Nhiều dự án vốn trái phiếu tăng lớn về quy mô
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chỉ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006-2010 do yếu tố giá và các yếu tố về kỹ thuật. Song, nếu đối chiếu từng dự án cụ thể, nhiều công trình, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư thực chất là tăng quy mô dự án.
Các ngân hàng là nơi mua nhiều TPCP nhất trong nhiều năm qua
|
UBTVQH đã hoàn tất báo cáo kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2010 để trình bày tại Quốc hội ngày 7-6 theo kế hoạch.
Báo cáo cho thấy, quyết định ban đầu của Chính phủ năm 2003, tổng mức đầu tư của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ vốn TPCP giai đoạn 2003- 2010 là 150.669 tỉ đồng, với nhu cầu sử dụng vốn TPCP là 110.000 tỉ đồng. Nhưng đến năm 2010, tổng mức đầu tư điều chỉnh từ các bộ, ngành, địa phương đã lên tới 570.990 tỉ đồng, trong đó vốn TPCP là 530.000 tỉ đồng. Nhu cầu còn lại sau năm 2010 là 315.000 tỉ đồng.
Báo cáo mới nhất của Chính phủ hôm 17-5 cho biết, tổng mức đầu tư đã điều chỉnh lên xấp xỉ 685.000 tỉ đồng.
Hầu hết các dự án đều có phát sinh, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu. Có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư gấp nhiều lần, có những dự án không chỉ điều chỉnh về giá nhân công, vật liệu, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật... mà còn điều chỉnh cả về quy mô của dự án. Kết quả là tổng mức đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP đã tăng lên nhiều so với dự toán đầu tiên.
Trong khi đó, UBTVQH chỉ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư do nguyên nhân khách quan về giá vật tư, nhân công và các yếu tố kỹ thuật ở các dự án.
Việc tăng tổng mức đầu tư và điều chỉnh thực tế thêm khoảng 145.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư đã phê duyệt năm 2010 cho thấy, so với quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì những công trình thực hiện trên 2 năm đều được tính chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong suốt thời gian thực hiện dự án. Song dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng giá vượt xa so với tốc độ tăng CPI trong 3 năm 2010-2012, có dự án điều chỉnh tăng giá lên nhiều lần là không hợp lý và thực chất là tăng quy mô dự án.
“Điều này dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn”, báo cáo của UBTVQH nhận định và cho rằng thậm chí không đúng với quy định của pháp luật.
Việc phân bổ vốn TPCP trong giai đoạn 2006- 2010 còn dàn trải, bổ sung nhiều mục tiêu, số lượng dự án và tổng mức đầu tư tăng nhanh, dẫn đến thiếu vốn nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực.
Cơ chế phân bổ vốn chưa hợp lý, lại không có tiêu chí phân bổ cụ thể mà phân bổ theo dự án dẫn tới chưa thực sự công bằng giữa các vùng, miền, giữa các địa phương, dễ tạo ra cơ chế “xin -cho”. Nhiều dự án chưa bảo đảm tính cấp bách, tính cấp thiết phải đầu tư bằng nguồn vốn TPCP theo mục tiêu ban đầu mà Quốc hội, UBTVQH đã quyết định.
UBTVQH yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát lại tổng mức đầu tư của tất cả các dự án, phân loại và kiên quyết không bố trí vốn cho phần điều chỉnh tổng mức đầu tư không phù hợp với các nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị số 1792 của Thủ tướng. Cơ quan này cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong công tác tham mưu, lập dự án, thực hiện vốn TPCP dẫn đến nhiều sai sót, lãng phí để báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Ngọc Lan
thời báo kinh tế sài gòn
|