VFMVF1: Tường thuật Đại hội bất thường chuyển đổi sang quỹ mở
Sáng ngày 27/06, Quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Nam (HOSE: VFMVF1) tổ chức Đại hội Nhà đầu tư bất thường để thông qua phương án chuyển đổi VFMVF1 sang quỹ mở.
* Các quỹ niêm yết ra sao sau Thông tư 183?
* 11h15: Đại hội kết thúc thông qua tất cả các tờ trình.
Ban đại diện của VFMVF1 được giữ nguyên bao gồm 6 thành viên sau:
1. Ông Lưu Đức Khánh – Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank)
2. Bà Nguyễn Bội Hồng Lê – Trưởng phòng giao dịch CK Tổng công ty tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVF) (Thành viên độc lập)
3. Ông Phan Minh Tuấn – Giám đốc kiểm Trưởng đại diện Dragon Capital Hà Nội
4. Ông Lê Văn Phú – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Indovina
5. Ông Đặng Thái Nguyên – Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Việt (đại diện phần góp vốn của Ngân hàng Bắc Á)
6. Ông Nguyễn Kiên Cường – Luật sư tư vấn cấp cao, Tư vấn pháp lý – Dragon Capital
* 10h55: Thông qua phương án chuyển đổi sang quỹ mở
Có 3 nhà đầu tư không đồng ý phương án chuyển đổi sang quỹ mở, đại diện tỷ lệ sở hữu 0.34%. Như vậy, với tỷ lệ đồng ý 86.75%, phương án chuyển đổi VFMVF1 sang quỹ mở đã được thông qua.
* 10h50: Số lượng nhà đầu tư tham dự là 89 người, đại diện cho 87.07% vốn của quỹ VFMVF1
* 10h00: Thảo luận
Trả lời thắc mắc của nhà đầu tư về lợi ích khi chuyển đổi sang quỹ mở, tại sao quỹ không thanh hoán toàn bộ danh mục rồi trả lại tiền cho nhà đầu tư. Đại diện của VFMVF1 cho biết, hiện danh mục đầu tư của VFMVF1 bao gồm nhiều cổ phiếu tốt (5 cổ phiếu chiếm 50% N.A.V của VFMVF1 là VNM, DPM, FPT, GAS, REE) và nhiều nhà đầu tư muốn giữ lại danh mục này.
Việc chuyển đổi có thể đáp ứng nhu cầu giữ lại danh mục đầu tư khi không muốn bán những cổ phiếu tốt trong danh mục như trên. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế khi giao dịch chứng chỉ quỹ mở, thông qua quỹ mở, nhà đầu tư nước ngoài có thể tăng việc nắm giữ cổ phiếu đã hết room và không bị áp lực bán.
Ngoài ra, khi chuyển đổi sang quỹ mở, tỷ lệ chiết khấu (discount) gần như không có.
Thời gian đến tháng 06/2014 mới hoàn tất thanh lý, thủ tục thanh lý không đơn giản do không dễ bán hết danh mục đầu tư.
Do đó, VFMVF1 quyết định chuyển đổi sang quỹ mở.
Với thắc mắc về thuế phải trả, đại diện VFMVF1 cho biết, khi giao dịch chứng chỉ quỹ đóng thì mức thuế là 0.1% giá trị giao dịch. Đối với quỹ mở, mức thuế phải trả cũng không có khác biệt, vẫn là 0.1% giá trị giao dịch. Tuy nhiên, trước đây, khi giao dịch chứng chỉ quỹ đóng, CTCK sẽ thu thế và nộp cho Nhà nước. Khi giao dịch chứng chỉ quỹ mở, thuế phải nộp sẽ chuyển sang cho công ty quản lý quỹ và sẽ do đại lý chuyển nhượng chịu trách nhiệm.
* 09h35: Dự kiến tháng 11 này là ngày giao dịch đầu tiên chứng chỉ quỹ mở VFMVF1
Ông Trần Lê Minh, Phó Tổng giám đốc VFM (đơn vị quản lý VFMVF1) trình bày chi tiết phương án chuyển đổi VFMVF1 sang quỹ mở.
