Nói lãng phí vốn TPCP, xin mời đi thực tế
Là người tham gia ngay từ đầu và theo dõi sát sao quá trình sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đầu tư cho lĩnh vực y tế, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, TS. y khoa Nguyễn Văn Tiên thẳng thắn: “Đại biểu nào nói nguồn vốn TPCP đầu tư cho lĩnh vực y tế bị lãng phí thì xin mời đi thực tế để lãnh đạo các địa phương giải trình”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên
|
Cho ý kiến vào Báo cáo Giám sát việc sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012, nhiều các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đầu tư nguồn vốn này còn dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Trân trọng ý kiến của các đại biểu Quốc hội, song theo ông Nguyễn Văn Tiên, cần phải có cái nhìn khách quan, toàn diện về vấn đề này.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của của Quốc hội, Nguyễn Văn Tiên là một trong những người theo dõi, thường đi thực tế cơ sở để giám sát việc đầu tư nguồn vốn TPCP cho lĩnh vực y tế trong vòng nhiều năm qua, vì vậy, theo ông, không nên lấy hoàn cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội lúc này để xét chủ trương phát hành TPCP cách đây 5 năm.
“Chúng ta không thể lấy hoàn cảnh đất nước, tình hình tài chính bây giờ để “phán” chủ trương phát hành TPCP cách đây 5 năm là đúng hay sai. Giai đoạn 2008 - 2010, kinh tế rơi vào suy giảm, muốn phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy kinh tế đòi hỏi sự kích cầu quyết liệt. Vì vậy, việc phát hành TPCP đã thực hiện được cả 2 mục tiêu: kích cầu đầu tư và phát triển hệ thống y tế cơ sở vốn đang rất yếu và thiếu”, ông Tiên nói.
Ông Tiến nhớ lại, mỗi lần đi công tác địa phương cùng với nhiều bộ trưởng, có chuyến đi cùng với cả phó thủ tướng, đi đâu, các thành viên Chính phủ cũng đôn đốc địa phương giải ngân thật nhanh, mọi nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn TPCP để kích cầu đầu tư, chống suy giảm kinh tế.
“Trong giai đoạn 2008 - 2010, “bung” nguồn vốn TPCP để kích cầu chống suy giảm kinh tế là quyết định phù hợp. Bây giờ, điều kiện kinh tế đã khác, hoàn cảnh xã hội đã khác mà “soi” lại và nói rằng, ban hành TPCP là không đúng thì cần phải nghiên cứu lại để có cái nhìn khách quan hơn, thực tế hơn”, ông Tiên nói.
Trước khi Quốc hội thảo luận Báo cáo Giám sát việc sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012 vào ngày hôm qua (ngày 7/6/2013), có không ít ý kiến cho rằng, nguồn vốn TPCP bị sử dụng kém hiệu quả, thậm chí còn bị thất thoát, lãng phí.
Đi giám sát thực tế tại nhiều địa phương, ông Tiên cho rằng, nhận định như vậy là thiếu khách quan.
“Chúng tôi gặp rất nhiều lãnh đạo địa phương cũng như lãnh đạo các cơ sở y tế và phản ánh rằng, nhiều đại biểu Quốc hội nói, lĩnh vực y tế sử dụng nguồn vốn TPCP bị lãng phí. Lãnh đạo địa phương cũng như lãnh đạo các cơ sở y tế nhắn lại rằng, đại biểu Quốc hội nào nói như vậy thì mời về đây để chúng tôi giải trình”, ông Tiên kể.
“Hơn 500 bệnh viện huyện đã hoàn thành và đi vào sử dụng, tại sao các vị lại bảo đấy là lãng phí, là đầu tư dàn trải. Nếu không có nguồn vốn TPCP, bình quân mỗi tỉnh được đầu tư 15 - 20 tỷ đồng/năm để xây dựng bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa tỉnh thì bao giờ mới hoàn thành được?”, ông Nguyễn Văn Tiên đặt câu hỏi và kết luận: “Việc phát hành TPCP đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi đã mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội rất to lớn”.
Chứng minh việc đầu tư nguồn TPCP cho lĩnh vực y tế không hề lãng phí, ông Tiên cho biết, theo kế hoạch, ngày y tế được phân bổ 88.000 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này mới được phân bổ 22.000 tỷ đồng. “Mới đầu tư 25% tổng nguồn vốn mà đã hoàn thành gần xong 500 bệnh viện huyện và một số bệnh viện tỉnh thì không thể nói là đầu tư lãng phí được”, ông Tiên minh chứng.
Năm 2007 - 2008, kinh tế thế giới suy thoái. Khi đó, nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền kinh tế phát triển đều tận dụng cơ hội này để đưa ra các chính sách kích cầu vào lĩnh vực y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Vì vậy, theo ông Tiên, việc Chính phủ phát hành TPCP đầu tư vào những lĩnh vực an sinh xã hội (y tế, giáo dục) là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và phù hợp với thế giới và thực tế đã chứng minh nguồn vốn này đã phát huy hiệu quả.
Theo ông Tiên, Quốc hội phải đánh giá cao việc này, còn những sai sót xảy ra trong quá trình triển khai ở đâu đó, ở khâu nào đó, ở thời điểm nào đó cần phải phân tích cụ thể mới có thể đánh giá khách quan nhưng chưa đến mức phải xin lỗi nhân dân như một số đại biểu Quốc hội đề cập.
Mạnh Bôn
Đầu tư
|