Thứ Hai, 08/07/2013 09:44

Quả đắng xuất ngoại của Viettel

Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) không thể vui khi Hội đồng Đánh giá và Sàng lọc nhà thầu viễn thông Myanmar (TOTSC) xướng tên 2 công ty được nhận giấy phép đầu tư và kinh doanh mạng viễn thông tại Myanmar. Đó là Telenor (Na Uy) và Ooredoo (Qatar).

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền

Như vậy, Viettel đã có bước khởi đầu không mấy suôn sẻ tại Myanmar, thị trường viễn thông được đánh giá là còn nhiều tiềm năng. Hiện quốc gia Đông Nam Á này có khoảng 60 triệu dân, nhưng tỉ lệ sử dụng dịch vụ viễn thông di động chưa đến 9% dân số.

Thông tin từ TOTSC cho hay, 2 giấy phép cấp cho Telenor và Ooredoo có thời hạn 15 năm với quyền khai thác viễn thông trên phạm vi cả nước. Hai đại gia viễn thông này sẽ phải đảm bảo cung cấp dịch vụ thoại di động tại 75% tỉnh thành trong 5 năm và dịch vụ truyền dữ liệu tại hơn một nửa diện tích của Myanmar.

Ông Fredrik Baksaas, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành Telenor, cho biết Telenor sẽ đầu tư mạng di động hiện đại nhất tại Myanmar. Telenor hiện sở hữu gần 150 triệu thuê bao di động tại 11 nước thuộc khu vực Trung, Đông Âu, châu Á và 18 thị trường khác thông qua 33% vốn sở hữu tại Tập đoàn Viễn thông VimpelCom (Nga).

Năm 2012, Telenor đạt mức doanh thu 16,5 tỉ USD, lãi ròng 1,4 tỉ USD. Tập đoàn này đã cam kết sẽ chính thức triển khai mạng di động tại Myanmar trong năm sau và phủ sóng toàn quốc trong vòng 5 năm.

Ngay sau thời điểm TOTSC công bố danh tính 2 công ty thắng thầu, hầu hết giới truyền thông quốc tế đều cho rằng, lựa chọn này là sự cân bằng giữa nhà đầu tư Ooredoo vốn có nguồn lực tài chính vượt trội và Telenor khá mạnh về công nghệ.

Ông Jeremy Sell, Giám đốc Chiến lược toàn cầu của Ooredoo, cho biết: “Chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư 15 tỉ USD trong vòng 15 năm tại Myanmar, bao gồm vốn đầu tư ban đầu, chi phí vận hành, phí lấy giấy phép và thuế”.

Bại không nản

Tại sao Viettel lại thất bại trong cuộc đua đầu tư vào ngành viễn thông tại Myanmar? Xét về trình độ công nghệ, có lẽ Viettel không thua kém mấy so với các đại gia viễn thông thế giới. Như vậy, câu trả lời khả dĩ nhất chính là tiềm lực tài chính. Đến nay, cả Telenor và Ooredoo đều không công bố giá trị gói thầu. Nhưng theo Reuters, giá đấu thầu này có thể vào khoảng hơn 3 tỉ USD.

“Viettel đã cố gắng hết sức, cả về giá bỏ thầu, chuẩn bị tài liệu, cũng như các cam kết hấp dẫn đối với Chính phủ Myanmar. Nhưng đơn vị trúng thầu đã bỏ giá rất cao, nên Viettel nếu có bỏ thêm 100 hay 200 triệu USD cũng không đạt hiệu quả”, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel, cho biết.

Tuy nhiên, ông Trung vẫn khẳng định, Viettel sẽ không bỏ cuộc vì những đơn vị trượt thầu vẫn có thể hợp tác với Telenor và Ooredoo trong dự án đầu tư vào ngành viễn thông tại Myanmar.

Bên cạnh đó, Viettel cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định đầu tư gián tiếp ra nước ngoài để rộng đường làm ăn. “Ở nhiều thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp đã mua hết giấy phép hoạt động trong lĩnh vực viễn thông. Nếu nhà mạng Việt Nam muốn tham gia khai thác, phải mua lại cổ phần trong các doanh nghiệp của họ”, ông Hoàng Anh Xuân, Tổng Giám đốc Viettel, cho biết.

Thông tin từ Viettel cho thấy, hiện Tập đoàn đang đầu tư và kinh doanh tại 7 nước gồm Lào, Campuchia, Myanmar, Haiti, Mozambique, Peru và Cameroon với tổng số thuê bao đang hoạt động là khoảng 10 triệu.

Tương tự thị trường viễn thông Việt Nam cách đây vài năm được ví như con gà đẻ trứng vàng, tỉ suất lợi nhuận của Viettel ở các thị trường đang phát triển là rất khả quan. Năm 2009, Viettel đầu tư 40 triệu USD sang Campuchia bằng dự án Metfone. Dự kiến, cuối năm nay, chi nhánh Viettel tại Campuchia sẽ trả hết nợ ngân hàng, khấu hao xong 45.000 tỉ đồng và mạng viễn thông tại đây sẽ hoàn toàn trở thành tài sản của Viettel. Tại Mozambique, tập đoàn này khai trương mạng di động vào tháng 5.2012 đến cuối năm đã có lãi, dự kiến trong 3 năm sẽ khấu hao xong và trả hết nợ ngân hàng.

Năm 2012, riêng mảng đầu tư ra nước ngoài của Viettel đã đem lại doanh thu gần 600 triệu USD, tăng 45% so với năm 2011. Năm nay, Viettel dự kiến sẽ chuyển khoảng 150 triệu USD lợi nhuận về nước từ mảng đầu tư ra nước ngoài.

Ông Xuân Viettel khẳng định, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài chính là chiến lược dài hơi của Tập đoàn. Từ sau năm 2015, dự kiến thị trường nước ngoài của Viettel sẽ lớn hơn trong nước với khoảng 500 triệu dân.

Vĩnh Bảo

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Đề xuất xử lý tài chính doanh nghiệp tái cơ cấu (08/07/2013)

>   “Không thể đổ thiếu điện cho ngành thép để đòi tăng giá” (08/07/2013)

>   Viettel loay hoay giải quyết tàn dư của EVN Telecom (08/07/2013)

>   “Thất thu thuế hàng nghìn tỷ từ xuất khẩu quặng sắt” (08/07/2013)

>   Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Sẽ tiếp tục ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài (07/07/2013)

>   Xử phạt 234 doanh nghiệp hơn 2,7 tỉ đồng (07/07/2013)

>   Tạo thuận lợi thương mại còn nhiều "khoảng trống" (06/07/2013)

>   Hà Nội quyết định tăng giá nhiều dịch vụ y tế (06/07/2013)

>   Trình Thủ tướng chuyển giao 3 cảng thuộc Vinalines (06/07/2013)

>   Nhiều doanh nghiệp phải thi hành án…bỏ trốn (06/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật