Loại bỏ bất minh trong đầu tư ủy thác
Đang có những nghi ngờ về một số điểm “mờ” trong hoạt động đầu tư ủy thác của các công ty quản lý quỹ (QLQ). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không cho là như vậy.
Khách hàng ủy thác danh mục đầu tư đứng tên sở hữu tài sản ủy thác có trách nhiệm CBTT
|
Mối ngờ bất minh
Với hoạt động đầu tư ủy thác của các công ty QLQ, điều thị trường chờ đợi hơn cả khi tiếp cận thông tin về các giao dịch đầu tư này là đâu là giao dịch của công ty QLQ, đâu là giao dịch mà công ty QLQ nhận ủy thác từ NĐT. Việc nhận diện rõ nét chủ thể đích thực sở hữu lượng lớn cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, luôn là đòi hỏi của không chỉ NĐT, mà của cả tổ chức niêm yết, phát hành. Lý do là bởi các tổ chức này luôn muốn cập nhật thông tin số lượng cổ đông lớn, cổ đông nắm cổ phần chi phối là ai, để đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành.
Tuy nhiên, có những nghi ngờ liên quan đến khả năng lách quy định pháp luật về công bố thông tin (CBTT) để “che mờ” chủ thể thực của các giao dịch ủy thác đầu tư. Điều này liên quan đến quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC về CBTT trên TTCK: tổ chức, cá nhân, nhóm người có liên quan nắm giữ từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng phải báo cáo về sở hữu cho công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Sở GDCK... Với quy định này, có ý kiến cho rằng, một NĐT nếu muốn mua lượng cổ phiếu của một công ty với tỷ lệ lớn hơn 5% (ngưỡng phải báo cáo, CBTT), nhưng không muốn lộ diện, họ có thể chia lượng cổ phiếu muốn mua ra làm hai phần bằng nhau. Sau đó, họ tự đứng ra mua một nửa, phần còn lại ủy thác cho công ty QLQ quỹ mua, nhằm lách quy định sở hữu hơn 5% phải báo cáo về sở hữu. Điều này khiến thị trường không thể nhận diện ai là chủ thể thực của lượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ được mua vào với số lượng lớn.
Danh tính rõ ràng
Việc né quy định CBTT như trường hợp nêu trên, theo phó tổng giám đốc một công ty QLQ, là không thể, bởi Thông tư 212/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty QLQ đã quy định chặt. Theo đó, tại Khoản 22 Điều 24 Thông tư 212, trong hoạt động báo cáo sở hữu, CBTT, công ty QLQ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ báo cáo, CBTT kể từ thời điểm tổng số cổ phiếu do công ty QLQ sở hữu (nếu có) và các khách hàng ủy thác, bao gồm cả các quỹ đầu tư mà công ty đang quản lý sở hữu đạt từ 5% trở lên tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một tổ chức phát hành, hoặc công ty QLQ (nếu có) là người biết thông tin nội bộ theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Trường hợp khách hàng ủy thác danh mục đầu tư đứng tên sở hữu tài sản ủy thác, thì khách hàng có trách nhiệm báo cáo sở hữu, CBTT.
Mặt khác, theo lãnh đạo Vụ Quản lý quỹ, UBCK, quy định pháp lý hiện hành đã đủ đồng bộ, chặt chẽ và rõ ràng để loại bỏ các nguy cơ bất minh trong giao dịch đầu tư ủy thác. Cụ thể, Điều 30 Thông tư 212 quy định, đối với các giao dịch mua bán lại tài sản không phải là trái phiếu chính phủ, khách hàng ủy thác phải đứng tên là người giao dịch, không được ủy quyền cho công ty QLQ. Trường hợp công ty QLQ được yêu cầu đứng danh chủ sở hữu tài sản thay mặt cho khách hàng ủy thác, trong hoạt động quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng ủy thác là DN bảo hiểm, tổ chức tín dụng, CTCK..., công ty QLQ có trách nhiệm yêu cầu khách hàng ủy thác nêu rõ hạn chế đầu tư bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với loại tài sản, khối lượng tài sản, giá trị đầu tư, giá trị thực hiện.
Ngoài ra, theo Điều 32 Thông tư 212, trường hợp đầu tư vào chứng khoán của công ty đại chúng, khách hàng ủy thác có trách nhiệm tự thực hiện, hoặc ủy quyền bằng văn bản yêu cầu công ty QLQ thực hiện việc báo cáo sở hữu, CBTT trước và sau giao dịch áp dụng đối với người biết thông tin nội bộ và cổ đông lớn. Đáng lưu ý, quy định trên cũng nêu rõ, số lượng cổ phiếu thuộc sở hữu của khách hàng bao gồm số cổ phiếu đăng ký đứng tên chủ sở hữu là khách hàng ủy thác (trực tiếp sở hữu) và số cổ phiếu mà khách hàng ủy thác chỉ định công ty QLQ thực hiện đầu tư và đứng tên sở hữu thay mặt khách hàng (gián tiếp sở hữu).
Với hệ thống quy định được phân tầng thành nhiều lớp như vậy, đại diện UBCK cho rằng, có đủ căn cứ pháp lý loại bỏ các hành vi có thể lách luật trong giao dịch đầu tư ủy thác, ngoại trừ các trường hợp cố tình vi phạm. Đương nhiên, với những trường hợp này, khi cơ quan chức năng phát hiện sẽ xử lý nghiêm.
Hữu Đạo
đầu tư chứng khoán
|