Chính phủ đồng ý cho Thaco giãn thuế 1.200 tỷ đồng
Theo đề nghị của Bộ Tài chính, thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 1 năm kể từ ngày 1/7/2013 đến 30/6/2014, số tiền được gia hạn theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 1.214 tỷ đồng (theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam và Thaco).
Trước đó, vào ngày 7/6/2013, Bộ Tài chính đã có văn bản 7310/BTC-TCHQ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam và Thaco (TruongHai) gia hạn số tiền thuế nhập khẩu của tờ khai hải quan nhập khẩu các lô hàng linh kiện, phụ tùng ô tô của 04 Công ty thành viên do Thaco là chủ đầu tư đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2013 đến ngày 30/6/2014.
Các điều kiện để được giãn thuế mà Bộ Tài chính đưa ra là có bảo lãnh của ngân hàng thương mại; việc gia hạn nộp thuế này không áp dụng cho các tờ khai nhập khẩu ô tô nguyên chiếc; công ty phải có cam kết sử dụng số tiền thuế được gia hạn để đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ ô tô Chu Lai - Trường Hải; đầu tư phát triển sản xuất phụ trợ; các công trình hạ tầng khu công nghiệp cơ khí ô tô. UBND tỉnh Quảng Nam cũng được đề nghị có trách nhiệm quản lý đảm bảo sử dụng đúng mục đích và chỉ đạo Công ty cam kết nộp các khoản thuế được gia hạn theo đúng quy định.
Thaco phải có cam kết sử dụng số tiền thuế được gia hạn để đầu tư
các dự án về công nghiệp hỗ trợ, cảng, hậu cần cảng...
|
Theo đề nghị của Bộ Tài chính, thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 1 năm kể từ ngày 01/07/2013 đến 30/06/2014 (theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam), số tiền được gia hạn theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 1.214 tỷ đồng (theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam và Thaco).
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐTV của Thaco cho hay, các khoản thuế này chưa phát sinh trên thực tế và sẽ chỉ có khi doanh nghiệp tiến hành nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ cho hoạt động lắp ráp và sản xuất xe ô tô từ tháng 7/2013 đến tháng 6/2014.
Số thuế mà Thaco xin giãn 1 năm này, thay vì nộp cho ngân sách sẽ được doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất ô tô mà công ty đang theo đuổi ở các khía cạnh công nghiệp hỗ trợ, cảng và hậu cần cảng, trường cao đẳng nghề, nhà ở cho công nhân…
“Nếu không tiếp tục đầu tư để đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40% thì năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN hạ xuống 0%, việc sản xuất ô tô tại Khu phức hợp Chu Lai (Quảng Nam) của Thaco sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Dương cho biết.
Trước đó vào năm 2003, Thaco đã quyết định đầu tư mới hoàn toàn vào Khu kinh tế mở Chu Lai thay vì tiếp tục phát triển trên cơ sở sản xuất có sẵn tại Biên Hòa (Đồng Nai).
Tới nay tại Chu Lai, Thaco đã đầu tư và thành lập 21 công ty với số vốn đầu tư là hơn 8.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động tại địa phương.
Số thuế mà Thaco đã nộp lũy kế từ năm 2004 tới năm 2012 là 11.430 tỷ đồng (năm 2010 là 2.535 tỷ đồng, năm 2011 là 3.871 tỷ đồng và năm 2012 là 2.684 tỷ đồng).
Mục tiêu được Thaco đặt ra là tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp lớn toàn cầu, mà cụ thể ở đây là các nhãn hiệu Kia và Hyundai (Hàn Quốc).
Cũng theo hướng này, từ tháng 8/2011, Thaco đã đàm phán với Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) để tiến hành đầu tư dự án Nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ loại diesel D4 trên 100 mã lực với 3 dây chuyền chế tạo 3 chi tiết chính và dây chuyền lắp ráp thử nghiệm có công suất 20.000 động cơ/năm.
Hiện nhà máy đã đầu tư được trên 7.000 tỷ đồng và đang đầu tư tiếp trên 800 tỷ đồng trong năm 2013 và 1.800 tỷ đồng trong năm 2014. Dự kiến tháng 2/2015, nhà máy sẽ sản xuất đầy đủ giai đoạn 1 các dòng động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2 và Euro 3.
Đáng chú ý là dù được xếp vào nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm nhưng quá trình xét duyệt hồ sơ của cơ quan hữu trách với Dự án động cơ này cũng tốn nhiều thời gian, trong khi thời điểm năm 2018 chả còn nhiều. Chưa kể số tiền cho vay và lãi suất vay ở thời điểm này không phải quá hấp dẫn, nhất là với những đầu tư lớn cho công nghiệp chế tạo, thời gian thu hồi vốn không thể nhanh như thương mại.
Ngoài đầu tư vào động cơ ô tô, Thaco hiện đã đầu tư 5.300 tỷ đồng cho nhóm công ty sản xuất công nghiệp hỗ trợ và đang tiếp tục nâng mức đầu tư cho khối này lên 5.895 tỷ đồng tới hết năm 2014.
Cũng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất ô tô, vấn đề hạ tầng Khu công nghiệp, cảng và hậu cần, trường cao đẳng nghề và vận tải logistic cũng được Thaco chủ động triển khai đầu tư, thay vì ngồi chờ doanh nghiệp khác cung cấp dịch vụ.
Trên thực tế một số dự án lớn như Samsung, Nokia hay Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Chính phủ cũng đã có những chính sách riêng trong thời gian nhất định để nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền ra xây dựng cơ sở sản xuất và kéo theo các vệ tinh vào đầu tư tại Việt Nam. Như vậy, những doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư sản xuất, có dự án và chương trình rõ ràng để phát triển sản xuất cũng cần được trợ giúp thì mới hy vọng có nền sản xuất vững vàng trong tương lai.
Bình luận về câu chuyện xin giãn thuế để đầu tư cho ô tô của Thaco, một chuyên gia cũng cho rằng, đầu tư cho ô tô ít nhất phải 30 năm với chính sách ổn định thì mới mong các nhà đầu tư vào làm công nghiệp hỗ trợ và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Nhưng với tình hình kinh tế gần đây thì chả ai dám làm công nghiệp hỗ trợ cả khi phải đầu tư công nghệ cao, vốn lớn, không biết bao giờ thu hồi được vốn mà phải vay với lãi suất cao.
Dù dư luận có cho rằng các doanh nghiệp ô tô chỉ mong tới năm 2018 để nhập khẩu xe nguyên chiếc về bán thì thực sự nhiều doanh nghiệp vẫn đang đầu tư để nội địa hóa. Nhưng phải làm gì để khuyến khích họ thì lại không thấy nhiều.
Thanh Hương
Đầu tư
|