Theo đó, dự kiến VFMVF1 sẽ thực hiện thủ tục xin hủy niêm yết vào ngày 12/07/2013 và thực hiện thủ tục hủy đăng ký lưu ký vào ngày 24/08/2013.
Đến 30/08/2013, VFMVF1 sẽ thực hiện thủ tục đề nghị UBCK điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ mở cho quỹ.
Dự kiến ngày giao dịch cuối cùng của chứng chỉ quỹ VFMVF1 là 24/09/2013 và ngày giao dịch đầu tiên chứng chỉ quỹ VFMVF1 sau khi chuyển đổi là 07/11/2013.
Quỹ đầu tư VFMVF1 sẽ tạm ngừng các hoạt động đầu tư từ 01/08/2013 trong thời gian chuyển đổi để thực hiện việc kiểm toán tài sản và đệ trình hồ sơ chuyển đổi. VFMVF1 sẽ nắm giữ khoảng 60% N.A.V của quỹ là cổ phiếu và 40% N.A.V tiền mặt từ ngày bắt đầu tạm ngừng các hoạt động đầu tư của quỹ đến ngày quỹ được phép thực hiện đầu tư sau khi chuyển đổi.
Nếu việc chuyển đổi của VFMVF1 thành công thì VFM sẽ quản lý 3 quỹ mở là VFMVFA, VFMVF1 và VFMVFB (quỹ mở trái phiếu).
Đối với các nhà đầu tư phản đối quyết định chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở và phương án chuyển đổi của Đại hội nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ sẽ mua lại chứng chỉ quỹ sau khi UBCKNN chấp thuận việc chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở theo quy định tại Thông tư 183/2011/TT-BTC.
* Đến giờ khai mạc, Đại hội đã có sự tham dự của 78 nhà đầu tư, đại diện tỷ lệ sở hữu 86.18% tổng vốn điều lệ của quỹ.
Trước đó, Đại hội Nhà đầu tư thường niên năm 2013 của VFMVF1 đã thông qua chủ trương chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở. Đến Đại hội bất thường lần này, phương án chuyển đổi chỉ được thông qua nếu đạt tỷ lệ trên 75% chứng chỉ quỹ có quyền biểu quyết tán thành.
Đại hội sẽ biểu quyết thông qua báo cáo tài chính 3 tháng đầu năm 2013, phương án chuyển đổi VFMVF1 từ quỹ đóng sang quỹ mở, hủy niêm yết VFMVF1, hủy đăng ký chứng khoán của chứng chỉ quỹ VFMVF1 và bầu Ban đại diện cho Quỹ sau chuyển đổi.
Được biết, giá trị tài sản ròng (N.A.V) của VFMVF1 tính đến 20/06/2013 là 1,821 tỷ đồng, tương đương 18,212 đồng/ccq.
Kết quả hoạt động trong quý 1/2013 của VFMVF1 ghi nhận khoản lợi nhuận ròng trong kỳ đạt 214.5 tỷ đồng, trong đó, kết quả ròng đã thực hiện lỗ 141 tỷ và kết quả ròng chưa thực hiện đạt lợi nhuận 355.7 tỷ đồng.
Trong 3 quỹ do VFM quản lý, VFMVFA là quỹ mở cổ phiếu đầu tiên được chuyển đổi thành công từ quỹ đóng trên thị trường chứng khoán Việt Nam và giao dịch kể từ ngày 26/04 với tần suất giao dịch định kỳ 2 lần/tháng.
Hai quỹ còn lại VFMVF1 và VFMVF4 đang thực hiện các thủ tục cần thiết để chuyển đổi sang quỹ mở.
Đối với MAFPF1, nhà đầu tư không nhất trí phương án chuyển đổi sang quỹ mở nên quỹ này sẽ phải đóng theo đúng thời hạn hoạt động đến tháng 09/2014. PRUBF1 đã nhất trí đóng quỹ đúng thời hạn, dự kiến ngày hủy niêm yết vào 04/09/2013 và hoàn tất thanh lý toàn bộ tài sản ra thị trường vào 04/10/2013.
Riêng Quỹ đầu tư Tăng trưởng ACB (HOSE: ASIAGF) vẫn hoạt động bình thường dưới dạng quỹ đóng.
|
Minh Hằng
Infonet
|