Khó “chọn mặt gửi vàng”
Một số ngân hàng vi phạm quy định phải ngưng giữ hộ vàng, vì thế người dân không an tâm khi “ôm” vàng tại nhà hoặc khó tìm được nơi gửi có uy tín
“Tôi không biết cất giữ 5 lượng vàng ở đâu?” - chị Lê Thị Duyên (quận Phú Nhuận, TP HCM) băn khoăn khi Ngân hàng (NH) Nhà nước yêu cầu một số NH thương mại ngưng giữ hộ vàng.
Người dân lo lắng
Theo chị Duyên, nếu giữ vàng tại nhà thì không yên tâm. Trước đây, chị thường chọn các NH lớn, có thế mạnh về kinh doanh vàng để gửi.Thế nhưng, hiện nay những NH này lại đồng loạt từ chối giữ hộ vàng. “Trong khi đó, vài NH khác vẫn còn giữ hộ vàng nhưng không đủ uy tín để người gửi an tâm” - chị Duyên cho biết.
Liên hệ với một số NH lớn (ACB, Eximbank (EIB), Sacombank (STB)…), chúng tôi đều nhận được thông báo tạm ngưng giữ hộ vàng. Trong khi đó, các NH Tiên Phong, Phương Nam…vẫn nhận giữ hộ vàng, thậm chí người gửi vàng không phải trả phí. Tổng giám đốc một NH thương mại ở TPHCM cho biết: Theo quy định, NH phải ghi nhận số seri, chất lượng, ký hiệu, mã số …của miếng vàng giữ hộ, đồng thời trong hợp đồng giữ hộ vàng cũng phải thể hiện đầy đủ những thông tin này. Tuy nhiên, không phải NH nào cũng nghiêm túc thực hiện và có thể đây là nguyên nhân khiến NH Nhà nước yêu cầu một số NH ngưng giữ hộ vàng
Tuy NH Nhà nước đã cấm các NH thương mại chuyển đổi vàng thành tiền nhưng nhiều người trong cuộc cho rằng không ít NH vẫn “bạo gan” dùng số vàng giữ hộ làm tài sản thế chấp để vay vốn NH bạn hoặc bán ra để chống đỡ vào những thời điểm khó khăn về thanh khoản, rồi sau đó, mua lại vàng trên thị trường trả lại cho người gửi. Điều này lý giải vì sao khi người dân rút vàng, số seri trên miếng vàng thường không đúng với khi họ gửi NH.
Theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, NH Nhà nước đang đề phòng biến tướng giữ hộ vàng nhằm lách “lệnh” huy động vàng. Vì thế, ông Long cho rằng người dân gửi loại vàng nào, số seri bao nhiêu thì NH giữ hộ phải trả lại như ban đầu mới đúng ý nghĩa giữ hộ.
Bài học đắt giá
Nhiều năm trước, các NH thương mại đã huy động hàng trăm tấn vàng và được phép bán 30%-40% số vàng huy động để lấy tiền để kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi bán vàng, giá vàng lại liên tục leo thang buộc các NH chống đỡ bằng cách huy động vàng của người gửi sau để trả cho người gửi trước. Trước thực trạng này, NH Nhà nước đã cấm huy động vàng, yêu cầu tất toán trạng thái vàng vào ngày 30-6-2013. Trước chủ trương này, các NH lại chuyển sang giữ hộ vàng có trả phí cho người gửi, rồi giữ hộ vàng có thu phí.
Theo số liệu của NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM, tính đến cuối tháng 3-2013, các NH thương mại trên địa bàn đã huy động 664.776 lượng vàng, giữ hộ 657.517 lượng vàng.
Thế nhưng, tại thời điểm 30-6, các NH vẫn chưa mua đủ số vàng để tất toán dù trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 đã mua khoảng 120 tấn vàng (số liệu NH Nhà nước công bố). Hệ quả là có NH đã thua lỗ cả ngàn lượng vàng. Trong khi đó, thị trường vàng trong nước liên tục biến động, giá vàng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 1 đến 6 triệu đồng/lượng gây thiệt thòi cho người dân.
Sắp có hướng dẫn giữ hộ vàng
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối (NH Nhà nước), thừa nhận nhiều NH thương mại thực hiện giữ hộ vàng nhưng không tuân thủ các quy định, nhất là quy định về hạch toán. Do đó, NH Nhà nước đã yêu cầu một số NH thương mại vi phạm tạm ngưng giữ hộ vàng. Riêng các NH tuân thủ theo quy định vẫn được phép giữ hộ vàng. Dự kiến trong 2 tuần tới, NH Nhà nước sẽ ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn về giữ hộ vàng.
Đề cập đến hàng trăm tấn vàng đang “bất động” trong dân, ông Huy cho biết: Khi kinh tế vĩ mô ổn định, NH Nhà nước sẽ tiến hành thu mua vàng, tăng cung tiền đồng, biến vàng “tồn kho” trong dân thành vốn cho nền kinh tế.
|
Thy Thơ
người lao động
|