Thứ Ba, 23/07/2013 09:05

Cú huých lãi suất và diễn biến của VN-Index nửa cuối 2013

VN-Index vẫn đang củng cố trước “cửa ngõ” vùng kháng cự 515-530 điểm. Diễn biến gần đây cho thấy dường như có một sự hội tụ của các nhân tố hỗ trợ chỉ số này chinh phục vùng kháng cự đầy thách thức đó, mở ra một giai đoạn mới cho TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Củng cố trước “cửa ngõ” vùng kháng cự

Kể từ sau nhận định trong bài viết “Chứng khoán Nhâm Thìn: Kịch tính đến những phiên cuối cùng của năm!”, vùng giá 515-530 điểm vẫn thể hiện là kháng cự mạnh thách thức chỉ số VN-Index.

Và từ đầu năm 2013 đến nay, VN-Index có những thời điểm muốn “thử sức” vượt qua vùng kháng cự đó. Tuy nhiên, dường như chưa có được sự hội tụ của những nhân tố cần thiết, cả trên phương diện cơ bản và kỹ thuật, chỉ số này tiếp tục củng cố ngay trước “cửa ngõ” vùng kháng cự nói trên.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI liên tục duy trì ở mức thấp các tháng đầu năm mà nguyên nhân chính nằm ở tổng cầu sụt giảm; tốc độ tăng dư nợ tín dụng ngân hàng dù đã có cải thiện so với cùng kỳ năm 2012 nhưng vẫn còn một khoảng cách khá xa so với mục tiêu cả năm của NHNN; mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tổng vốn đầu tư toàn xã hội sụt giảm; hàng tồn kho giảm chậm; nợ xấu chậm được giải quyết; tỷ giá hối đoái có những thời điểm diễn biến chưa thuận do chịu tác động bởi tâm lý; giá vàng trong nước vẫn chênh quá lớn so với giá vàng thế giới quy đổi ra VNĐ ngay cả sau khi các NHTM hoàn thành đóng trạng thái từ ngày 30/6...

Bối cảnh thế giới cũng có những điểm chưa thuận lợi. Mặc dù kinh tế Nhật đã có quý 1 tăng trưởng ấn tượng và được kỳ vọng trở thành một động lực cho tăng trưởng kinh tế Đông Á và thế giới; kinh tế Mỹ tiếp tục cải thiện khá vững; khu vực sử dụng đồng Euro đã qua được giai đoạn “đen tối” nhất nhưng vẫn còn bất ổn biểu hiện qua diễn biến ở Bồ Đào Nha mới đây. Trong khi đó nổi lên một số điểm “xám” ở nhóm nước BRICS cùng sự “mập mờ” trong định hướng chính sách tiền tệ của FED khiến giới đầu tư e ngại...

Trong bối cảnh chung nói trên, “thành quả” lớn nhất trong giai đoạn “củng cố” vừa qua trên TTCKV Việt Nam nằm ở việc giữ được sự ổn định tâm lý và củng cố niềm tin nơi nhà đầu tư (NĐT)! Dòng tiền, mà có lẽ phần lớn đến từ các tổ chức đầu tư đã cải thiện. Giá trị giao dịch và khối lượng khớp lệnh tăng khá và ổn định. Ngay trong những phiên giảm điểm của VN-Index, không có hiện tượng khối lượng giao dịch tăng đột biến kéo dài. Hay như đợt tăng giá xăng dầu ngày 17/7 cũng không gây nhiều tác động đến diễn biến thị trường như thường thấy trước đây.

Từ đầu năm đến nay, dòng tiền từ khối NĐT nước ngoài cũng diễn biến khá tích cực, bất chấp việc bán ròng đôi khi xuất hiện trong thời gian ngắn như hồi tháng 6. Hoạt động bán ròng trong một số phiên vừa qua không phản ánh xu hướng chủ đạo của khối này.

Cú “huých” lãi suất

Vẫn giữ quan điểm trong các bài viết trước, người viết cho rằng lãi suất vay cao là “nút thắt’ chủ yếu đối với tăng dư nợ tín dụng ngân hàng nói riêng và các luồng luân chuyển vốn trong nền kinh tế nói chung. Trong vài tháng trở lại đây, khi các NHTM triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, tốc độ tăng dư nợ tín dụng đã cải thiện rõ nét. Theo NHNN, tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng đã tăng 4.5% so với cuối 2012.

Ngay cả khi chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, Việt Nam vẫn cần vốn đầu tư để phát triển. Và cho dù chưa hoàn toàn theo cơ chế thị trường, lãi suất vẫn phải là công cụ chủ yếu để điều hòa quan hệ tiết kiệm - đầu tư, điều tiết các luồng luân chuyển vốn trong nền kinh tế theo định hướng.

Tái cơ cấu thị trường tài chính - tiền tệ kiên định theo hướng giảm tỷ trọng tín dụng ngân hàng, tăng tỷ trọng vốn từ các kênh phi ngân hàng, trả lại thị trường tiền tệ vai trò và chức năng cơ bản cung cấp vốn lưu động đòi hỏi phải giảm mạnh mặt bằng lãi suất nói chung và lãi suất cho vay nói riêng.

Và trong bối cảnh hiện nay, đây là thời điểm thuận lợi để NHNN điều hành giảm mạnh mặt bằng lãi suất cho vay tạo cú “huých” phục hồi tinh thần kinh doanh, đánh thức các nguồn vốn đang nằm im trong nền kinh tế chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kích thích tiêu dùng, tăng tổng cầu góp phần giải quyết tồn kho và nợ xấu... Bước “đột phá” về lãi suất như thế sẽ tạo “xung lực” cho nền kinh tế khởi động chu kỳ tăng trưởng mới!

Các NHTM, đặc biệt là ngân hàng nhỏ, cần hiểu rằng “Giảm” vẫn là xu hướng chính của lãi suất trong thời gian tới để hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp. Như người viết đã cảnh báo trong bài viết “Giảm lãi suất: Cần sự quyết đoán của NHNN!”, nếu không thấy xu hướng chính yếu đó, họ có thể sẽ phải trả giá.

Trở lại với diễn biến của VN-Index. Quá trình củng cố trước “cửa ngõ” vùng kháng cự 515-530 đã trải qua một thời gian tương đối dài. Tâm lý thị trường có thể có sự thay đổi quan trọng trong thời gian tới đây. Nếu không chinh phục thành công vùng kháng cự này, VN-Index một lần nữa sẽ quay lại thử thách vùng hỗ trợ rất nhạy cảm 460-470 điểm. Khi đó sức “chống đỡ” của vùng hỗ trợ này có lẽ cũng bị suy giảm đáng kể. Dù với xác xuất rất thấp, kịch bản này nếu xảy ra sẽ có tác động tiêu cực đến xu hướng trung - dài hạn của TTCK. Điều đó cũng có thể ảnh hưởng nhất định đến diễn biến trên thị trường tài chính - tiền tệ, quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng và tăng trưởng kinh tế.

Đợt giảm mạnh lãi suất huy động của Agribank hồi đầu tháng 5 và các ngân hàng Vietcombank (VCB), BIDV (BID), Vietinbank (CTG) trung tuần tháng 7 được kỳ vọng tạo cơ sở để kéo giảm mạnh mặt bằng lãi suất cho vay. Và như nói trên, diễn biến này có thể sẽ tạo một “xung lực” mới cho nền kinh tế nói chung, TTCK nói riêng trong hành trình chinh phục các mục tiêu mà trước mắt là “cửa ải” 515-530 của VN-Index.

Phạm Tường Phán

Infonet

Các tin tức khác

>   Lãi suất giảm, tiền sẽ chảy vào chứng khoán? (23/07/2013)

>   23/07: Bản tin 20 giờ qua (23/07/2013)

>   PTKT phiên chiều 22/07: Khó có đột biến ở HNX (22/07/2013)

>   VN-Index còn chờ đợi gì để vượt 500? (22/07/2013)

>   Nhịp đập Thị trường 22/07: Dòng tiền vào Large Cap, VN-Index tăng phiên thứ 5 (22/07/2013)

>   Mới chỉ 20% doanh nghiệp công bố BCTC (22/07/2013)

>   Thị trường đang pullback hay tăng trưởng thực sự? (22/07/2013)

>   22/07: Bản tin đầu tuần (22/07/2013)

>   “Tầm quan trọng của khối ngoại và tự doanh - Đầu tư dựa trên động thái của khối ngoại và tự doanh“ (20/07/2013)

>   Chứng khoán Đại Việt bị đình chỉ hoạt động môi giới (19/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật