Thứ Tư, 19/06/2013 14:37

Nhà đầu tư trái phiếu đổi hướng không dễ!

Sau những thương vụ đầu tư thắng lớn nhờ dự đoán đúng xu hướng hạ nhanh lãi suất, các nhà đầu tư trái phiếu lại đang đau đầu tìm tài sản đầu tư thay thế cho kênh đầu tư này.

Đến thời điểm này, lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) đã giảm rất sâu, thậm chí xuống dưới mức trần lãi suất huy động 7,5%/năm, khi lợi suất trái phiếu các kỳ hạn dưới 3 năm thấp hơn mức 6,8%/năm. Mức chênh lệch lợi suất đó thậm chí tạo ra một nghịch lý: một phần vốn của Kho bạc Nhà nước được huy động từ các ngân hàng với giá dưới 7%/năm lại được gửi tạm thời ở ngân hàng (trước khi giải ngân) với lãi suất trên 7%/năm.

“Hiện tại, ngân hàng tôi đã ngừng không tăng đầu tư vào kênh TPCP”, Phó giám đốc Khối đầu tư một ngân hàng quốc doanh nói. Tương tự, kỳ vọng vào kênh TPCP đã bắt đầu giảm mạnh khi lãi suất trên thị trường TPCP đột ngột “hạ nhiệt” đầu tuần qua. Phiên đấu thầu chiều 13/6 đã bất ngờ chứng kiến toàn bộ 4.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm không bán được, lợi suất thứ cấp trái phiếu các kỳ hạn 1, 2 và 3 năm đã bật trở lại suốt 1 tuần qua sau khi chạm điểm thấp nhất trong các phiên 4 - 6/6.

Tuy nhiên, vị phó giám đốc này cho biết, việc tìm một tài sản đầu tư khác thay thế cho TPCP thời điểm này là rất khó, khi mà ưu tiên hiện nay của các ngân hàng vẫn là làm sạch bảng cân đối kế toán, đồng nghĩa với việc tránh tối đa rủi ro. “Ngân hàng không thể chọn một tài sản rủi ro hơn với lợi suất cao hơn, được vì ưu tiên hàng đầu hiện nay là an toàn cho nguồn vốn. Ngay cả với kênh TPCP, hiện tại, ngân hàng chỉ không tăng đầu tư, nhưng không có nghĩa là không đầu tư vào kênh này nữa”, vị này giải thích.

Đồng quan điểm này, Phó phòng đầu tư một ngân hàng quốc doanh khác phân tích, các kênh đầu tư khác gồm góp vốn cổ phần, kinh doanh ngoại hối, cho vay trên thị trường liên ngân hàng đều có độ rủi ro cao hơn, trong khi tính thanh khoản thấp hơn và độ sinh lời chưa hẳn đã cao hơn so với TPCP. “So với các kênh đầu tư này, TPCP vẫn có sức hấp dẫn hơn hẳn”, ông nói.

Bên cạnh thị trường TPCP, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với mức lợi suất cao hơn hẳn, lên tới 12-14%/năm với các đề nghị chào bán liên tiếp của các DN vẫn vấp phải sự e ngại rủi ro của các nhà đầu tư trái phiếu.

“Thị trường TPDN vẫn đang yếu và dường như sẽ tiếp tục yếu cho đến khi bảng cấn đối kế toán của các ngân hàng được làm sạch”, Dragon Capital nhận xét trong bản cập nhật tình hình tháng 5 của Quỹ đầu tư trái phiếu VDeF.

Vị phó giám đốc trên cho biết, giải pháp trước mắt của ngân hàng có thể là giảm tài sản nợ, tức giảm nhận tiền về từ huy động dân cư, DN và các khoản tiền nhận về ở các thị trường khác, nhằm giảm áp lực phải đẩy vốn ra trong thời điểm rủi ro vẫn còn cao.

Đối với các quỹ đầu tư trái phiếu, những nhà đầu tư ít chịu áp lực làm sạch bảng cân đối hơn, việc tìm tài sản thay thế TPCP cũng không hề dễ. Hai quỹ mở VFF và MBBF đều chịu sự hạn chế của Thông tư 183/2011/TT-BTC về hạn mức đầu tư vào TPDN và tính chất của TPDN. Theo đó, quỹ mở buộc phải đầu tư vào TPDN đã niêm yết, trong khi có rất ít TPDN ở Việt Nam được niêm yết sau khi phát hành.

“Việc tìm kênh đầu tư mới là yêu cầu gấp gáp hiện nay nhưng lại rất khó”, quản lý của một trong hai quỹ trên chia sẻ.

Trong khi đó, quỹ VDeF của Dragon Capital cho biết, Quỹ chọn giải pháp chuyển từ nắm giữ trái phiếu kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài. Cụ thể, Quỹ chấp nhận chuyển sang nắm giữ kỳ hạn 7-10 năm do lợi suất của kỳ hạn này vẫn đang hấp dẫn so với các kỳ hạn ngắn, bất chấp rủi ro là thanh khoản của trái phiếu kỳ hạn dài ở Việt Nam rất thấp (do loại trái phiếu này chủ yếu được nắm giữ bởi các công ty bảo hiểm).

Theo báo cáo của VDeF-A, tính đến ngày 31/5, quỹ này sử dụng đòn bẩy nâng tài sản lên 120% và phân bổ 110% vào TPCP, chỉ phân bổ 8% vốn đầu tư vào TPDN – thấp hơn hẳn so với giới hạn 40% đầu tư vào TPDN sở hữu nhà nước, trái phiếu quốc tế và trái phiếu địa phương của Quỹ - và giữ 2% tiền mặt. Quỹ VDeF-B dùng đòn bẩy nâng tài sản lên 125%, phân bổ 75% vào TPCP và 28% vào TPDN. Tăng trưởng lợi nhuận của 2 quỹ từ đầu năm tới nay lần lượt là 8,9% và 9,6%.

Hải Linh

Đầu Tư Chứng khoán

Các tin tức khác

>   Huy động thành công 1.900 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (13/06/2013)

>   Chính phủ phát hành trái phiếu 15 năm (11/06/2013)

>   SFI: Phát hành trái phiếu chuyển đổi (11/06/2013)

>   Nói lãng phí vốn TPCP, xin mời đi thực tế (09/06/2013)

>   Ăn đong trong “rổ” vốn (08/06/2013)

>   Huy động 500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh (07/06/2013)

>   Lãng phí vốn trái phiếu Chính phủ vì dở dang (07/06/2013)

>   Nhiều dự án vốn trái phiếu tăng lớn về quy mô (06/06/2013)

>   Hà Nội phát hành 1.000 tỷ trái phiếu trong tháng 6/2013 (06/06/2013)

>   Trái phiếu Chính phủ VN tăng trưởng nhất khu vực (04/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật