Mới chỉ 20% doanh nghiệp công bố BCTC
Tính đến 20/07, mới chỉ có 127 doanh nghiệp, chiếm 20% doanh nghiệp niêm yết* trên cả hai sàn thực hiện công bố thông tin về kết quả kinh doanh theo quy định theo số liệu thống kê của Vietstock. Trong đó có 106 doanh nghiệp thông báo có lãi với tổng lãi hơn 4,100 tỷ đồng và con số doanh nghiệp tăng trưởng dương chỉ ở 45 đơn vị.
Được biết, ngày 20/07 là hạn cuối nộp báo cáo tài chính quý 2/2013 của các công ty niêm yết có niên độ tài chính bình thường. Riêng công ty niêm yết là công ty mẹ thì thời hạn nộp báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất sẽ là 15/08.
Lợi nhuận đột biến
CTCP Dệt may – ĐT – TM Thành công (HOSE: TCM) đang tạm thời là doanh nghiệp nổi trội nhất với mức tăng trưởng lãi ròng lên đến 9,800% từ mức 569 triệu đồng tăng lên 56.7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.
Công ty cho biết, trong quý 2 này tiếp tục chủ động cân đối nguồn nguyên liệu đầu vào bằng cách kiểm soát rủi ro trong việc mua bông nguyên liệu giá cao. Cụ thể, điều chỉnh tỷ lệ mua bông theo cách thức 30% số lượng mua trên thị trường giao sau và 70% số lượng mua trên thị trường giao ngay (trước đây tỷ lệ này là 80% và 20%), giúp công ty giảm chi phí nguyên vật liệu.
Thật vậy, xét riêng trong quý 2, công ty tiết kiệm được giá vốn lên đến 93 tỷ đồng và lũy kế 2 quý thì tiết kiệm được đến hơn 124 tỷ đồng (chủ yếu là trong khoản mục chi phí nguyên vật liệu và chi phí nhân công), kết hợp với việc các chi phí khác hầu như không có thay đổi đáng kể đã khiến cho lợi nhuận của TCM có bước nhảy vọt như trên.
Tiếp theo, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) vốn đã nổi đình nổi đám từ khi công bố kết quả kinh doanh quý 1 tăng gấp 7 lần đạt 944 tỷ đồng, nay lợi nhuận quý 2 công ty mẹ vừa thông báo cũng không làm nhà đầu tư thất vọng. Quý 2, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 67% và 469%; đạt 1,851 tỷ đồng và 366.6 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu chạm ngưỡng 3,623 tỷ đồng, chỉ còn cách con số đạt được năm trước 500 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 1,300 đồng, tăng trưởng 566% và vượt xa thực hiện cả năm 2012.
Điều dễ nhận thấy, trong quý này công ty mẹ PPC tiếp tục hưởng lợi từ việc đồng Yên Nhật giảm giá, tuy nhiên mức độ hưởng lợi đã giảm từ hơn 500 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng. Song doanh thu thuần vẫn tăng ổn định, tăng 700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây tiếp tục là 2 nguyên nhân chính yếu dẫn đến kết quả lợi nhuận ấn tượng và tăng trưởng mạnh mẽ.
Một vài doanh nghiệp khác như TIC, DCL, SSM, VPH, NDN, NGC và CLC cũng đáng ghi nhận khi tăng trưởng trên 100%.
CTCP Đầu tư điện Tây Nguyên (HOSE: TIC) cũng tăng trưởng lợi nhuận ở hàng 400%, tức tăng từ 940 triệu đồng lên 4.8 tỷ đồng. Song doanh thu của công ty lại giảm 17.6%, chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, nếu không có nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia trong quý 2 lên đến 11.9 tỷ đồng thì có lẽ công ty đã bị lỗ nặng.
Nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia đến từ lãi liên doanh Công trình TĐ H’Chan 5.8 tỷ đồng, từ Công trình TĐ H’Mun 6 tỷ đồng và Công trình TĐ IaDrang 3 & IaMeur 3 57 triệu đồng.
Ngược lại, lãi ròng 6 tháng đầu năm CTCP Dược phẩm Cửu Long (HOSE: DCL) tăng trưởng tốt 232% nhờ chủ yếu vào hoạt động kinh doanh chính trong quý 2. Cụ thể, quý này doanh thu thuần tăng 38%, giúp lãi ròng đột biến 14.8 tỷ đồng, đây là mức cao nhất mà công ty đạt được trong nhiều quý qua và nó chiếm đến 79% lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, một doanh nghiệp niên độ tài chính đặc biệt có kết quả kinh doanh tốt không thể không nhắc đến là CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG). Theo ước kết quả kinh doanh 9 tháng, HSG đạt doanh thu thuần 8,553 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 538 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, Tập đoàn đã đạt 78% kế hoạch doanh thu thuần và vượt 34.6% chỉ tiêu lợi nhuận.
Top 10 DN tăng trưởng lợi nhuận 6T/2013 và quý 2/2013 tính đến 20/07/2013
|
Nếu như các doanh nghiệp kể trên gây ấn tượng từ kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt thì CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (HOSE: LAF) lại thoát lỗ cực kỳ bất ngờ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2013, công ty báo lãi ròng 13.3 tỷ đồng, khi mà cùng kỳ năm trước lỗ lên đến 125 tỷ đồng.
Song nếu xét hoạt động kinh doanh chính, công ty không có sự đột phá nào khi doanh thu thuần quý 2 giảm 59% chỉ đạt 81 tỷ đồng, thấp hơn giá vốn khiến lỗ gộp hơn 7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chủ yếu đến từ thu nhập chuyển nhượng sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại Bến Lức, Long An lên đến 36.3 tỷ đồng.
Không đáng chú ý như LAF nhưng KSS, DHC, SVT,CMT, AMV, SJM cũng là những doanh nghiệp thoát lỗ trong 2 quý đầu năm so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp thoát lỗ 6T/2013 và quý 2/2013 tính đến ngày 20/07/2013
|
Lỗ triền miên
3 doanh nghiệp lỗ nặng nhất ra BCTC trước ngày 20/07/2013 đều thuộc ngành vận tải biển. Đó các doanh nghiệp VOS, VST và VNA.
Mặc dù doanh thu của cả 3 doanh nghiệp điều tăng trưởng rất khả quan trong 6 tháng đầu năm, VOS tăng 65% đạt 1,017 tỷ đồng, VST cũng tăng 63% lên 481 tỷ đồng và VNA không kém cạnh khi doanh thu đạt 328 tỷ đồng tăng 40%. Song gánh nặng chi phí giá vốn vẫn chưa được cởi bỏ khiến cho các doanh nghiệp này tiếp tục nằm trong tình trạng thu không đủ bù chi.
Đặc biệt là trong quý 2 này, cả VOS, VST, VNA đều bị sụt giảm doanh thu, nặng nhất là VNA với mức giảm 31%. Còn với VOS, nếu không nhờ lợi nhuận khác 38 tỷ đồng, công ty đã lỗ nặng cả 138 tỷ đồng chứ không phải chỉ 99 tỷ đồng. Cuối cùng VST, riêng khoản lỗ trong quý 2 đã chiếm 70% lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm.
CTCP Docimexco (HOSE: FDG) cũng cần lưu tâm đặc biệt khi chỉ riêng 6 tháng đầu năm đã bị lỗ ròng 54.3 tỷ đồng, vượt xa mức lỗ của cả năm 2012. Và bắt đầu từ quý 2 này, doanh thu đã không đủ bù đắp giá vốn khiến lợi nhuận gộp bị âm. Đồng thời, khoản mục tiền và tương đương tiền của công ty sụt giảm mạnh 43% xuống còn 37.8 tỷ đồng.
Top 5 DN dẫn đầu lỗ 6T/2013 và quý 2/2013 tính đến ngày 20/07/2013
|
Top 10 DN có lợi nhuận 6T/2013 và quý 2/2013 giảm mạnh tính đến 20/07/2013
|
*Không xét công ty chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm
Trần Việt
infonet
|