Hoàng Anh Gia Lai: Bán và bán!
Biết đâu đấy, sau khi bán để trang trải các khoản nợ nần quá cám cảnh, bầu Đức lại chọn Myanmar như một mầm sống để “làm lại từ đầu”, nếu có thể nói như thế.
Vẫn ngủ ngon trên đống nợ?
Mới cuối năm ngoái, người đứng đầu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) còn tỏ ra lạc quan về triển vọng của các dự án cao su và thủy điện. Tuy nhiên sự thay đổi đột ngột về quan điểm đầu tư gần đây đã làm cho triển vọng đó gần như đảo lộn.
Sẽ không còn quá tập trung vào các dư án thủy điện nữa, bán một phần và chỉ giữ lại phần nhỏ hơn… Thậm chí, Hoàng Anh Gia Lai còn phải “hy sinh” những dự án thủy điện mà theo đúng kế hoạch, năm nay bắt đầu hái quả.
Vì sao lại có sự đổi khác đột ngột và có vẻ vội vã đến thế? Tất nhiên, lời giải thích của ông Đoàn Nguyên Đức luôn có vẻ hợp lý, nhất là trong bối cảnh Hoàng Anh Gia Lai đang cần tập trung nguồn lực vốn liếng cho các công trình bất động sản có tiềm năng hơn hẳn ở Myanmar.
Bầu Đức đón tiếp các vị lãnh đạo phía Myanmar tại buổi lễ khởi công “Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center” tại thành phố Yangon hôm 5/6. (Ảnh: Kiến thức)
|
Song nói gì thì nói, con số nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai cho tới giờ phút này đã vượt trên 21,000 tỷ đồng, nằm ngoài dự báo của nhiều chuyên gia và tất nhiên cũng cao hơn cả con số khoảng 16,000 tỷ đồng nợ vay do chính Hoàng Anh Gia Lai công bố vào năm 2012.
Người ta cũng đang đặt dấu hỏi về độ chênh phát sinh dư nợ ngân hàng của Hoàng Anh Gia Lai, chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Vào tháng 10 năm ngoái, tình hình nợ vay của tập đoàn này đã không còn ẩn giấu được nữa. Một số thông tin từ chính khối ngân hàng chủ nợ, trong đó có BIDV, đã làm dư luận và cả giới cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai càng thêm rộng đường trong suy diễn.
Còn nếu nhìn ngược về hai năm trước đây, khi đó bầu Đức còn hăng hái đưa ra tuyên bố chậm nhất đến năm 2014 sẽ trở thành tỷ phú đô la.
Nhưng với tất cả những xáo trộn kinh khủng của thị trường bất động sản trong vài năm qua, có thể thấy không ít đại gia đã ngã ngựa. Một minh chứng rất rõ nét là “người bà con” của Hoàng Anh Gia Lai là Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) với mức lương cho thành viên hội đồng quản trị thậm chí không tới nổi 5 triệu đồng/tháng.
Không phải là ngoại lệ của nhóm Sông Đà Thăng Long, Phát Đạt hay Vinaconex, tập đoàn của ông Đoàn Nguyên Đức cũng phải đối mặt với một cơn khủng hoảng toàn diện về tồn kho căn hộ trung cấp và cao cấp. Cơn sốt kinh hoàng này kéo dài suốt từ giữa năm 2011 đến nay, đã làm không biết bao nhiêu nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp mất ăn mất ngủ, để đến nỗi nguyện ước lớn nhất của nhiều đại gia hiện thời là mong một buổi sáng thức giấc không còn nợ nần.
Trong tình cảnh như thế, rất nhiều người đã phải bày tỏ thái độ ngạc nhiên khi nghe nói bầu Đức “vẫn ngủ ngon trên đống nợ”.
Mộng mị kéo dài
Thật ra, nếu quả thực tài sản có của Hoàng Anh Gia Lai hiện vẫn lên đến 25,000 – 26,000 tỷ đồng như giá trị sổ sách mà tập đoàn này công bố, sẽ không phải quá lo lắng cho việc thanh toán ngân hàng. Nhưng có điều, thị trường bất động sản lại đang rơi vào một chu kỳ tuột dốc và thanh khoản quá kém. Với nhiều doanh nghiệp nhà đất, hiện thời nếu có thể bán tống táng với một nửa giá cho toàn bộ khối tài sản bất động sản đang ôm, họ cũng sẵn lòng.
Có thể chưa nằm trong thế suy kiệt như những người khác, nhưng Hoàng Anh Gia Lai rõ ràng không còn được lợi thế như những năm trước. Cũng không còn cái thế khuynh đảo thị trường đất nền và căn hộ. Ngay cả cú bán phá giá căn hộ được ông Đức tung ra vào cuối năm 2012 cũng không làm cho tình hình của tập đoàn này được cải thiện hơn.
Khó khăn nối tiếp khó khăn. 2013 lại tiếp nối năm ngoái bằng một đợt cáo buộc của một trong những tổ chức phi chính phủ mạnh nhất thế giới – Global Witness. Những dự án trồng cao su chưa kịp thu hoạch của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào vào đặc biệt ở Campuchia đã bị lên án sâu sắc về cách thức đối xử với môi trường và nông dân bản địa của tập đoàn này. Tuy cho tới giờ mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ, cũng chưa có một kết luận rõ ràng nào về việc Hoàng Anh Gia Lai có vi phạm hay không các quy định sử dụng đất đai ở Campuchia, nhưng hiển nhiên uy tín của tâp đoàn này đã bị sứt mẻ rất nghiêm trọng trên thương trường quốc tế, sau chuỗi bị hạ uy tín trong quan hệ buôn bán ở trong nước.
Trả nợ ngân hàng?
Giờ đây, Myanmar có vẻ đang là một cứu cánh cho Hoàng Anh Gia Lai. Dĩ nhiên, tập đoàn này hoàn toàn có phương án chuyển đổi “công năng” để tập trung cho các công trình hứa hẹn tại nước bạn.
Song cũng không loại trừ, việc phải bán một số dự án thủy điện đang thuộc về phương án dự phòng – trong bối cảnh Hoàng Anh Gia lai không thể không bán đi một phần, có khi là một phần lớn tài sản của họ để trả nợ cho ngân hàng.
Cú ngã ngựa của Công ty bất động sản Vĩnh Hưng vừa qua đã làm dấy lên nỗi lo lắng về hàng loạt đại gia khác “nhập kho”, có thể trong nửa cuối năm nay. Người ta cũng tiếp tục đồn đoán về tình trạng âm vốn của nhiều doanh nghiệp nhà đất mà có thể bị cơ quan cảnh sát điều tra “sờ gáy” không biết lúc nào.
Tương lai của Hoàng Anh Gia Lai sẽ và chỉ có thể được quyết định bởi chính họ. Giờ đây, tất cả những nguyện ước về tỷ phú đô la hay hình ảnh vươn ra thế giới hãy nên tạm dừng lại. Tất cả nên tập trung vào bài toán giải quyết nợ nần và làm sao thoát khỏi cái thị trường bất động sản khủng khiếp này càng sớm càng tốt.
Thật may mắn, Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn những tài sản khác để bán – thứ tài sản tuy có tỷ suất lợi nhuận không cao nhưng không phải là bất động sản, không phải là cơn ác mộng đe dọa tâm trạng của phần lớn nhà đầu tư và cả người tiêu dùng như hiện nay.
Và biết đâu đấy, sau khi bán để trang trải các khoản nợ nần quá cám cảnh, bầu Đức lại chọn Myanmar như một mầm sống để “làm lại từ đầu”, nếu có thể nói như thế.
Việt Thắng
Infonet
|