Samsung không ngừng đổ vốn, Việt Nam được gì?
Cách đây 10 ngày, Samsung đã nhận chứng nhận đầu tư để dốc thêm 1 tỷ USD vào Việt Nam. Tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc này cũng đang lên kế hoạch đầu tư bổ sung 1,2 tỷ USD ở Thái Nguyên, bên cạnh hai dự án 1,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và 2 tỷ USD ở Thái Nguyên hiện tại. Câu hỏi lại được đặt ra, chúng ta sẽ được gì khi Samsung không ngừng đổ vốn vào Việt Nam?
Câu chuyện của Bắc Ninh và Thái Nguyên
Có lẽ, không còn phải bàn cãi về những hiệu ứng tích cực của Dự án Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh, vì ngay tại lễ tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, SEV như một điển hình trong thu hút FDI ở Việt Nam, bởi quy mô đầu tư lớn, sức lan tỏa mạnh mẽ đối với kinh tế - xã hội Việt Nam.
Và mới đây, vào đúng hôm SEV nhận giấy chứng nhận đầu tư khoản bổ sung 1 tỷ USD (ngày 20/6) để nâng tổng vốn đầu tư lên 2,5 tỷ USD, ông Trần Văn Túy, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng đã nhắc đi nhắc lại về việc chỉ trong 5 năm mà SEV đã 3 lần tăng vốn đầu tư. “Điều này đã cho thấy chất lượng và hiệu quả của Dự án như thế nào”, ông Túy nói.
Các số liệu báo cáo từ Ban Quản lý KCN tỉnh Bắc Ninh cho thấy, năm 2012, SEV đã xuất khẩu được 12,6 tỷ USD, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; đồng thời, góp phần rất lớn giúp Việt Nam có cán cân thương mại thặng dư 780 triệu USD. 5 tháng đầu năm nay, con số này là 8,98 tỷ USD, chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Điều đáng nói hơn, theo ông Ngô Sỹ Bích, Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Bắc Ninh, SEV giống như một dự án lõi, để từ đó thu hút các nhà đầu tư vệ tinh tới Việt Nam. Tính đến hết tháng 3/2012, đã có 54 nhà đầu tư vệ tinh của Samsung tới Việt Nam xây dựng các nhà máy chuyên sản xuất linh, phụ kiện, với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD.
Thực ra, ngay khi Samsung chọn Việt Nam là điểm đến, rất nhiều người đã coi dự án này như là một hình mẫu lý tưởng cho thu hút FDI vào Việt Nam. Bởi lẽ, “máy cái” Samsung sẽ góp phần kéo các nhà sản xuất vệ tinh của họ đầu tư vào Việt Nam. Và thực tế đã và đang diễn ra như vậy.
Câu chuyện tương tự cũng đang được kỳ vọng sẽ diễn ra ở Thái Nguyên, nơi mà nhà máy 2 tỷ USD của Samsung (SEVT) đang được xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay. Kế hoạch đã được đặt ra, khi SEVT hoạt động ổn định sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Và tất nhiên, sẽ là hàng loạt dự án vệ tinh “nối đuôi nhau” vào Việt Nam.
Theo ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, chỉ trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, Thái Nguyên đã cấp chứng nhận đầu tư cho 6 dự án phụ trợ cho Samsung, với tổng vốn đăng ký 100 triệu USD. “Từ khi Samsung đầu tư vào Thái Nguyên, rất đông các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đã đến địa phương tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Dự kiến năm 2013, Thái Nguyên sẽ thu hút được khoảng 4 - 5 tỷ USD vốn FDI. Đây là cơ hội tốt cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Long nói.
Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu loại trừ dự án 2 tỷ USD của Samsung, thì lũy kế sau 25 năm thu hút FDI, Thái Nguyên mới có được 34 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký vỏn vẹn trên 180 triệu USD. Nhờ chỉ Dự án SEVT, 5 tháng đầu năm, Thái Nguyên đã lên hạng nhì trong bảng xếp hạng các địa phương thu hút FDI nhiều nhất.
Đương nhiên, kéo theo các dự án vệ tinh, không chỉ là vốn đầu tư, mà còn là giải quyết việc làm, nộp ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành công nghiệp phụ trợ, cũng như những tác động lan tỏa khác tới kinh tế - xã hội của địa phương….
Hiện nay, tại SEV, đang có khoảng hơn 36.500 lao động đang làm việc với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn có hơn 70.000 lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp vệ tinh.
“Với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng, chỉ cần mỗi người lao động chi tiêu 1/2 thu nhập của mình trên địa bàn, thì mỗi năm, sức mua của thị trường đã tăng lên đáng kể, tác động tích cực tới sự phát triển của các ngành sản xuất, dịch vụ khác của địa phương”, ông Bích phân tích.
Đó là chưa kể, một yếu tố vô cùng quan trọng, được GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đánh giá rất cao, ấy là việc hàng năm, Samsung cam kết chi một tỷ lệ doanh thu nhất định (1%) dành cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). “Đây chính là điều mà Việt Nam đã chờ đợi từ lâu”, ông Mại nói.
Nộp thuế: nhiều hay ít?
Samsung, khi đầu tư vào Việt Nam, được xác định là một dự án quy mô lớn và công nghệ hiện đại, có tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam, nên đã được Chính phủ dành cho những ưu đãi cao nhất: hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 10%, miễn 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Đó cũng chính là lý do mà hơn một lần, dư luận đặt câu hỏi, Việt Nam được gì khi Samsung được hưởng quá nhiều ưu đãi như vậy? Cũng đã có quan điểm cho rằng, Samsung xuất khẩu nhiều, nhưng nộp ngân sách thì ít.
Năm 2013, dự kiến Samsung Electronic Vietnam sẽ nộp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng
|
Tuy nhiên, câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ ông Nguyễn Lương Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh là “không ít đâu”. Theo ông Thành, Samsung hiện đứng hàng đầu trong số các doanh nghiệp FDI nộp ngân sách nhiều cho địa phương.
Số liệu của Ban Quản lý KCN Bắc Ninh cho thấy, ngay năm đầu tiên đi vào hoạt động, SEV đã bắt đầu thuế cho địa phương, với 19,74 tỷ đồng. Sau đó, với doanh thu và lợi nhuận không ngừng tăng sau từng năm, nên năm 2010, SEV nộp ngân sách 82,52 tỷ đồng, năm 2011 là hơn 137,67 tỷ đồng, năm 2012 là gần 425 tỷ đồng các khoản thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.
Nếu tính cả các loại thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng…, mà phía cơ quan Hải quan thu, thì tổng cộng, đến hết năm 2012, SEV đã đóng góp hơn 3.204 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do xuất khẩu lớn, được hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, lại đang được miễn thuế TNDN, nên tổng số thu nội địa của SEV ở Bắc Ninh cho tới cuối tháng 12/2013 vào khoảng 680 tỷ đồng (bao gồm cả nộp thay nhà thầu, trong đó của riêng SEV là trên 317 tỷ đồng).
“Năm nay, năm đầu tiên phải nộp thuế TNDN, với thuế suất 5%, dự kiến, SEV sẽ nộp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng”, ông Thành cho biết.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, 5 tháng đầu năm, SEV đã nộp ngân sách 35,4 triệu USD. Với các khoản được khấu trừ khoảng 18 triệu USD, thì số thực nộp ngân sách của SEV còn 17,292 triệu USD (tương đương 365 tỷ đồng).
Ở Thái Nguyên, dù chưa đi vào hoạt động, song khi “đặt lên bàn cân” về những cái “được”, ít nhất trên khía cạnh thu ngân sách, khi Samsung đầu tư vào tỉnh nhà, lãnh đạo Cục Thuế Thái Nguyên cũng thừa nhận, do được ưu đãi thuế TNDN và là doanh nghiệp chế xuất, nên 4 năm đầu, thuế thu được từ SEVT không đáng kể, nhưng từ năm thứ 5, số thuế thu được từ công ty này vào khoảng trên 700 tỷ đồng/năm.
Đây có thể là khoản thu không được như kỳ vọng, bởi SEV hay SEVT được ưu đãi về thuế TNDN, nên khoản phải nộp ngân sách giảm đáng kể, nhưng vẫn là khoản thu không nhỏ đối với hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên.
“Những gì mà SEV đã làm được hoàn toàn xứng đáng với những ưu đãi mà họ đã được hưởng”, ông Bích thẳng thắn.
Và bài toán lợi ích quốc gia
Mang câu hỏi tương tự đã đặt cho lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tới gặp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, ông khẳng định, đây thực sự là một vấn đề mà gần đây dư luận thường nhắc tới.
“Vấn đề là chúng ta phải cân nhắc lợi ích của nhà đầu tư, của đất nước như thế nào cho hài hòa. Các nhà đầu tư lớn có quyền đòi hỏi những điều kiện để họ đầu tư vào Việt Nam. Còn chúng ta, phải tính toán xem, với những điều kiện ưu đãi đấy, Việt Nam được cái gì, nhà đầu tư được cái gì, nếu nhìn tổng thể, hài hòa lợi ích của cả hai bên thì không nên ngần ngại”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và khẳng định, khi nhìn nhận và đánh giá về các dự án FDI, phải nhìn một cách toàn diện như vậy, chứ không thể chỉ chăm chăm vào chuyện thu được bao nhiêu thuế.
Thực tế cho thấy, với việc trao ưu đãi cao nhất cho các dự án công nghệ cao, lĩnh vực mà Việt Nam hiện đang khuyến khích đầu tư, thì một dự án lớn như của Samsung, mỗi năm có thể thu ngân sách không lớn. Và nếu chỉ nhìn vào khía cạnh này, thì có vẻ là Việt Nam đang được thu lợi quá ít so với những ưu đãi mà Chính phủ dành cho họ.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ khác, là trên diện tích 100 ha, Dự án đã tạo được doanh thu 13 tỷ USD, gần như 100% con số đó được xuất khẩu ra nước ngoài, khiến cán cân thương mại thặng dư, thì lại là điều đáng quý.
Hơn nữa, cũng phải thấy rằng, việc các nhà đầu tư lớn đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, với thu nhập ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế... là điều đáng trân trọng. Chưa kể, nhà đầu tư còn chi một ngân khoản lớn cho R&D... Và phải nhìn tổng thể như vậy để thấy, Việt Nam nên hay không nên ưu đãi đầu tư cho các dự án như Samsung.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, các điều kiện mà nhà đầu tư đặt ra, tất nhiên trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, nếu Chính phủ Việt Nam không chấp thuận, thì nhà đầu tư có thể mang dự án sang nước khác, Myanmar chẳng hạn, để đầu tư. Và khi ấy, Việt Nam sẽ không được gì.
“Cân nhắc giữa cái được và không được, chúng ta sẽ có những lựa chọn đúng đắn. Đây chính là vấn đề quan trọng nhất để Thủ tướng Chính phủ quyết định đàm phán ưu đãi đầu tư với những dự án đầu tư lớn”, Bộ trưởng Vinh nói.
Thực tế, khi xem xét các chính sách ưu đãi đầu tư cho Samsung, Nokia, hay ban đầu là “con chim mồi” Intel, Chính phủ Việt Nam một mặt đặt lên bàn cân một dự án công nghệ cao, mặt khác cũng tính đến yếu tố dự án lớn, có tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam, để ra quyết định dành ưu đãi cao nhất cho các nhà đầu tư này.
Nguyên Đức
đầu tư
|