Phát hành trái phiếu chính phủ lấy tiền mở rộng các quốc lộ
Tại buổi họp báo thường kỳ Văn phòng Chính phủ ngày 26.5, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho các dự án mở rộng quốc lộ 1 và quốc lộ 14 (do không thể kêu gọi doanh nghiệp đầu tư).
Theo bộ trưởng Vũ Đức Đam, trong hơn một năm qua, bộ Giao thông vận tải đã tích cực kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên (gọi là quốc lộ 14).
Tuy nhiên, đối với quốc lộ 1 dài gần 2.000km, nhưng không phải đoạn nào cũng có lưu lượng xe cao để thuyết phục nhà đầu tư và cũng không thể nâng phí giao thông quá cao. Vì vậy, ngoài một số đoạn kêu gọi nhà đầu tư thì nhiều đoạn khác buộc phải dùng ngân sách. “Từ năm 2012, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phát hành trái phiếu.
Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ. Một năm qua, bộ Giao thông vận tải đã chuẩn bị thực hiện việc này nhưng tính toán thấy nếu phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ ở thời điểm này khó cho doanh nghiệp, cộng thêm lãi suất ngân hàng hiện hữu thì chi phí phát hành cao sẽ khiến cho chi phí làm đường cao.
Vì thế, từ tháng 4.2013, Chính phủ đã bàn lại và quyết định tại kỳ họp tới sẽ đề nghị Quốc hội cho phát hành TPCP thay trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh Chính phủ”, ông Đam thông tin.
Trước ý kiến cho rằng điều này sẽ gây áp lực lên trần nợ công, bộ trưởng Đam giải thích: ngay cả với trái phiếu doanh nghiệp có Chính phủ bảo lãnh thì thực chất vẫn là nợ công. Song tỷ trọng đầu tư xây dựng cơ bản trong tổng thu ngân sách đã giảm dần. “Năm nay Quốc hội thông qua tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản giảm còn chưa đầy 19%, giảm nhiều so với 30 – 40% của những năm trước. Thêm vào đó, Quốc hội cũng đã khống chế bội chi không vượt quá 4,8%”, ông Đam trấn an.
Thông tin thêm về tình hình kinh tế xã hội, bộ trưởng nói: “Tốc độ tăng trưởng, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, giải ngân ODA nhanh, tiêu thụ, nhập khẩu nguyên liệu tăng lên, chỉ số hàng tồn kho cải thiện rất rõ, nhất là nhóm vật liệu xây dựng... Nhưng Chính phủ cũng xác định không chủ quan, mặc dù đang đi đúng hướng nhưng nền kinh tế còn khó khăn, đời sống nhân dân còn cần cải thiện, tái cơ cấu cần bước đi quyết liệt hơn”.
Liên quan đến chỉ số CPI giảm, có chuyên gia cảnh báo về dấu hiệu giảm phát đang rõ rệt, bộ trưởng Đam bày tỏ lạm phát như sốt nóng, giảm phát như sốt rét, còn nguy hiểm hơn. Nhưng nói nguy cơ thiểu phát đã hiện hữu thì đã được Chính phủ phân tích kỹ. Ngược lại, cũng có chuyên gia nói nguy tái lạm phát vẫn hiện hữu, không được chủ quan. “Chính phủ vẫn đang đi đúng hướng. Chính phủ sẽ kiên định mục tiêu đã được Quốc hội thông qua là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý”, bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Công thương: “Sự cố mất điện cho thấy đường dây 500kV dễ tổn thương”
Liên quan đến sự cố mất điện 21 tỉnh/thành miền Nam vừa qua, tại buổi họp báo, thứ trưởng bộ Công thương Lê Dương Quang nói: Những sự cố tương tự không chỉ có ở nước ta mà các nước phát triển cũng từng bị xảy ra. Qua sự cố, bộ Công thương, tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có báo cáo sơ bộ gửi Chính phủ và Chính phủ cũng đã giao bộ Công thương phân tích, đánh giá toàn diện: nguyên nhân, quá trình khắc phục và biện pháp quản lý trong thời gian tới. Tuần này bộ sẽ có báo cáo đầy đủ lên Chính phủ.
“Qua đây chúng tôi thấy chắc chắn phải tìm mọi cách đẩy nhanh các dự án nguồn điện phía Nam vì nhu cầu tiêu dùng cao hơn. Có lúc cao điểm 40% nhu cầu điện của miền Nam phải chuyển từ Bắc vào. Thứ nữa là sẽ phải tập trung đẩy nhanh đường dây 500kV đã được ghi trong quy hoạch điện VII”, ông Quang nói. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn của lưới điện, cần tăng cường trách nhiệm bảo vệ an toàn lưới điện đối với các địa phương, các ngành vì tổng công ty Truyền tải quốc gia với hàng chục ngàn km đường dây thì không thể bảo đảm tuyệt đối an toàn.
|
Trung Đức
sài gòn tiếp thị
|