Khối ngoại đột ngột bán mạnh trái phiếu
Việc khối ngoại chuyển hướng sang bán mạnh trái phiếu chính phủ (TPCP) sau thời kỳ mua ròng đang khiến giới đầu tư đặt câu hỏi, đây chỉ là động thái chốt lời đơn thuần hay phản ánh làn sóng rút tiền ra khỏi thị trường mới nổi của nhà đầu tư toàn cầu?
Theo thống kê của CTCK Vietcombank, tính đến 23/6, khối ngoại đã bán ròng 4.658 tỷ đồng TPCP bằng VND, ngược hẳn với động thái mua ròng 1.613 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 5 và mua ròng 5.653 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 4.
Tính đến 23/6, khối ngoại đã bán ròng 4.658 tỷ đồng TPCP bằng VND
|
Trao đổi với ĐTCK, ông Dan Svensson, Giám đốc Quản lý danh mục Quỹ Đầu tư trái phiếu VDeF của Dragon Capital cho rằng, động thái bán ròng này có thể là kết quả của đồng thời 2 yếu tố: thứ nhất là nhà đầu tư trong và ngoài nước đang chốt lời, khi mà lợi suất TPCP đã giảm mạnh 150 điểm cơ bản chỉ trong vòng 1 tháng qua, thứ hai là xu hướng nhà đầu tư toàn cầu đang bán tài sản nợ ở các thị trường mới nổi nói chung. Lãi suất TPCP dường như đã chạm đáy từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 sau khi chạm mức lạm phát kỳ vọng. Trên thị trường sơ cấp, lãi suất trúng thầu liên tục tăng cao và tỷ lệ đấu thầu thành công giảm dần. Nhà đầu tư trong nước cũng đã chốt lời trong thời gian này, khiến cho lãi suất trên thị trường thứ cấp tăng đều đặn trở lại.
Cùng lúc, nhà đầu tư toàn cầu đang rút tiền mạnh ra khỏi các tài sản rủi ro, trong đó, chủ yếu là tài sản ở các thị trường mới nổi và giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy, do những nghi vấn xung quanh chương trình nới lỏng định lượng của Mỹ. Đỉnh điểm của đợt bán ra là hôm 10/6, khi nhà đầu tư toàn cầu đã bán rất nhiều tài sản nợ của thị trường mới nổi, bao gồm châu Á và Mỹ La-tinh, ông Dan cho biết.
Tại thị trường Việt Nam, trong tuần từ 19/6-25/6, nhà đầu tư rút ròng 16,32 triệu USD ra khỏi Quỹ ETF Market Vectors Việt Nam, nâng tổng mức rút ròng từ 11/4-25/6 lên 44,57 triệu USD.
“Có thể là việc bán ròng TPCP có liên quan tới xu hướng gần đây của nhà đầu tư ngoại rút tiền ra khỏi các quỹ ETF đầu tư vào thị trường Việt Nam”, ông Dan nhận xét. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, “việc bán ròng diễn ra với tất cả các tài sản rủi ro toàn cầu, không chỉ là với
Việt Nam”.
Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo giảm lãi suất tiền gửi bằng USD xuống 0,25%/năm từ mức 0,5%/năm cho tổ chức và xuống 1,25%/năm từ mức 2%/năm cho cá nhân. Đồng thời, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng cũng được điều chỉnh tăng 1%, từ mức 20.828 lên 21.036. Động thái này được giới chuyên gia đánh giá là sẽ giúp giảm bớt áp lực bán ra TPCP bằng tiền đồng.
Trong khi đó, một số chuyên gia trong nước vẫn duy trì ít nhiều tâm lý lạc quan về triển vọng của thị trường TPCP. Ông Trịnh Quang Dũng, chuyên viên phân tích CTCK Vietcombank nhận xét: “Việc bán ròng trái phiếu này chủ yếu mang ý nghĩa chốt lời nhiều hơn là rút khỏi thị trường. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng vẫn còn rất khó khăn, nên trái phiếu vẫn là sản phẩm đầu tư tốt trong thời điểm hiện nay”.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, tỷ lệ tham gia của khối ngoại trên thị trường trái phiếu Việt Nam hiện vẫn rất thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, do vậy, động thái bán ròng của khối ngoại sẽ ảnh hưởng tới thị trường này không nhiều. Tại thời điểm cuối tháng 3/2013, khối ngoại chỉ sở hữu 17% TPCP bằng VND.
Quỹ VDeF cũng tiếp tục duy trì quan điểm tích cực về tiền đồng cũng như triển vọng của thị trường TPCP Việt Nam. “VDeF chỉ bán trái phiếu để phản ứng với tính biến động của thị trường và chuyển từ trái phiếu kỳ hạn này sang kỳ hạn khác”, Giám đốc Quản lý danh mục của Quỹ Đầu tư trái phiếu VDeF Dan Svensson cho biết.
Tính đến ngày 31/5, VDeF-A đã sử dụng đòn bẩy nâng tài sản lên 120% và phân bổ tới 110% tài sản vào TPCP và chỉ giữ 2% tiền mặt. Quỹ VDeF-B dùng đòn bẩy nâng tài sản lên 125%, phân bổ 75% tài sản vào TPCP và 28% tài sản vào trái phiếu doanh nghiệp. Tăng trưởng lợi nhuận của 2 quỹ này từ đầu năm tới nay lần lượt đạt 8,9% và 9,6%.
Hải Linh
Đầu tư chứng khoán
|