Thứ Ba, 02/07/2013 21:40

Giá vàng “đong” theo chính sách

Cầu vàng từ ngân hàng thương mại đã được tháo gỡ nhưng thị trường kim loại quý này chưa thực sự ổn định. Vàng nội địa vẫn trong cơn nóng lạnh thất thường dù bão "hạ nhiệt giá vàng” thế giới đã đi qua.

Bán ra áp đảo mua vào!

Hôm nay, 2-7 NHNN lại "bất ngờ” đấu thầu vàng với tổng khối lượng chào thầu 40.000 lượng. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 36,8 triệu đồng/lượng, tương đương giá mua vào của các nhà vàng sáng qua (1-7).

Các đơn vị tham gia đấu thầu được đặt thầu tối thiểu 1.000 lượng và tối đa là 15.000 lượng.

Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian tới, NHNN vẫn giữ vai trò điều tiết, nếu thị trường có nhu cầu thì NHNN sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng ổn định, còn nếu thị trường thừa vàng, với vai trò là người mua bán cuối cùng, NHNN sẽ mua vào để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối.

Ngày đầu tháng 7, giá vàng SJC tiếp tục giảm về 37,25 triệu đồng/lượng chiều bán ra còn giá mua vào vẫn giữ ở 36,8 triệu đồng/lượng. Lực mua tại các cửa hàng theo ghi nhận cũng đã nguội dần. Không còn cảnh xếp hàng đội nắng mua vàng tại các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội).

Hơn một năm qua, NHNN đã rốt ráo với một loạt những giải pháp đã và đang thực hiện, quyết tâm đặt mục tiêu quản chặt thị trường với một lộ trình để vàng bớt "nóng". Nếu như trước đây, mỗi năm lượng vàng nhập vào Việt Nam khoảng 100 tấn sẽ cần một lượng ngoại tệ khoảng 4,4 tỷ USD, đã tác động rất mạnh đến việc tăng tỷ giá giữa VND và USD, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này đến nay đã cơ bản được khắc phục.

Tuy nhiên, thói quen của người dân vẫn là cất giữ vàng. Con số ước tính có khoảng 400 - 500 tấn vàng đang được cất trong dân và theo các chuyên gia, không dễ gì đưa được vào đầu tư phát triển. Nhất là trong xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm như hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại vàng có thể sẽ "hấp dẫn” trở lại. Thống kê 40 năm qua (từ năm 1971 đến 2011) cho thấy, giá vàng đã tăng lên 54 lần và chưa rõ điểm kết thúc.

Đừng để chính sách tiếp tay đầu cơ

Theo phân tích của ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), những nguyên nhân khiến giá vàng SJC giảm mạnh là: Lực hút vàng từ kênh tổ chức tín dụng không còn nhiều. Mặc dù lực cầu trong dân rất lớn nhưng vì nhà đầu tư dự đoán giá vàng còn giảm nữa nên nhiều người vẫn chưa vội vàng mua vào. Đặt trong bối cảnh các chỉ số kinh tế vĩ mô đang chấp chới, ít người mạnh tay bỏ tiền đầu cơ, kể cả vàng. Và cuối cùng là kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi rất rõ khi đồng USD tăng giá mạnh so với nhiều đồng tiền chủ chốt đã khiến cho "vàng không còn là kênh trú ẩn an toàn dài hạn nữa”.

Một chuyên gia kinh tế giấu tên lại trình bày quan điểm với Đại Đoàn Kết, vàng nội địa Việt Nam chưa bao giờ đi sẵn theo những con đường đã vạch sẵn. Các diễn biến lặp lại trong quá khứ chưa hẳn đúng với hiện tại. Giá vàng đang trong thời kỳ rất nhạy cảm. "Tôi không nhìn thấy sự ổn định từ thị trường, thay vào đó, tôi nhìn thấy giá vàng đang "đong” theo chính sách của NHNN. Tức là, giá vàng lên hay xuống, đột biến thay đổi hay dích dắc đều chờ vào động thái tương lai của NHNN”. Vị này cũng cho rằng, "bất kỳ thảo luận nào của NHNN, các phiên đấu thầu nào của NHNN cũng trở thành điểm khai thác để tìm kiếm lợi ích kỳ vọng. Đưa ra lời khuyên, ông Đinh Nho Bảng (Tổng thư ký hiệp hội kinh doanh vàng) nói, thị trường chưa có thông tin hỗ trợ rõ ràng, mua bán chạy theo đám đông đều có thể gặp rủi ro.

Biến tướng "bình mới rượu cũ”

Ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, nên sớm phát hành chứng chỉ vàng. Với chứng chỉ vàng trong tay, người dân có quyền trao đổi, giao dịch vàng bất cứ lúc nào. Và khi cần, cũng có thể rút vàng tại hệ thống ngân hàng bằng chứng chỉ đó mà không gặp bất cứ khó khăn gì. Có như vậy, người dân mới có thể thay đổi được thói quen, tâm lý giữ vàng làm tài sản phòng thủ.

Cũng bắt đầu thời kỳ mới của vàng, khi các ngân hàng thương mại ngừng huy động vàng để kinh doanh thì một hiện tượng giữ hộ vàng khác cũng đang nở rộ ở các ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng sẽ giữ hộ vàng cho khách hàng, mở két sắt cho người dân gửi vàng nhưng không cam đoan vàng này sẽ được đưa ra lưu thông hay để yên trong két. Thậm chí một số cửa hàng ủy thác kinh doanh vàng còn thực hiện "vay vàng” của dân và trả lãi.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giao dịch vàng trên thị trường Việt Nam thời gian qua tràn lan ở thị trường chính thống lẫn không chính thống. "Câu chuyện vàng khó nói, và NHNN cần có sự kiểm soát chặt chẽ với thị trường. Không để các giao dịch biến tướng theo hình thức "bình mới rượu cũ”.

Thị trường vàng đang bước đi trong giai đoạn tái cơ cấu, muốn ấn định Chính phủ cần nghiên cứu các hoạt động phát sinh trên thị trường vàng. NHNN cần sớm công bố chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người dân cũng như của các chủ thể trong nền kinh tế có liên quan đến vàng bao gồm: quyền và điều kiện huy động vàng trong xã hội hoặc giữ hộ vàng cho dân, chuyển nhượng, mua bán, cơ chế xuất nhập khẩu vàng và cơ chế đảm bảo liên thông giá vàng trong nước và quốc tế...

Thúy Hằng

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Chiều 02/07, giá vàng SJC tăng mạnh trở lại (02/07/2013)

>   Sau tất toán, các đơn vị vẫn "vét sạch" 40.000 lượng (02/07/2013)

>   Phí giữ hộ vàng miếng: Mỗi ngân hàng một giá (02/07/2013)

>   “Cuộc chiến” vàng ở Ấn Độ (02/07/2013)

>   Giá vàng SJC tiếp tục xuống dốc (02/07/2013)

>   Vàng bật tăng hơn 30 USD/oz nhờ lực mua để thoát vị thế bán khống (02/07/2013)

>   Vàng đấu thầu có thể ngừng chảy vào nhà băng từ 2/7 (01/07/2013)

>   Vàng sẽ “tự diễn biến”? (01/07/2013)

>   Thận trọng khi vàng giảm nhanh hơn dự báo (01/07/2013)

>   Vì sao “bắt dao rơi”? (01/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật