Dự án đắp chiếu, khách hàng tìm cách tự cứu mình
Mệt mỏi vì nhìn cảnh dự án đắp chiếu, chủ đầu tư bị bắt những thượng đế đen đủi đã tìm cách tự cứu mình bằng phương án đề nghị chủ đầu tư cho trực tiếp quản lý dòng tiền. Đổi lại, họ chấp nhận đóng thêm tiền để dự án tiếp tục triển khai.
* “Cò” Dự án VP5 Linh Đàm gặp họa
* Khách hàng Usilk City: Thà mất trắng còn hơn đóng tiền
* Tan vỡ những giấc mộng không tiền
Dự án chung cư Usilk city (Lê Văn Lương, Hà Đông, Hà Nội) là siêu dự án đầy tai tiếng của Công ty CP Sông Đà Thăng Long (STL).
8 tòa chung cư có tổng mức vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng triển khai từ năm 2009 cho đến thời điểm hiện tại chưa tòa nhà nào được hoàn thành.
Hơn 1000 nghìn khách hàng mua nhà tại dự án này đã đóng tiền 15-80% giá trị hợp đồng nhưng gần 5 năm nay vẫn không thể nhận nhà do chủ đầu tư mang tiền huy động của khách hàng đi đầu tư dàn trải.
Hàng chục cuộc họp bàn căng thẳng giữa khách hàng và chủ đầu tư để tìm lối thoát đã kéo dài trong suốt 2 năm qua. Quá mệt mỏi, căng thẳng, nhiều khách hàng mua nhà tại 3 tòa nhà thuộc cụm CT1 đã đưa ra phương án được cho là khả thi nhất trong thời điểm này. Theo đó, khách hàng cụm CT1 chấp nhận sẽ đóng nốt số tiền còn lại của hợp đồng cho chủ đầu tư. Việc quản lý và kiểm soát dòng tiền này sẽ do một ban đại diện 4 người, trong đó, đại diện chủ đầu tư là ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT STL, 3 đại diện còn lại là 3 khách hàng đại diện cho 3 tòa nhà thuộc cụm CT1.
Ba tòa nhà thuộc cụm CT1 hiện đã được xây thô và cất nóc công trình, số lượng vốn đã rót để thực hiện khoảng 350 tỷ đồng. Hiện có khoảng 600 khách hàng tuy nhiên mới có 200 khách hàng đồng thuận với phương án này.
Một số đại diện khách hàng mua nhà dự án Usilk city cho biết, với quyết tâm hiện tại của chủ đầu tư, khách hàng rất muốn tiếp tục đóng tiền. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất là nếu đóng tiền, các chủ nợ của STL rất có thể sẽ siết nợ khiến dòng tiền không đến được với công trình. Vì thế, giải pháp các khách hàng lập tài khoản cá nhân tại ngân hàng BIDV, sau đó, hàng tuần BIDV sẽ khấu trừ số tiền tương ứng với số tiền khách hàng phải đóng vào tài khoản chung được chính đại diện khách hàng quản lý để thanh toán cho chủ đầu tư theo sản lượng thi công đã nhận được sự nhất trí cao.
Dự án chung cư Hesco Văn Quán
|
Tương tự, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án chung cư Hesco Văn Quán (Hà Đông), 409 Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) do tập đoàn Megastar làm chủ đầu tư cũng đang loay hoay tìm giải pháp tự cứu mình.
Thông tin ông Nguyễn Hoàng Long – chủ tịch tập đoàn Megastar bị bắt với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cuối tháng 5/2013 đã khiến cho các khách hàng lo ngại về khả năng bị mất vốn.
Ông Lê Xuân Thắng, Chủ tịch mới của Tập đoàn Vina Megastar cho biết, hiện tập đoàn đang cùng khách hàng tìm giải pháp để tiếp tục triển khai các dự án đã huy động vốn của người dân.
Theo đó, các nhà đầu tư thứ cấp tại dự án HESCO Văn Quán, tại đô thị mới Văn Quán, Hà Đông Hà Nội, đề nghị Vina thành lập một công ty mới. Trong đó, 30% giá trị căn hộ người dân đã nộp sẽ được chuyển thành trái phiếu công ty, sử dụng cho việc nộp tiền đất, giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà xưởng mới cho chủ đất cũ. 70% còn lại sẽ được sử dụng vào việc xây dựng tòa nhà. Người dân được kiểm soát dòng vốn và được chia lợi tức từ kinh doanh. Hiện số tiền người dân nộp vào riêng dự án này là trên 200 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Đại (văn phòng luật sư Hà Nội) cho biết, việc khách hàng muốn được cùng với chủ đầu tư tham gia quản lý dòng vốn, quản lý dự án là hoàn toàn hợp pháp nếu hai bên cùng đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến cơ chế hoạt động, phương án xử lý tài chính bao gồm vốn góp, vốn khách hàng đã đóng trước đó sẽ ra sao, tỷ lệ phân chia lợi nhuận....cần được cân nhắc thận trọng để tránh rắc rối nảy sinh về sau.
Anh Đào
vnmedia
|