7 “không” và nỗi lo tham nhũng
Thảo luận Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011, đại biểu Quốc hội khá gay gắt với Chính phủ trong việc quản lý ngân sách, nói như đại biểu Võ Thị Dung (Tp.HCM): “Tiền của, công sức của nhân dân, nhưng việc sử dụng, quản lý chưa thật nghiêm minh”.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên): “Ngân sách Nhà nước chủ yếu là thuế do người dân đóng góp cho nên người dân có quyền được giám sát, được biết việc chi tiêu sử dụng ngân sách Nhà nước như thế nào”
|
Bà Dung còn đề nghị báo cáo quyết toán cần phân tích và chỉ rõ trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức được phân bổ ngân sách nhưng sử dụng không đúng hiệu quả, không đảm bảo kế hoạch... để cho Quốc hội, cho nhân dân được biết.
“Trong điều kiện tình hình kinh tế đất nước của chúng ta ngày càng khó khăn, việc sử dụng không thể hiện được đầy đủ trách nhiệm với nhân dân thì trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị này cần được làm rõ”, nữ đại biểu nhấn mạnh.
Gọi ngân sách là “mảnh đất” với 7 cái không, mà cái không nào cũng đều mang dấu ấn của tham nhũng, tiêu cực, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) bức xúc: “Ngân sách Nhà nước chủ yếu là thuế do người dân đóng góp cho nên người dân có quyền được giám sát, được biết việc chi tiêu sử dụng ngân sách Nhà nước như thế nào”.
Ông Hùng đề nghị Quốc hội cần truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận liên quan đến ngân sách để toàn thể nhân dân được biết.
7 cái “không” mà qua nghiên cứu báo cáo quyết toán ngân sách của Chính phủ và báo cáo Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách được ông Hùng chỉ ra là không đúng thời gian, tức là chậm; không phân bổ hết vốn được giao ngay từ đầu năm; không đủ thủ tục; không đúng cơ cấu, chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; không đúng đối tượng, mục tiêu; không sát thực tế nên dẫn đến không sử dụng được hoặc phải thay đổi, điều chỉnh nhiều lần; không thông qua hội đồng nhân dân tỉnh tại một số địa phương.
“Chỉ ra được 7 cái không này cũng là một điều kiện để chúng ta có thể suy nghĩ cho việc sử dụng ngân sách trong năm 2013 và những năm tiếp theo để làm sao phòng, chống tiêu cực tham nhũng tốt hơn”, ông Hùng nói.
Cùng tâm tư như vậy, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) cho hay: “Qua nghiên cứu nhiều năm, Quốc hội chúng ta thông qua quyết toán ngân sách nhà nước sau 18 tháng thực hiện, chúng tôi thấy có nhiều việc tồn tại và kéo dài rất nhiều năm. Vì vậy, chúng ta cần có những giải pháp tích cực hơn và phải có phân tích cụ thể các nguyên nhân để sớm khắc phục”.
Dẫn chứng cho sự chưa minh bạch và dứt điểm trong công tác tài chính ngân sách, đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) đưa ra con số có tới 45/63 tỉnh, thành phố và 58/74 bộ, ngành gửi báo cáo chậm. Ngoài ra, trong năm 2011, công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm soát cũng như giám sát mặc dù đã chỉ ra được những vi phạm của một số đơn vị nhưng việc xử lý những sai phạm này còn chậm. Đến 31/12/2012, xử lý vi phạm của năm 2011 mới chỉ được 71%, còn 29% vi phạm chưa được xử lý.
“Vậy, vấn đề là 29% này xử lý đúng sai như thế nào, nó có ảnh hưởng gì đến kết quả quyết toán năm 2011 hay không?”, đại biểu này nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) thì thể hiện sự khó hiểu về việc Chính phủ có lý giải rằng để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2011 là 5,89% thì chi đầu tư phát triển phải tăng 37%, trong bối cảnh mà Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Tuy chúng ta tăng chi đầu tư phát triển như vậy để GDP năm 2011 là đạt 5,89% nhưng hiệu quả của nó, tác động của nó, chi của năm 2011 sang năm 2012 thì như thế nào? Bởi tăng đầu tư phát triển, tăng chi cho xây dựng cơ bản phải có tác động cho cả thời kỳ trung hạn 2011 - 2012 - 2013. Nhưng năm 2012, GDP của chúng ta chỉ tăng được 5,03%? Chính phủ phải phân tích làm rõ”, ông Phúc nêu quan điểm.
Không giải thích được gì nhiều, đặc biệt, gần như không hề đả động đến việc làm thế nào để hạn chế 7 “không” để tham nhũng, tiêu cực không còn tiếp tục sinh sôi ở mảnh đất ngân sách, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn giải quanh một số nội dung như vì sao chi của năm 2011 có một số khoản không đạt dự toán đã đề ra, trong đó có những khoản chi rất quan trọng như y tế, giáo dục, khoa học; một số cơ chế chính sách ban hành chậm: ví dụ như chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho cận nghèo, chính sách phụ cấp cho giáo viên...; các khoản chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia...
Tuy nhiên, ông Ninh cũng làm rõ thêm được phần nào về vấn đề kỷ cương, kỷ luật tài chính và xử lý thế nào đối với các trường hợp vi phạm. Phó Thủ tướng nói: “Trong báo cáo của Chính phủ cập nhật đến tháng 5/2013 thì xử lý vi phạm đạt được 82,4%, hiện nay còn một số khoản chưa xử lý được vì giữa địa phương và kiểm toán chưa nhất trí với nhau về cách nhận định và đang tiếp tục bàn bạc”.
Ông Ninh còn cho biết đến nay các bộ, ngành, địa phương cũng kỷ luật 226 đơn vị và cá nhân và đang tiếp tục xử lý.
Lê Châu
vneconomy
|