Thứ Hai, 29/07/2013 15:01

BIDV: Nguy cơ mất 2,7 tỷ đồng vì hợp đồng tín dụng sơ hở

Soạn thảo hợp đồng thế chấp đánh sai số hợp đồng tín dụng. Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm thì đánh sai hợp đồng thế chấp.

TAND TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (BID) và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Toàn Thắng. Kết quả, Tòa án yêu cầu bị đơn phải trả nợ cho BIDV, nhưng BIDV không có quyền xử lý tài sản thế chấp.

Diễn biến vụ việc

Tháng 6/2012, BIDV đệ đơn kiện Công ty Toàn Thắng, đề nghị Tòa án buộc công ty này phải thanh toán cho BIDV cả nợ gốc và lãi, trong trường hợp Công ty Toàn Thắng không trả nợ, BIDV được phép xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Hồ sơ vụ án cho thấy, tháng 7/2010, BIDV - Chi nhánh Hà Nội đã ký hợp đồng tín dụng với Công ty Toàn Thắng, theo đó, công ty này được vay thường xuyên theo hạn mức dư nợ tối đa là 1,8 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của gia đình ông Long, bà Mai ở Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tuy nhiên, đến hạn thanh toán, Công ty Toàn Thắng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, dư nợ bị chuyển thành quá hạn từ ngày 31/3/2011. Do Công ty không đủ tài sản để trả nợ, bên nhận thế chấp không chấp nhận phát mại tài sản nên BIDV đã khởi kiện, đề nghị Tòa án buộc Công ty Toàn Thắng phải thanh toán số tiền nợ gốc 1,747 tỷ đồng và nợ lãi, phạt chậm trả là 556,4 triệu đồng.

Bản án sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của BIDV, buộc Công ty Toàn Thắng phải trả nợ gốc và lãi là 2,3 tỷ đồng. Trong trường hợp Công ty Toàn Thắng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì BIDV được quyền phát mại nhà đất của ông Long, bà Mai để thu hồi nợ. Không chấp nhận bản án sơ thẩm, Công ty Toàn Thắng và ông Long, bà Mai cùng có đơn kháng cáo.

BIDV không có quyền xử lý tài sản thế chấp

Tại phiên phúc thẩm, Công ty Toàn Thắng đã xác nhận có vay tiền BIDV, số nợ gốc và lãi hiện nay là 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, các bên kháng cáo không đồng ý đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về vấn đề xử lý tài sản bảo đảm.

Cụ thể, năm 2006, BIDV và Công ty Toàn Thắng ký hợp đồng hạn mức tín dụng có thời hạn 1 năm, theo đó, Công ty Toàn Thắng sẽ được giải ngân nhiều lần với số tiền vay không hạn chế, miễn là đảm bảo dư nợ không quá 1,4 tỷ đồng. Hợp đồng hạn mức có tính chất gối đầu, tức là năm sau, Công ty Toàn Thắng tiếp tục được cấp hạn mức và cho vay, nhưng phải đảm bảo không có nợ quá hạn, tức phải tất toán hợp đồng năm trước. Sau đó, từ năm 2006 đến năm 2010, mỗi năm các bên đều ký một hợp đồng tín dụng. Các hợp đồng trong giai đoạn 2006 - 2009, Công ty Toàn Thắng đều trả nợ đúng hạn, nhưng đến hợp đồng năm 2010 thì phát sinh nợ quá hạn.

Để bảo đảm cho giao dịch này, ông Long, bà Mai đã đứng thế chấp tài sản của mình được các bên thống nhất định giá khoảng 900 triệu đồng để bảo đảm một phần cho khoản vay theo Hợp đồng tín dụng năm 2006. Đến năm 2008, các bên ký phụ lục hợp đồng thế chấp mở rộng phạm vi bảo đảm: thay vì bảo đảm một khoản vay thì được sửa thành bảo đảm các khoản vay cho Công ty Toàn Thắng, giá trị bảo đảm của nhà đất cũng được nâng lên.

Dựa trên cơ sở phụ lục Hợp đồng thế chấp năm 2008 này, phía BIDV đã không xem xét cụ thể về tình hình tài chính của Công ty Toàn Thắng trong các năm 2009, 2010 mà vẫn quyết định cho vay khi Công ty Toàn Thắng đang trong tình trạng khó khăn về tài chính dẫn đến việc không trả được nợ và tranh chấp diễn ra.

Bản án phúc thẩm đã quyết định Công ty Toàn Thắng phải trả BIDV 2,7 tỷ đồng, tuy nhiên bác yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm của nguyên đơn.

... vì hợp đồng tín dụng sơ hở

Luật sư Đinh Nhung, Trưởng văn phòng Luật sư Bảo Lâm, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, bảo vệ cho bị đơn cho biết, sở dĩ Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm của BIDV bởi:

Thứ nhất, Hợp đồng thế chấp năm 2006 chỉ đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho hợp đồng tín dụng năm 2006, đến nay hợp đồng tín dụng năm 2006 đã tất toán, tức là đã hết hiệu lực, do đó hợp đồng thế chấp cũng hết hiệu lực theo. Khi hợp đồng chính đã hết hiệu lực thì phụ lục hợp đồng năm 2008 vô hiệu.

Thứ hai, Hợp đồng thế chấp tài sản của ông Long, bà Mai năm 2006 được ký trước mặt công chứng viên vào tháng 8/2006, nhưng tháng 7, BIDV đã tiến hành đăng ký giao dịch bảo đảm, tức là trước khi giao dịch tồn tại trên thực tế, hoàn toàn sai về quy trình đăng ký giao dịch bảo đảm.

Thứ ba, tại phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản năm 2006 đã có sự thay đổi về nội dung của giao dịch bảo đảm khi bảo đảm một phần của khoản vay năm 2006 của Công ty Toàn Thắng thành bảo đảm các khoản sau này của Công ty Toàn Thắng. Đồng thời, sau khi ký phụ lục hợp đồng này thì phía BIDV đã đổi tên từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Nội thành Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Theo quy định tại Thông tư 05/2005 về đăng ký giao dịch bảo đảm thì cả hai trường hợp này đều phải tiến hành đăng ký lại để cơ quan có thẩm quyền xác nhận về nội dung giao dịch, nếu không sẽ không có hiệu lực pháp luật.

Mặc dù luật sư bảo vệ cho nguyên đơn (BIDV) cho rằng, do tính chất của hợp đồng hạn mức là nối tiếp các năm nên hiệu lực của hợp đồng tín dụng năm 2006 vẫn chưa kết thúc và được chuyển sang các năm tiếp theo nên hiệu lực của hợp đồng thế chấp vẫn còn, nhưng quan điểm này đã không được Tòa án chấp nhận, do chính phía BIDV thừa nhận tại phiên xét xử là các hợp đồng tín dụng trước năm 2010 đều đã tất toán.

Một điểm cũng rất đáng lưu ý trong việc cho vay của BIDV là sự không cẩn thận trong việc soạn thảo hồ sơ giấy tờ. Đó là soạn thảo hợp đồng thế chấp thì đánh sai số hợp đồng tín dụng. Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm thì đánh sai hợp đồng thế chấp. Mặc dù sau đó đã có sự sửa chữa của công chứng viên và cán bộ Ngân hàng, nhưng sự sửa chữa này vẫn không chính xác.

Phiên xét xử đã kết thúc với thắng lợi thuộc về bên thế chấp tài sản cho thấy, nếu ngân hàng cho vay không đúng quy trình, việc soạn thảo hồ sơ giấy tờ không chính xác, không tuân thủ các quy định của pháp luật khi đăng ký giao dịch bảo đảm, sẽ đem lại nhiều hậu quả pháp lý bất lợi, khó có thể khắc phục.

Hoàng Duy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   TS. Cao Sỹ Kiêm: Đừng lệ thuộc hai chữ... ưu tiên (29/07/2013)

>   Lo công ty xử lý nợ xấu “thất nghiệp” (29/07/2013)

>   Tung đồng xu lãi suất (29/07/2013)

>   VAMC không ép ngân hàng bán nợ (29/07/2013)

>   Tạm khất nợ xấu, rồi sao? (29/07/2013)

>   Nhiều nghi vấn trong vụ cướp sim trộm tiền ngân hàng online (29/07/2013)

>   Tham ô 39 tỷ đồng, 4 cán bộ Ngân hàng Agribank lĩnh 60 năm tù (27/07/2013)

>   Nhà buôn vàng kích thích mua bán (27/07/2013)

>   Vốn rẻ - dễ vay, tín dụng vẫn khó (27/07/2013)

>   Các ngân hàng được cơ cấu đều hoạt động ổn định (26/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật