Thứ Bảy, 27/07/2013 09:04

Lợi nhuận và rủi ro của Quỹ cân bằng và Quỹ công cụ thị trường tiền tệ như thế nào?

Để giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ nét hơn về các loại hình quỹ mở đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là hai loại hình quỹ mở sắp ra đời như Quỹ cân bằng và Quỹ Công cụ thị trường tiền tệ, chúng tôi đã có buổi trao đổi cùng Ông Đặng Vị Thanh, Giám đốc khối Khách hàng cá nhân Công ty Quản lý Quỹ VinaWealth về kênh đầu tư khá mới mẻ này.

* VinaWealth: Chưa có kế hoạch lập quỹ bất động sản trong năm 2013

* Quỹ mở có giải được bài toán “room” ngoại?

Ông Đặng Vị Thanh, Giám đốc khối Khách hàng cá nhân Công ty Quản lý Quỹ VinaWealth

Nhà đầu tư Việt Nam có lẽ vẫn còn khá xa lạ với Quỹ Cân bằng và Quỹ Công cụ thị trường tiền tệ, ông có thể giới thiệu rõ hơn về hoạt động và cơ hội kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư từ hai loại hình quỹ này?

Quỹ Cân bằng hay Quỹ Công cụ thị trường tiền tệ mà chúng tôi nói đến đều là quỹ mở. Nói cách khác, các quỹ này, quỹ Cổ phiếu và kể cả Quỹ trái phiếu VFF đều hoạt động (thành lập và quản lý) theo cơ chế Quỹ mở và trong khuôn khổ pháp lý về quỹ mở. Sự khác nhau nằm ở mục tiêu và chiến lược đầu tư của quỹ và do đó sẽ quyết định đến chiến lược phân bổ tài sản đầu tư của quỹ như thế nào nhằm đạt được mục tiêu.

Cụ thể, Quỹ Trái phiếu Bảo Thịnh VFF hướng đến mục tiêu an toàn vốn, lợi nhuận ổn định và có tiềm năng tăng trưởng vốn nhờ vào chiến lược quản lý chủ động và phân bổ tài sản đầu tư linh hoạt.

Trong khi đó, mục tiêu chính của Quỹ cổ phiếu là tiềm năng tăng trưởng vốn cao hơn trong dài hạn trên cơ sở chấp nhận những biến động ngắn hạn tạm thời trên thị trường chứng khoán. Phần lớn tài sản đầu tư của quỹ là cổ phiếu. Tiềm năng lợi nhuận cao, nhưng rủi ro và biến động cũng cao tương ứng!

Quỹ Cân bằng, như hàm ý trong tên của quỹ, sẽ phân bổ tài sản đầu tư một cách cân bằng giữa trái phiếu, chứng khoán lãi suất cố định khác và cổ phiếu, nhằm đạt được sự cân bằng về rủi ro và tiềm năng lợi nhuận của Quỹ.

Quỹ Công cụ thị trường tiền tệ có thể được lựa chọn đầu tư trong một số trường hợp sau: (i) nguồn tiền nhàn rỗi ngắn hạn (dưới 1 năm), tiêu chí bảo toàn vốn và lợi nhuận sau phí không thấp hơn lãi suất ngân hàng cùng kỳ hạn, (ii) một lựa chọn đầu tư khác ngoài gửi tiền ngân hàng; (iii) nơi trú ẩn tạm thời trong điều kiện kinh tế và thị trường chứng khoán biến động mạnh.

Quỹ Công cụ thị trường tiền tệ đầu tư chủ yếu vào các công cụ nợ ngắn hạn bao gồm tiền gửi ngân hàng, trái phiếu có thời gian đáo hạn dưới 1 năm... Quỹ công cụ thị trường tiền tệ có mức độ rủi ro và lợi nhuận tương đối thấp nhất trong các loại quỹ nêu trên.

Trong năm 2013, VinaWealth có kế hoạch lập một Quỹ mở Cổ phiếu và một Quỹ mở về Công cụ thị trường tiền tệ.

Mức độ rủi ro và lợi nhuận của các Quỹ có thể được minh họa như sơ đồ sau:

Hai loại hình quỹ đầu tư trên phù hợp với những nhà đầu tư nào, thưa ông?

Nói chung, Quỹ đầu tư là một sự lựa chọn thích hợp cho tất cả các nhà đầu tư bị hạn chế về nguồn lực như không có nhiều thời gian, ít kinh nghiệm và vốn để quản lý đầu tư hiệu quả, đặc biệt các nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường, với mong muốn có một kênh đầu tư đơn giản và hiệu quả để tích lũy tài sản cho các mục tiêu tài chính tương lai trong cuộc sống.

Nếu khả năng tài chính cho phép, nhà đầu tư có thể chấp nhận một mức độ rủi ro hoặc biến động nhất định về lợi nhuận và mong muốn khoản đầu tư tăng trưởng nhanh hơn, Quỹ Cổ phiếu là sự lưa chọn thích hợp.

Ngược lại, nếu tiêu chí an toàn vốn và lợi nhuận ổn định là ưu tiên hàng đầu, Quỹ Trái phiếu VFF có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Quỹ công cụ Thị trường tiền tệ có vẻ khá tương đồng với tiền gửi ngân hàng xét trên khía cạnh an toàn và lợi nhuận, nên là một công cụ hữu ích để tiết kiệm đầu tư đều đặn cho hưu trí, giáo dục…Tuy nhiên, quỹ công cụ Thị trường tiền tệ linh hoạt hơn tiền gửi ngân hàng ở khía cạnh thanh khoản và tính đa dạng hóa có sẵn trong cấu trúc sản phẩm.

Với các nhà đầu tư khác, khi lựa chọn quỹ đầu tư, nhà đầu tư không nên chỉ đánh giá về khía cạnh lợi nhuận, mà cần xem xét cả yếu tố rủi ro và đa dạng hóa mà khoản đầu tư đó mang lại trong tổng thể danh mục và kế hoạch đầu tư chung.

Ví dụ, nếu danh mục đầu tư chỉ bao gồm cổ phiếu, nhà đầu tư nên phân bổ môt tỷ lệ nào đó vào tài sản đầu tư an toàn hơn như trái phiếu và quỹ trái phiếu như Quỹ VFF của VinaWealth. Ở chiều ngược lại, nếu là người ngại rủi ro hoặc không có nhiều thời gian và kinh nghiệm đầu tư cổ phiếu, nên chủ yếu gửi tiền ngân hàng, nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư thông qua Quỹ mở cổ phiếu của VinaWealth để có thể kỳ vọng gia tăng tổng mức lợi nhuận chung hoặc cân nhắc Quỹ thị trường tiền tệ có mức độ rủi ro và lợi nhuận khá tương đồng với tiền gửi ngân hàng, để đa dạng hóa và phân tán rủi ro.

Vì sao VinaWealth lựa chọn thời điểm này để ra hai loại hình quỹ mới này? Ông nhận định như thế nào về tiềm năng của chúng?

Lý do chính mà chúng tôi muốn đưa ra thị trường thêm hai quỹ mới là Quỹ Cổ phiếu và Quỹ Công cụ thị trường tiền tệ. Một là, chúng tôi muốn có đủ lựa chọn cho các nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro và lợi nhuận khác nhau, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng hay phù hợp với diễn biến thị trường trong từng giai đoạn.

Hai là, chúng tôi cũng nhận thấy cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều tiềm năng, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chưa có điều kiện để tiếp cận và tham gia đầu tư một cách hiệu quả.

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, thị trường của Quỹ mở nói chung là còn rất nhiều tiềm năng. Khó khăn còn trước mắt, nhưng con đường đã mở ra để đi tới. Điều quan trọng là làm sao tiếp cận được và truyền thông một cách hiệu quả đến khách hàng để họ biết, hiểu và tham gia đầu tư.

Ông nhận thấy mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với Quỹ Mở mới này của VinaWealth như thế nào qua quá trình trao đổi trước khi thành lập Quỹ?

Nhìn chung, nhà đầu tư có quan tâm và lạc quan thận trọng do hạn chế về quy mô và sự tăng trưởng bền vững của các thị trường chứng khoán cơ sở, nhưng đa dạng hóa danh mục sản phẩm là cần thiết để mở rộng cơ sở nhà đầu tư.

Việc huy động quỹ từ thị trường trong nước vẫn còn là một thách thức không chỉ đối với chúng tôi, mà của cả ngành quản lý quỹ Việt Nam, do chưa có nền tảng khách hàng vững chắc, trong khi hệ thống phân phối chứng chỉ quỹ, kênh truyền thông, tiếp cận nhà đầu tư vẫn chưa được hình thành và đạt hiệu quả.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, bản thân sản phẩm quỹ chưa phải là yếu tố quyết định. Họ còn đánh giá tổng quan các yếu tố kinh tế vĩ mô và thị trường khác nữa như lạm phát, tỷ giá, thuế và một số yếu tố khác.

Lộ trình lập quỹ này đã đến bước nào và đã được sự chấp thuận của UBCKNN hay chưa?

Hiện tại, chúng tôi đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ cần thiết, bao gồm nội dung của hai tài liệu quan trọng của quỹ là Bản cáo Bạch và Điều lệ Quỹ, để trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép phát hành ra công chúng vào thời điểm thích hợp.

Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư khi chuyển đổi qua lại giữa các quỹ của VinaWealth sẽ được thực hiện như thế nào?

Khả năng chuyển đổi qua lại giữa các Quỹ do VinaWealth quản lý là một đặc trưng quan trọng của Quỹ mở, giúp nhà đầu tư dễ dàng chuyển đổi từ quỹ này sang quỹ khác phù hợp hơn, khi mục tiêu đầu tư của khách hàng thay đổi hoặc điều kiện thị trường thay đổi.

Về mặt thủ tục, chắc chắn sẽ rất đơn giản. Nhà đầu tư sẽ điền thông tin vào một Phiếu lệnh chuyển đổi và gửi cho Quỹ thông qua đại lý phân phối để thực hiện.

Về việc thành lập quỹ bất động sản (REIT) và quỹ hoán đổi danh mục (ETF), được biết quỹ đã có những nghiên cứu ban đầu nhưng chưa có kế hoạch cụ thể về việc thành lập, ông có thể chia sẻ thêm về sự thay đổi kế hoạch này không, VinaWealth đã gặp những khó khăn gì và tại sao lại rút lại kế hoạch này?

Việc nghiên cứu là để có kế hoạch triển khai phù hợp. Ưu tiên của chúng tôi trong năm 2013 là có đủ danh mục sản phẩm quỹ mở như đã đề cập ở trên. Chúng tôi cần thêm thời gian để chuẩn bị nguồn lực cần thiết, bao gồm nhân sự, để có thể cân nhắc lập quỹ REIT và/hoặc ETF khi điều kiện thị trường sẵn sàng và chúng tôi tìm được đối tác phù hợp để phát triển.

Cám ơn ông!

Minh Hằng thực hiện

infonet

Các tin tức khác

>   Rót ròng vào Market Vectors Vietnam ETF tiếp tục giảm trong năm 2013 (23/07/2013)

>   Rút ròng tại Market Vectors Vietnam ETF (16/07/2013)

>   Tuần bình yên của Market Vectors Vietnam ETF (09/07/2013)

>   VinaWealth: Chưa có kế hoạch lập quỹ bất động sản trong năm 2013 (03/07/2013)

>   Market Vectors Vietnam ETF bị rút hơn 22 triệu USD trong tuần cuối tháng 6 (02/07/2013)

>   Quỹ ETF Market Vectors Vietnam liên tục bị rút vốn từ 11/04 (27/06/2013)

>   VFMVF1: Tường thuật Đại hội bất thường chuyển đổi sang quỹ mở (27/06/2013)

>   Market Vectors Vietnam ETF xuyên thủng đường trung bình động 200 ngày (25/06/2013)

>   Quỹ VOF của VinaCapital quyết tâm ở lại Việt Nam thêm 5 năm (24/06/2013)

>   Góc Broker: Đè chỉ số để gom hàng? (22/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật