Đảo Kim Cương, những căn nhà cấp 4: Giống và khác nhau
Khu dân cư phức hợp đảo Kim Cương (đảo Kim Cương) quận 2 và những căn nhà cấp 4 trên địa bàn huyện Bình Chánh có điểm gì chung mà đặt chúng cạnh nhau?
Đảo Kim Cương (trái) và những căn nhà bị cưỡng chế tháo dỡ vì xây dựng không phép tại quận Bình Chánh.
|
Đảo Kim Cương là dự án bất động sản sang bậc nhất trên địa bàn TPHCM, giá bán vài ngàn USD/m2, trong dự án có bến du thuyền… Những căn nhà cấp bốn trên địa bàn huyện Bình Chánh là những căn nhà chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất của con người là cung cấp một chỗ ở, chẳng có gì để sánh với dự án đảo Kim Cương về mọi phương diện. Thế nhưng, chúng có một điểm chung, đó là có những vi phạm nghiêm trọng về pháp luật xây dựng. Đảo Kim Cương bị Thanh tra xây dựng quận 2 và Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện cả 6 block của khối tháp chủ đầu tư xây dựng thêm từ 1 đến 2 tầng. Cụ thể, 5 block: 16, 18, 20, 24 và 25 tầng chủ đầu tư đã xây dựng tăng thêm 1 tầng; riêng đối với block 19 tầng, chủ đầu tư xây dựng thêm 2 tầng. Cũng theo kết luận của cơ quan chức năng, tổng diện tích xây dựng sai phép là 2.899,6m2.
Khác ở đây là phần hậu của câu chuyện xây dựng không phép, sai phép. Sai phạm tại dự án đảo Kim cương, Sở Xây dựng nhận định là sai phạm nghiêm trọng và Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư phải tự tháo dỡ phần vi phạm. Thế nhưng, ở vào thời khắc căng thẳng nhất, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND TPHCM, cho rằng buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ tầng lửng, trong khi công trình đã cơ bản hoàn thành phần thô sẽ phá hủy toàn bộ công trình, gây lãng phí lớn. Vậy là dự án đảo Kim cương thoát hiểm vào phút cuối.
Những căn nhà cấp bốn trên địa bàn huyện Bình Chánh không có được may mắn như số phận của dự án đảo Kim cương. Toàn bộ những căn nhà xây dựng không phép trên địa bàn huyện Bình Chánh đã bị vận động tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ. Cùng một sai phạm, nhưng số phận của những căn nhà xây dựng sai pháp, không phép lại khác nhau.
Xây dựng không phép, sai phép là “căn bệnh” kinh niên của các quận vùng ven. Trong vòng 5 năm trở lại đây, không dưới ba lần các cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn nhà xây dựng không phép, sai phép quy mô lên đến vài trăm căn/vụ. Hầu hết cái kết của những căn nhà xây dựng không phép là cưỡng chế tháo dỡ. Mặc dù biết xây dựng không phép thì nguy cơ bị cưỡng chế tháo dỡ là rất lớn, nhưng vì sao người dân vẫn nhắm mắt làm càn? Cái gốc của vấn đề câu chuyện xây dựng không phép ở các quận, huyện vùng ven là vấn đề nhà ở giá thấp cho người nhập cư. Hàng trăm ngàn người nhập cư làm việc trong các khu công nghiệp vùng ven, thế nhưng vấn đề nhà ở cho họ gần như là con số không.
Khi Nhà nước không lo được vấn đề nhà ở với giá phù hợp cho người nhập cư thì vô vàn vấn đề mới phát sinh. Với giá nhà ở đất ở đàng hoàng, có đầy đủ giấy tờ như hiện nay thì khả năng của những người thu nhập thấp không thể với tới. Do nhu cầu bức xúc về chỗ ở, rất nhiều người nhắm mắt tìm đến thị trường nhà đất giá rẻ ở vùng ven. Có cầu ắt có cung, thị trường nhà đất giá rẻ chỉ vài trăm triệu đồng/căn hoạt động nhộn nhịp. Nhà đất giá rẻ hiển nhiên là không có giấy tờ hoặc giấy tờ không hợp lệ, nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhà xây dựng chui trên đất quy hoạch công viên cây xanh, đường giao thông…
Câu chuyện nhà xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn TPHCM chắc chắn sẽ không bao giờ có đoạn kết nếu không giải quyết được cái gốc của vấn đề, đó là chỗ ở giá thấp cho người nghèo.
Ngọc Huân
lao động
|