Thứ Tư, 31/07/2013 10:04

Nhu cầu mặt bằng kinh doanh bán lẻ vẫn “nóng”

Mặc dù nguồn cung mặt bằng kinh doanh thương mại khá dồi dào, nhưng việc tìm kiếm một điểm bán lẻ phù hợp vẫn đang làm đau đầu không ít các nhà bán lẻ.

Đắc địa vẫn “hot”

Dự kiến mở 5 điểm bán tại thị trường trọng điểm là Hà Nội trong năm nay, Công ty Cổ phần Nhất Nam - chủ hệ thống chuỗi siêu thị Fivimart cho biết đến nay đã mở được 3 điểm bán mới và 2 điểm còn lại đang trong giai đoạn đàm phán hợp đồng. Tuy nhiên, dù với lợi thế là một nhà bán lẻ khá am hiểu thị trường Hà Nội nhưng đại diện Fivimart cho rằng, việc tìm kiếm mặt bằng vẫn gặp không ít khó khăn.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Nhất Nam chia sẻ, mặc dù kế hoạch mở điểm bán vẫn được thực hiện đúng tiến độ, nhưng không có nghĩa việc tìm mặt bằng trở nên dễ dàng hơn trong thời điểm thị trường bất động sản đang khá ảm đạm như hiện nay. Cũng giống nhau ở ý tưởng lớn, nhiều nhà bán lẻ đã tận dụng lúc thị trường nhà đất đang dư thừa nguồn cung, giá thuê giảm để đẩy mạnh mở thêm điểm bán nhằm mở rộng thị phần. Do đó, ngay cả khi thị trường đang khá ảm đạm, nhu cầu mặt bằng kinh doanh bán lẻ vẫn khá “nóng”.

“Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vẫn tăng nhẹ, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu phục vụ hàng ngày. Phương châm Fivimart là hướng tới sự tiện dụng cho khách hàng nên dù khó khăn vẫn phải mở điểm bán. Trong khi đó, các nhà bán lẻ nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ ngày càng nhiều buộc DN phải mở rộng để chiếm lĩnh thị trường, tăng thị phần. Tuy nhiên, để tìm được mặt bằng vừa có mức giá phù hợp, vừa có vị trí kinh doanh thuận lợi không phải là dễ”-bà Hậu cho biết.

Ngành bán lẻ ngành hàng điện máy chưa phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các hãng bán lẻ ngoại như ngành hàng tiêu dùng, nhưng với sự vươn lên khá mạnh mẽ của nhiều DN nội, cuộc cạnh tranh về mặt bằng bán lẻ cũng diễn ra khá gay gắt. Ông Trần Xuân Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh cho biết, tìm kiếm mặt bằng trong thời điểm hiện nay “dễ thở” hơn so với 2 năm trước bởi không chỉ nguồn cung mặt bằng nhiều hơn, mà giá cho thuê cũng mềm hơn đến 40 - 50%. Tận dụng lợi thế này, hệ thống siêu thị điện máy của Trần Anh cũng lên kế hoạch mở 7 điểm bán trong năm nay.

Lựa chọn có tập trung

Một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam là Liên hiệp Hợp tác xã TP.HCM (SaigonCo.op) khi tiến quân ra miền Bắc cũng khá đau đầu do việc tìm kiếm mặt bằng bán lẻ gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Saigon Co.op (SCID) - đơn vị chuyên đi “săn” mặt bằng cho nhà bán lẻ này cho biết, mức giá quá cao cùng những quy định ràng buộc về tài chính như trả tiền một lần ngay khi ký hợp đồng khiến cho Saigon Co.op không thể tiếp cận được mặt bằng phù hợp sau khi mở điểm bán đầu tiên tại Hà Đông. Cũng bởi, để đầu tư một siêu thị quy mô nhỏ chừng 4.000 - 5.000 m2, số tiền đầu tư lên đến 40 - 50 tỷ đồng, nên với những DN nội yếu về nguồn lực tài chính, đây sẽ là thách thức không nhỏ nếu mọi khoản đầu tư đều phải “dồn” hết cho mặt bằng.

Để giải bài toán chi phí cho mặt bằng, ông Kiên cho biết trong định hướng mở chuỗi điểm bán sắp tới, sẽ nhắm đến những vị trí ít có đối thủ cạnh tranh và quy mô nhỏ. Với quan niệm cuộc cạnh tranh về mặt bằng trên thị trường bán lẻ điện máy là cuộc cạnh tranh về chi phí, nên động thái trên được Trần Anh thực hiện nhằm mục đích tối ưu hóa chi phí điểm bán. Không mở những điểm bán rộng lên đến 4.000 - 5.000 m2, hãng này chỉ nhắm đến những điểm bán có diện tích khoảng 2.000m2, tiết giảm tối đa nhân viên. Đặc biệt, điểm bán được ưu tiên lựa chọn cũng nằm trong khu vực ít có sự cạnh tranh với các đối thủ khác. Đơn cử như với kế hoạch mở 7 điểm bán, Trần Anh đã quyết định tạm dừng mở điểm tại Hà Đông vốn đã ký hợp đồng từ năm 2009 và quyết định mở điểm bán tại Cát Linh, Phạm Văn Đồng (Hà Nội).

Mặc dù có không ít DN đã tự vận động trong việc tìm kiếm mặt bằng nhưng hầu hết các nhà bán lẻ đều cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc tạo thuận lợi cho DN bán lẻ tiếp cận điểm bán. Theo đó, chính sách cần thiết thực như dành quỹ đất ưu tiên cho thương mại, hỗ trợ nguồn tài chính hoặc các loại phí, thuế, chi phí thuê mặt bằng để DN mở rộng khả năng cạnh tranh.

Linh Sơn

Hải Quan

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp bất động sản đã hết thời ăn xổi! (31/07/2013)

>   Handico 5 rút êm khỏi dự án của Vina Megastar khi nào? (30/07/2013)

>   Thủ tướng yêu cầu thu hồi đất sai mục đích của các “ông lớn” (30/07/2013)

>   Khó kết luận dự án Nam An Khánh vì “trường hợp ngoại lệ” (30/07/2013)

>   Gói 30.000 tỷ đồng: Không cần xác nhận điều kiện thu nhập (30/07/2013)

>   Trái đắng của những dự án không gặp thời (30/07/2013)

>   Sông Đà Thăng Long bán dự án đổ vào Usilk City (30/07/2013)

>   4S Riverside Linh Đông “làm nóng” thị trường căn hộ TPHCM (30/07/2013)

>   Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Tồn kho bất động sản giảm 108 nghìn tỷ đồng (30/07/2013)

>   Dự án SDU "chém trước, tâu sau" (30/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật