Thứ Năm, 18/07/2013 06:24

Trốn thuế, thao túng chứng khoán: Xử nặng

Bộ Luật Hình sự sửa đổi ban hành năm 2009 nhưng đến nay, việc định lượng, hướng dẫn xử lý tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính và chứng khoán mới được ban hành

Liên bộ Tư pháp - Công an - TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Tài chính vừa ban hành Thông tư 10/2013 về việc hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ Luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính và chứng khoán (có hiệu lực từ ngày 15-8). Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, việc ban hành Thông tư 10 là quá chậm so với sự phát triển, vi phạm trong các lĩnh vực này.

Với những quy định mới, hy vọng thị trường chứng khoán sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn.

Thêm yếu tố cấu thành “đặc biệt nghiêm trọng”

Mới đây, dư luận quan tâm đến thông tin Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố thêm tội trốn thuế đối với ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu - ACB) bên cạnh tội cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo các quy định mới, ông Kiên có thể sẽ bị xử phạt nặng.

Theo Thông tư 10, người phạm tội trốn thuế là người thực hiện các hành vi được quy định tại Điều 108 Luật Quản lý thuế và thỏa mãn dấu hiệu tại điều 161 của Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, Thông tư 10 quy định phạm tội trốn thuế “đặc biệt nghiêm trọng” là trường hợp tuy số tiền trốn thuế có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng nhưng người phạm tội đồng thời thực hiện một trong các hành vi liên quan khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm độc lập như: đưa hối lộ, chống người thi hành công vụ, gây thương tích cho người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản của cơ quan quản lý thuế… Còn nếu các hành vi phạm tội này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm khác thì ngoài tội trốn thuế, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng.

Thông tư 10 quy định nếu các hướng dẫn tại thông tư này làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với hướng dẫn trước đây thì được áp dụng khi điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm (xét xử) đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước ngày thông tư có hiệu lực. Trường hợp người phạm tội đã bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không áp dụng các hướng dẫn trong thông tư này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trừ trường hợp có các căn cứ kháng nghị khác. Đối với các trường hợp đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà được áp dụng các hướng dẫn trong thông tư liên tịch này để tuyên bố miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo thì cơ quan điều tra, VKSND, TAND cần giải thích cho bị can, bị cáo biết trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo hướng dẫn của Thông tư 10 không phải là cơ sở của việc bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.

Cở sở xác định tội thao túng chứng khoán

Thông tư 10 quy định hành vi cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán là việc công bố thông tin không đúng với thông tin trong các hồ sơ về chào bán chứng khoán; đăng ký niêm yết; lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán. Nếu các hành vi này gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư từ 1 tỉ đồng đến dưới 3 tỉ đồng thì được coi là gây hậu quả nghiêm trọng; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư từ 3 tỉ đồng trở lên.

Ngoài ra, điều 181b Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2009 quy định về tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán có thể bị phạt tù 2 đến 7 năm đối với hành vi phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, phải đến Thông tư 10 ra đời mới định lượng được khái niệm “thu lợi bất chính lớn” là thu được một khoản lợi có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng; “thu lợi bất chính rất lớn” hoặc “đặc biệt lớn” là thu được một khoản lợi có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên; “gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 1 tỉ đồng trở lên…

Đối với tội thao túng giá chứng khoán, xử lý sẽ căn cứ vào việc gây hậu quả là thiệt hại vật chất để định tội hoặc định khung hình phạt. Theo đó, tình tiết xác định gây hậu quả nghiêm trọng là gây thiệt hại vật chất cho nhà đầu tư từ 1 tỉ đồng đến 3 tỉ đồng và gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỉ đồng trở lên được coi là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Một thành viên ban soạn thảo cho biết những hướng dẫn này sẽ giúp xử lý được những vấn đề xung quanh tội phạm chứng khoán bấy lâu nay mà chưa có hướng dẫn cụ thể.

Phạt 15 triệu đồng kẻ tung tin chủ tịch BIDV bị bắt

Ngày 17-7, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng một đối tượng có hành vi tung tin thất thiệt rằng Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà bị bắt. Đối tượng bị phạt hành chính có nickname “Casperkid@gmail.com” (SN 1980) trên diễn đàn mạng Tathy.com và hiện là nhân viên một ngân hàng tại Hà Nội. Ngoài ra, thanh tra bộ cũng đang tiếp tục xem xét để đưa ra mức xử lý vi phạm đối với 2 đối tượng còn lại có nickname “HungPVN” (SN 1976) trên diễn đàn mạng f319.com, làm việc tại một công ty kỹ thuật và sản xuất ở TP HCM và “Danghocdoi” (SN 1985), làm việc trong lĩnh vực môi trường. Cơ quan an ninh cũng mở rộng điều tra đối với các đối tượng liên quan để làm rõ mục đích tung tin thất thiệt.

N.Quyết

Vụ xử lý hình sự đầu tiên

Cuối tháng 11-2010, cơ quan công an đã khởi tố và bắt tạm giam ông Lê Văn Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Dược Viễn Đông - DVD) để điều tra hành vi thao túng giá chứng khoán.

Trước đó, Công ty CP Dược phẩm Hà Tây (DHT) đã từng tố cáo DVD làm giá cổ phiếu DHT. Bởi trước khi DVD và một nhóm người tuyên bố sẽ thâu tóm DHT, mỗi cổ phiếu DHT chỉ trên dưới 30.000 đồng nhưng sau đó, cổ phiếu này tăng vọt, có lúc lên đến 100.000 đồng. Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đây là vụ xử lý hình sự đầu tiên đối với hành vi này.

Trong khi đó, hàng loạt vụ thao túng chứng khoán chỉ bị xử lý hành chính.

S.Nhung


Thế Kha

người lao động

Các tin tức khác

>   18/07: Bản tin 20 giờ qua (18/07/2013)

>   S12: Thông báo thay đổi đăng ký kinh doanh (17/07/2013)

>   Niêm yết cổ phiếu có còn là lựa chọn tối ưu? (18/07/2013)

>   Thị trường đang pullback hay tăng trưởng thực sự? (17/07/2013)

>   PTKT phiên chiều 17/07: VN-Index vẫn còn khả năng bứt phá (17/07/2013)

>   Nhịp đập Thị trường 17/07: Dòng tiền tiếp tục vào Large Cap và Mid Cap (17/07/2013)

>   17/07: Bản tin 20 giờ qua (17/07/2013)

>   Độ mở của thị trường chứng khoán Việt Nam tới đâu? (16/07/2013)

>   Thủ phạm tung tin đồn "Chủ tịch BIDV bị bắt" sa lưới (16/07/2013)

>   PTKT phiên chiều 16/07: Cập nhật tín hiệu phân tích kỹ thuật giữa phiên (16/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật