Thứ Ba, 23/07/2013 08:53

Lãi suất giảm, tiền sẽ chảy vào chứng khoán?

Lãi suất huy động ngắn hạn tại các nhiều ngân hàng đã giảm về mức 5-6%/năm. Điều này có tạo nên dòng vốn rẻ, dịch chuyển vào TTCK?

Giảm lãi suất huy động có phải là giải pháp để các ngân hàng hạ lãi suất cho vay, nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng lên 12% như mục tiêu đặt ra cho năm 2013? Một số chuyên gia chia sẻ với ĐTCK về vấn đề này.

"Kênh chứng khoán dễ đầu tư hơn và đang có một dòng vốn chảy vào thị trường"

Ông Nguyễn Chí Trung, Phó Tổng giám đốc CTCK Rồng Việt

Cần nói rõ rằng, dòng vốn rẻ là rẻ hơn so với trước đây. Lãi suất huy động ngắn hạn đã giảm từ mức 9-10%/năm về 5-6%/năm, nhưng huy động vốn dài hạn vẫn là 7%/năm. Lãi suất cho vay của ngân hàng, của CTCK cũng đã giảm nhiều so với mức 15-16%/năm. Hiện nay, một số CTCK kết hợp với các quỹ, các tổ chức phi tài chính có lượng tiền lớn để cho NĐT vay ở mức 13-14%/năm là khá tốt so với mức độ rủi ro của TTCK trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, các DN tốt được ngân hàng chào mời vay vốn với lãi suất khá hấp dẫn 8-9%/năm, giúp cho DN có chi phí thấp, khả năng tạo lợi nhuận khả quan hơn. Điều này sẽ kích thích gián tiếp đến TTCK. Dù sao, TTCK vẫn là kênh dễ đầu tư hơn so với các kênh khác, NĐT có vốn nhỏ cũng tham gia được và cách thức tiếp cận ngày càng dễ dàng hơn. Tôi cho rằng, vẫn đang có dòng vốn chảy vào TTCK, hy vọng thời gian sắp tới sẽ tiếp tục như vậy.

Đối với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, cá nhân tôi không quan tâm con số này, vấn đề quan trọng là trong 12% đó ngành nào, DN nào được vay vốn, chứ nếu cho vay để đầu tư công thì chuyện dư nợ lớn là bình thường. Dưới góc độ CTCK, tôi chỉ quan tâm các DN sản xuất có tiếp cận được vốn tín dụng dễ dàng không, có đầu ra để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đó hay không. Nếu dòng tiền thông chảy thì tăng trưởng tín dụng 9-10% cũng đã là tốt.

“Tiền sẽ dịch chuyển sang chứng khoán, nhưng không quá nóng”

Ông Đặng Văn Tân, Giám đốc Kinh doanh khu vực phía Nam, CTCK VNDIRECT

Với lãi suất giảm như hiện nay, kênh gửi tiết kiệm mất dần tính hấp dẫn, khiến dòng tiền có xu hướng đi tìm kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản hay chứng khoán. Mỗi kênh đầu tư đều có những lợi thế và rủi ro nhất định. Trong khi bất động sản còn cần nhiều thời gian để phục hồi, chính sách quản lý vàng lại khá chặt chẽ, thì dường như TTCK vẫn là kênh đầu tư có “điểm sáng” hơn. Hiện nay, nhiều DN đã công bố kết quả kinh doanh bán niên có lợi nhuận tốt, khiến cho TTCK được chú ý. Cùng với sự hỗ trợ của các chính sách vĩ mô, tôi cho rằng, đến cuối năm, TTCK sẽ ổn định và tăng trưởng đáng kể. Do vậy, dòng tiền khả năng sẽ chuyển dịch sang kênh đầu tư chứng khoán, nhưng không quá nóng.

Về tăng trưởng tín dụng, tôi cho rằng, để đạt mục tiêu 12% trong năm 2013 với toàn ngành ngân hàng không chỉ phụ thuộc vào yếu tố giảm lãi suất cho vay, mà quan trọng là khả năng hấp thụ vốn vay của các DN. Hiện nay, nhiều DN không có nhu cầu vay vốn do tồn kho nhiều, đầu ra gặp khó khăn. Vì vậy, muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, cần sự tổng lực của các chính sách về kích cầu, giảm lãi suất cho vay, xử lý nợ xấu… Tuy nhiên, chỉ còn 5 tháng nữa là hết năm, nhưng các chính sách vẫn chưa rõ ràng và quyết liệt nên để khả năng đạt tăng trưởng tín dụng 12% là chưa rõ ràng, dù cho các ngân hàng có cố gắng đẩy mạnh cho vay với nhiều hình thức.

“Tiền vẫn ở lại khá nhiều với kênh gửi tiết kiệm”

Bà Vũ Thị Thúy Hằng, CTCK Maybank KimEng

Nhiều ngân hàng đang hạ dần lãi suất huy động nhưng chỉ áp dụng với các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng, các kỳ hạn dài hơn vẫn khoảng 7%/năm. Lãi suất giảm dưới mức lạm phát kỳ vọng cả năm là 7%/năm khiến nhiều NĐT thay vì gửi tiết kiệm, đã chuyển sang các kênh đầu tư USD, vàng, chứng khoán, bất động sản. Trong đó, USD và vàng có vẻ được ưa chuộng hơn do thanh khoản tốt và tâm lý nắm giữ tài sản vật chất vẫn chiếm đa số. Tuy nhiên, huy động tiền gửi trên toàn hệ thống ngân hàng vẫn tăng trưởng khá tốt, tính đến 31/5/2013 đạt mức 6,59% cho thấy, dòng tiền vẫn ở lại khá nhiều với kênh gửi tiết kiệm.

Về khả năng giảm lãi suất huy động để kích thích tín dụng, theo tôi, vấn đề không nằm hoàn toàn ở mức lãi suất cho vay là bao nhiêu, mà chủ yếu là phương án kinh doanh của DN đi vay có hiệu quả không. Giảm lãi suất chỉ là một phần nhỏ trong nhiều biện pháp tổng thể để kích thích tăng trưởng tín dụng. Với mục tiêu tăng trưởng 12%, tương đương với việc cả hệ thống phải tăng thêm 7,5% trong 5 tháng còn lại, theo chúng tôi, điều này là không dễ dàng đạt được.

“Chưa thể khẳng định dòng vốn có dịch chuyển hay không"

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Lãi suất giảm đương nhiên sẽ hỗ trợ dịch vụ tài trợ vốn cho NĐT, nhưng quyết định đầu tư vào đâu lại là một chuyện khác. Quyết định đầu tư dựa vào mức sinh lời chứ không dựa vào chi phí giá rẻ. Thực tế đã chứng minh điều này, không hề có tình trạng các DN đổ xô đi vay mà không biết vay về để làm gì, nên tốc độ tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm mới chậm. Do đó, việc đạt được mục tiêu 12% hay không, phụ thuộc vào mong muốn của người làm chính sách. Trong tài chính, quyết định đầu tư phải có trước, khi quyết định này không hình thành, có nghĩa là các triển vọng của việc đầu tư đó không có. DN không có nhu cầu vay nợ để đầu tư khi hàng tồn kho ngày càng lớn mà không thấy đầu ra. Nếu nhìn thấy DN có triển vọng kèm theo tín hiệu vĩ mô tốt thì NĐT sẽ sử dụng margin để đầu tư và lãi suất tốt sẽ là một cơ hội cho họ. Nhưng khi tất cả những đại lượng đó chưa thấy có chuyển biến, thì không thể khẳng định dòng vốn có dịch chuyển hay không.

Phan Hằng thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   23/07: Bản tin 20 giờ qua (23/07/2013)

>   PTKT phiên chiều 22/07: Khó có đột biến ở HNX (22/07/2013)

>   VN-Index còn chờ đợi gì để vượt 500? (22/07/2013)

>   Nhịp đập Thị trường 22/07: Dòng tiền vào Large Cap, VN-Index tăng phiên thứ 5 (22/07/2013)

>   Mới chỉ 20% doanh nghiệp công bố BCTC (22/07/2013)

>   Thị trường đang pullback hay tăng trưởng thực sự? (22/07/2013)

>   22/07: Bản tin đầu tuần (22/07/2013)

>   “Tầm quan trọng của khối ngoại và tự doanh - Đầu tư dựa trên động thái của khối ngoại và tự doanh“ (20/07/2013)

>   Chứng khoán Đại Việt bị đình chỉ hoạt động môi giới (19/07/2013)

>   SGT bị tạm ngừng giao dịch từ 23/07 (19/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật