Thứ Năm, 04/07/2013 06:39

Bình ổn thị trường vàng - chặng đường còn dài sau hạn tất toán

Như vậy sau hơn 3 tháng đấu giá vàng, chiến dịch “bình ổn thị trường vàng” của NHNN đã chuyển sang giai đoạn mới, bởi theo thông báo từ NHNN, tất cả các TCTD đã tất toán thành công trạng thái vàng đúng hạn.

Với gần 36,8 tấn vàng được đấu thầu thành công, phần lớn trong đó được mua bởi các NHTM, NHNN đã đi được chặng đường khá dài đến mục tiêu chống “vàng hóa” nền kinh tế. Mục tiêu được đặt ra trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia không sản xuất vàng nhưng có nhu cầu vàng rất lớn, trung bình mỗi năm nhập khẩu khoảng 100 tấn - tương đương khoảng 4,4 tỉ USD. Với nhu cầu lớn như vậy, mỗi khi giá vàng thế giới biến động, giới đầu tư, đầu cơ vàng trong nước thu gom ngoại tệ gây biến động mạnh lên thị trường ngoại hối, tác động tiêu cực ổn định kinh tế vĩ mô.

Mặc dù tích cực hỗ trợ các TCTD tất toán trạng thái thông qua 37 phiên đấu giá công khai, tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây mới chỉ là thành công bước đầu. Việc tất toán trạng thái vàng sẽ giảm cầu vàng trên thị trường từ phía nhà bang, nhưng còn nhu cầu của người dân vẫn có.

Để khẳng định tuyên bố đảm bảo ổn định thị trường vàng, ngày 2.7, NHNN đã tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng thứ 38, khối lượng chào thầu 40.000 lượng- tương đương với 1,5 tấn vàng. Việc tổ chức phiên đấu thầu này có ý nghĩa rất lớn đối với NHNN trong điều tiết thị trường vàng thời gian tới. Sau hạn tất toán 30.6, nhu cầu thị trường vàng sẽ chủ yếu do cầu kinh doanh, sở hữu, tích trữ của người dân. Qua kết quả phiên đấu thầu, NHNN sẽ đo được dung lượng tiêu thụ và cầu thực tế của thị trường; từ đó có thể giúp chủ động trong nhập khẩu vàng nguyên liệu cũng như có biện pháp thích hợp đảm bảo dự trữ ngoại hối.

Bên cạnh việc tổ chức đấu thầu vàng miếng, NHNN phát đi thông điệp đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Đây là cơ sở cho việc kéo dần chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Thực tế sau phiên đấu thầu cuối cùng ngày 28.6, giá vàng có chuyển biến tích cực. Giá vàng bán ra cuối ngày 1.7 đã giảm gần 600 ngàn đồng/lượng, về mức 37,15 triệu đồng/lượng, còn giá vàng mua vào vẫn duy trì 36,8 triệu đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch mua vào - bán ra được rút ngắn, đồng nghĩa với việc giảm rủi ro cho người mua vàng.

Tuy nhiên, cũng theo nhận định của giới chuyên gia, với vai trò là người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng, NHNN sẽ đối mặt với những thách thức nhất định.

Thứ nhất, để ổn định thị trường NHNN sẽ phải theo dõi và triệt tiêu những hoạt động đầu cơ trục lợi gây tổn hại đến lợi ích chung. Mỗi năm có khoảng 50-100 tấn vàng được nhập khẩu, cho thấy lượng vàng lớn đang nằm trong dân. Có tính chất như ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối, không thể không lường tới việc có nhóm lợi ích sử dụng nguồn vàng khổng lồ này để đầu cơ lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách tiền tệ khác.

Thứ hai, tiếp tục duy trì cung vàng ra thị trường sau khoảng thời gian cấm nhập kéo dài, khả năng NHNN sẽ chịu lực cầu lớn của thị trường. Điều này tác động trực tiếp lên dự trữ ngoại hối quốc gia.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia tài chính ngân hàng, khả năng có tổ chức hay nhóm tổ chức nào lũng đoạn thị trường vàng là thấp, có thể nói là không có. Bởi lẽ, không tổ chức nào trên thị trường đủ tiềm lực đầu cơ chống lại NHNN nhằm thao túng thị trường, nhất là khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang khá dồi dào.

Cũng theo dự đoán của nhiều chuyên gia, nếu NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp như đã tuyên bố thì chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp. Điều này sẽ khó xảy ra trong thời gian trước mắt; bởi lẽ dù đủ tiềm lực và công cụ để chống lại hoạt động đầu cơ, nhưng NHNN cũng không muốn lãng phí dự trữ ngoại hối để đạt mục tiêu này. Do vậy, để làm nản lòng giới đầu cơ, NHNN chắc chắn giảm từ từ mức chênh lệch.

Thời gian bao lâu để mức chênh lệch là hợp lý, lãnh đạo NHNN sẽ phải cân nhắc kỹ, nhưng có lẽ chỉ còn tính theo đơn vị tháng. Như đã phân tích, NHNN đã đi một đoạn đường dài để tới mục tiêu “chống vàng hóa nền kinh tế”, nhưng đích hãy còn xa. Thị trường chờ bước đi tiếp theo của NHNN và hy vọng bất kỳ giải pháp nào được triển khai cũng cần xem xét toàn diện, nhất là phải tính tới lợi ích của người dân.

Bán thành công 40.000 lượng vàng SJC

Ngày 2.7.2013, NHNN đã tổ chức đấu thầu bán vàng miếng lần thứ 38, bán hết 100% lượng chào thầu, 40 ngàn lượng vàng miếng- tương đương 1,5 tấn vàng. Trong phiên đấu thầu này, đã có13 thành viên trúng thầu. Giá trúng thầu cao nhất là 37,07 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 36,72 triệu đồng/lượng. Sau khi có kết quả đấu giá vàng miếng NHNN, giá vàng ngoài thị trường được điều chỉnh tăng thêm 300 ngàn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào - bán ra, cụ thể giá vàng sau 14h ngày 2.7 tăng từ mức 36,55-37,25 triệu đồng/lượng lên 36,85-37,55 triệu đồng/lượng.


Thanh Sơn

Lao động

Các tin tức khác

>   Vàng đấu thầu kén khách (03/07/2013)

>   Vàng rớt 5 USD/oz trong một giây (03/07/2013)

>   Vàng SJC giảm mạnh trước phiên đấu thầu thứ 39 (03/07/2013)

>   Không vội bơm vàng giá rẻ (03/07/2013)

>   TS Đinh Thế Hiển: "Tiền chưa bỏ vàng chạy sang địa ốc" (03/07/2013)

>   Giá vàng vẫn bấp bênh (03/07/2013)

>   Giá vàng “đong” theo chính sách (02/07/2013)

>   Chiều 02/07, giá vàng SJC tăng mạnh trở lại (02/07/2013)

>   Sau tất toán, các đơn vị vẫn "vét sạch" 40.000 lượng (02/07/2013)

>   Phí giữ hộ vàng miếng: Mỗi ngân hàng một giá (02/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật