh tế, chính trị đến ngoại giao quân sự, văn hoá… và dưới các hình thức ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân. Thành ra các cuộc thăm nước ngoài của các nhà lãnh đạo càng thể hiện đây là đợt hoạt động rất quan trọng, tiếp tục thực hiện mục tiêu làm sao để chúng ta huy động được mọi nguồn lực để củng cố môi trường hoà bình, ổn định cho tập trung phát triển kinh tế.

Với Mỹ, sau 18 năm bình thường hoá quan hệ, cơ chế thăm cấp cao gần như thường xuyên, đảm bảo đà phát triển đều đặn cho quan hệ hai nước về mặt chính thức.

Tôi nghĩ chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước diễn ra trong thời điểm rất quan trọng. Chúng ta thấy là bên cạnh các thuận lợi cũng có cái rất phức tạp về an ninh và phát triển đất nước. Tình hình không đơn giản với đất nước ta trong giai đoạn cả thế giới khủng hoảng kinh tế, đồng thời chính sách và quan hệ giữa các nước lớn thay đổi. Ta cần nhất là giữ vững môi trường ổn định, hoà bình vì phát triển kinh tế.

Ông trông đợi gì nhất ở cuộc thăm lần này?

Nhìn đến nhu cầu của chúng ta và xu hướng chung, và phía Mỹ cũng có lợi ích trùng hợp, điều tôi mong trước hết là sự nâng cấp quan hệ hợp tác kinh tế. Tôi muốn thấy Mỹ hiểu những nhu cầu phát triển của Việt Nam hơn nữa, giải toả các vấn đề còn cản trở quan hệ hai nước để phát triển tốt hơn, dành nhiều điều kiện thuận lợi cho hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ.

Đặc biệt, Việt Nam phải được công nhận là nền kinh tế thị trường. Nếu căn cứ vào đến sáu tiêu chí cứng nhắc của Mỹ thì tôi thấy nhiều nước đã được Mỹ công nhận cũng chưa phải là kinh tế thị trường. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Ở đây là cách tiếp cận với tầm nhìn chính trị và dài hạn, nên xuất phát từ lợi ích của nhân dân hai nước. Tôi muốn thấy hai bên có phương cách tiếp cận mới hơn, mạnh mẽ hơn. Phía Mỹ nên xem xét chú ý hơn, mở cửa thị trường hơn nữa cho Việt Nam.

Thực ra, sau mấy chục năm chiến tranh rồi mà quan hệ cũng chưa hoàn toàn bình thường. Không khí quan hệ có lúc vẫn khó khăn, hợp tác kinh tế vẫn bị cản trở không đáng có. Chẳng hạn như kim ngạch hai chiều năm 2012 mới có hơn 25 tỉ USD, so với kim ngạch giữa Mỹ và các nước ASEAN khác như Malaysia hơn 34 tỉ USD. Rõ ràng nếu nhìn nhận đúng tầm chính trị của quan hệ, thì Việt Nam cần được có thị trường Mỹ mở rộng hơn.

Là người đặc biệt quan tâm tới vấn đề kiện chống bán phá giá, như cá tra của Việt Nam, ông có gợi ý gì?

Mỗi nước đều có cơ chế khác nhau, quá trình ra quyết định khác nhau, nhưng nói cho cùng quyết định chính trị của các chính phủ vẫn là quan trọng và có tính quyết định với các mối quan hệ, bằng các chính sá ch cụ thể.

Vấn đề chống bán phá giá, đâu chỉ là các nhà sản xuất Mỹ kiện đâu, quyết định cuối cùng của xét kiện là do các cơ quan của Chính phủ Mỹ đấy chứ. Phía Việt Nam có bán phá giá đâu. Lý do chính là phía Mỹ chưa chịu công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường. Theo cách của Mỹ, là tính giá thành căn cứ vào chi phí sản xuất của các nước khác! Không ai hiểu được. Tôi muốn nhắc lại là các cơ quan của Chính phủ Mỹ quyết định những cái đó. Từ các vụ kiện, có thể nhìn thấy điều cốt lõi vẫn là thái độ chính trị, cũng như thị trường đã thực sự mở cho Việt Nam hay không.

Còn các tồn tại sau chiến tranh khác, như chất độc da cam, bom mìn chưa nổ?

Khi tôi về nước, không còn làm đại sứ thì càng thấm thía hơn tính cấp bách của các vấn đề đó. Phía ta đã hàng chục năm nêu với Mỹ gia tăng hợp tác để sớm giải quyết chúng. Tôi hiểu cơ chế Mỹ có vướng víu quốc hội, tổng thống, chính phủ, các nhóm lợi ích, tiếng nói cử tri... Song ở đây, quan trọng nhất là những tác động vào quyết định chính trị của hai bên, và cần có sự quan tâm đến việc này nhiều hơn. Hệ quả chất da cam ở Việt Nam rất ghê gớm, những người Mỹ bình thường cần phải đến Việt Nam mới hiểu được. Bị tác động bởi ông nghị của Mỹ chưa thăm Việt Nam bao giờ và lại cố hữu không thiện cảm với Việt Nam thì thật là vô lý. Mỹ cần thực hiện trách nhiệm nhân đạo để đẩy sự hợp tác về vấn đề này lên mức mới.

Ông có đề cập quan hệ hai nước chưa hoàn toàn bình thường, liệu chúng ta có đặt vấn đề là xây dựng lòng tin?

Trong chính sách đối ngoại có mấy ai hiểu được đúng ý đồ của ai đâu, thế thì phải thông qua hành động thôi. Lời nói là một chuyện, cần thể hiện trong hành động thực tế. Ví dụ tôi đang cần điều này, mà anh lại không quan tâm, tức là lợi ích chưa có, chưa hiểu nhau, chưa hiểu thì làm sao có lòng tin để tăng cường được.

Quan hệ Việt – Mỹ còn có đặc thù là hai địch thủ trước đây, còn một số tồn tại không đáng có dù đã hợp tác đầy đủ, nhưng có thể nói vẫn chưa bình thường hoàn toàn; quá trình hợp tác đang vừa làm dò chừng để nâng cao hơn nữa.

Hồi tôi công tác với Nhật Bản chẳng hạn, lãnh đạo hai bên đồng tình rằng, để vượt qua các vấn đề quá khứ, cách tốt nhất và thực tâm, là cứ qua các việc làm và hợp tác cụ thể để giải quyết những vấn đề hiện tại với phương cách tốt nhất và cách nhìn dài hạn. Với Mỹ tôi nghĩ cũng thế.

Xung quanh chuyến đi này, dư luận cũng quan tâm đến việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông, ông thấy thế nào?

Tôi thấy đối với ta và khu vực, không có gì quan trọng bằng giữ hoà bình, ổn định để tập trung phát triển kinh tế. Việt Nam đang thực hiện chính sách ngoại giao đa phương hoá, đa dạng hoá rất phù hợp với tình hình; càng có nhiều bạn bè ủng hộ, hợp tác vì mục tiêu đó là càng tốt. Các mối quan hệ quốc tế bây giờ chằng chịt lắm, tuỳ thuộc vào nhau, tuỳ thuộc lợi ích, cho nên tác động qua lại nhau, mong muốn chung là hoà bình và phát triển.

Còn chuyện hai nước Việt – Mỹ nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược?

Tôi thấy quan hệ hợp tác kinh tế vẫn là hòn đá tảng cho quan hệ hai nước. Và thời nay khó mà tách bạch ý nghĩa kinh tế và chính trị với nhau. Hợp tác tốt là chính trị cao nhất. Mỹ mở rộng hơn thị trường cho hàng Việt Nam, chuyển giao công nghệ tăng lên thông qua đầu tư vào Việt Nam, hợp tác giúp giải quyết nhanh hơn rõ rệt vấn đề chất da cam, bom mìn. Đó là chính trị quan trọng nhất. Đấy cũng là tầm cao mới của quan hệ.

Lãnh đạo hai bên cần có những thống nhất về tầm nhìn quan hệ, lợi ích trùng hợp của nhau.

Cảm ơn ông.

Việt Anh (thực hiện)

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Thất nghiệp: Chưa thể vội mừng! (24/07/2013)

>   Việt Nam: Niềm tin DN giảm xuống âm 14% (23/07/2013)

>   Khi ngân khố quốc gia không "lựa cơm gắp mắm" (23/07/2013)

>   Chỉ số giá tiêu dùng Hà Nội, TPHCM tăng mạnh vì xăng (22/07/2013)

>   Nghịch lý con số thất nghiệp (22/07/2013)

>   Tránh “cú sốc giá” những tháng còn lại của năm (21/07/2013)

>   Điều chỉnh giá xăng sẽ tác động tăng 0,1% chỉ số CPI (19/07/2013)

>   TS. Trần Du Lịch: Lạm phát cả năm 2013 sẽ được kiềm chế ở mức 7% (19/07/2013)

>   “Xăng dầu đẩy CPI tháng 8 tăng thêm khoảng 0,15%” (18/07/2013)

>   Ổn định thị trường giá cả những tháng cuối năm (18/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật