Thứ Hai, 29/07/2013 13:47

TS. Cao Sỹ Kiêm: Đừng lệ thuộc hai chữ... ưu tiên

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, thời gian tới các NHTM vẫn phải tiếp tục đẩy tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ và NHNN yêu cầu. Song, với đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, không ít DN đang rất khó khăn, tiêu thụ hàng hóa chậm. Vì thế, “ưu tiên” nhưng không có nghĩa là các ngân hàng phải cho vay bằng mọi giá, mà phải quan tâm tới chất lượng tín dụng.

Tín dụng chuyển dòng là hợp lý

Vài năm gần đây, Chính phủ và NHNN đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ cao. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đưa ra chính sách “ưu đãi” để khuyến khích các NHTM đạt từ 40% vốn tín dụng cho “tam nông”. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, các NHTM đã dịch chuyển vốn tín dụng vào các lĩnh vực trên.

Cho vay “tam nông” còn chứa đựng những rủi ro bất khả kháng

Thời gian qua, một yếu tố góp phần cho sự chuyển dòng tín dụng này là lực hút vốn vay tín dụng để “đổ” vào chứng khoán, bất động sản (BĐS) không còn hấp lực như trước, thậm chí còn gây ra tỷ lệ rủi ro cao cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tất cả các NHTM lớn và nhỏ đều liên tục đưa ra những gói tín dụng hấp dẫn cho những đối tượng khách hàng nằm trong lĩnh vực ưu tiên.

Ví như, Vietcombank triển khai chương trình cho vay “khủng” quy mô 20.000 tỷ đồng dành cho DNNVV với lãi suất ưu đãi từ 8,5%/năm. Chia sẻ khó khăn với khách hàng là các DNNVV, WesternBank triển khai chương trình cho vay lãi suất ưu đãi trọn gói với nhiều tiện ích vượt trội đến hết ngày 30/9/2013. Trong khi đó, VPBank tiếp tục triển khai “Chương trình cho vay ưu đãi dành cho khách hàng DNNVV” đến hết tháng 9/2013 trên toàn hệ thống với tổng hạn mức 2.000 tỷ đồng.

Còn mới đây, MB cũng đưa ra chương trình “MB chung sức cùng DNNVV” lần thứ ba trong năm 2013 với mức lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm, thấp nhất chỉ còn 7,7%/năm. Chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, thông qua chương trình này, MB đã hỗ trợ gần 5.500 tỷ đồng vốn với lãi suất ưu đãi cho hơn 1.000 DNNVV.

Theo báo cáo từ NHNN, riêng 4 tháng đầu năm 2013, tín dụng cả nền kinh tế chỉ tăng hơn 2%, nhưng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng xấp xỉ 5%.

Với lượng vốn “đổ” ra như vậy, lợi ích mang lại cho các tổ chức, DN, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực ưu tiên không nhỏ. Theo ông Nguyễn Văn Châu – Giám đốc Công ty TNHH Thủy Đạt, chuyên sản xuất lương thực, thực phẩm xuất khẩu, công ty đang được vay với lãi suất 10 – 11%/năm với hạn mức tín dụng dạng ưu tiên lên đến vài chục tỷ đồng.

Còn ông Lê Văn Đào – chủ trang trại thôn Đại Mỹ, xã Liên Hà, Đông Anh (Hà Nội) cho biết, so với vài năm trước thì nguồn vốn giá rẻ của ngân hàng đã đến được tới người sản xuất, chăn nuôi trong lĩnh vực “tam nông” ngày càng nhiều hơn. Hiện nay, trang trại của ông Đào đang vay Agribank 3,5 tỷ đồng với mức lãi suất 9%/năm.

Ưu tiên: không có nghĩa phải cho vay bằng mọi giá

Việc các NHTM đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên là đúng đắn, nhưng có một số ý kiến cho rằng, nếu ngân hàng nào cũng vì đối tượng xin vay thuộc danh sách lĩnh vực “ưu tiên” để cấp tín dụng thì rủi ro tín dụng sẽ tăng.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, thời gian tới các NHTM vẫn phải tiếp tục đẩy tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ và NHNN yêu cầu. Song, với đối tượng DNNVV hiện nay, không ít DN đang rất khó khăn, tiêu thụ hàng hóa chậm. Vì thế, “ưu tiên” nhưng không có nghĩa là các ngân hàng phải cho vay bằng mọi giá, mà phải quan tâm tới chất lượng tín dụng.

Theo cán bộ làm công tác thẩm định của MB, mặc dù định hướng chung là như vậy, nhưng chỉ đạo trong toàn hệ thống MB nhấn mạnh: ưu tiên không đồng nghĩa với việc hạ chuẩn tín dụng, mà chỉ cho vay với các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả. “Khi DN thuộc đối tượng ưu tiên về nguồn vốn theo chỉ đạo của Chính phủ xin vay, ngân hàng vẫn tiến hành thẩm định kỹ lưỡng như đối với các khách hàng khác, thậm chí mức cho vay theo giá trị tài sản đảm bảo được đưa xuống rất thấp. Nếu trước đây, ngân hàng cho vay tới 70% giá trị tài sản đảm bảo thì nay chỉ còn 40 – 50%” – ông Nguyễn Văn Châu chia sẻ.

Phó Tổng giám đốc một NHTM lớn tại Hà Nội cho biết, hầu hết các NHTM bám sát định hướng cho vay theo chỉ đạo của NHNN để đẩy tín dụng ra nền kinh tế, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, ưu tiên ở đây nghĩa là sự quan tâm, lưu tâm bơm tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các lĩnh vực đó để phục vụ sản xuất của DN và người dân, chứ không phải hạ thấp hoặc châm chước cho những yêu cầu tiêu chí về tài sản thế chấp, hiệu quả của phương án xin vay… tóm lại là vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng.

Từng nhiều năm công tác trong ngành Ngân hàng, TS. Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng việc định hướng chính sách tín dụng vào những lĩnh vực cần quan tâm, đầu tư là để tạo ra hiệu ứng tích cực nhất cho nền kinh tế trong điều kiện nền kinh tế hiện nay là cần thiết. Và không riêng gì Việt Nam mà hầu như nước nào cũng có chính sách cho các đối tượng ưu tiên phát triển kinh tế theo định hướng của Chính phủ.

Tuy nhiên ông Vũ Viết Ngoạn cũng lưu ý các ngân hàng: Thực hiện chủ trương chính sách chung của Chính phủ là như vậy, nhưng trong quản trị rủi ro, các NHTM phải có biện pháp kỹ thuật, thẩm định cho vay với DN lớn có thể khác với DNNVV. Vì vậy, bản thân NHTM phải đề ra phương thức quản trị rủi ro, tiêu chí tài chính trong thẩm định dự án sao cho hiệu quả nhất.

Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành đầu năm nay cũng có chủ trương là tăng cường, thúc đẩy thêm bảo lãnh đối với DNNVV. Đó là việc hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước. Còn trong quản trị rủi ro, các TCTD phải tự xây dựng cho mình với quy trình, phương thức thích hợp nhất cho từng đối tượng vay vốn.

“Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể hỗ trợ thêm cho các đối tượng ưu tiên bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ của NHNN. Còn bản thân NHTM là người cho vay thì phải có thẩm định, đảm bảo rủi ro, an toàn trong phạm vi cần thiết, tối thiểu” – TS. Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong những lĩnh vực ưu tiên, cho vay “tam nông” còn chứa đựng những rủi ro bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, rủi ro có tính khách quan đưa lại cho các ngân hàng là không nhỏ, trong khi lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên thường thấp, đòi hỏi các ngân hàng phải cân đối nguồn vốn, thậm chí khả năng bù lỗ được từ các mảng kinh doanh khác.

Chưa kể, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn tái diễn ở nhiều sản phẩm, hàng hóa cũng làm ảnh hưởng đến khả năng vay, trả của khách hàng, khiến ngân hàng gặp không ít rủi ro và khó khăn trong cho vay và thu hồi nợ.

Chuyên gia ngân hàng Lê Quang Trung:

“Không “nới” chuẩn tín dụng”

Nhìn lại lịch sử những năm trước đây, tín dụng tăng trưởng ồ ạt và nợ xấu trở thành điểm nóng của hệ thống ngân hàng và “cục máu đông” của nền kinh tế hiện nay. Các ngân hàng đã và đang phải dành nhiều thời gian xem xét lại quy trình quản lý rủi ro của mình.

Khi nợ xấu tăng mạnh, chắc chắn NHTM sẽ thận trọng hơn khi cấp tín dụng. Bởi nợ xấu cao đồng nghĩa khả năng mất vốn lớn. Nên cho đến thời điểm này nhiều ngân hàng vẫn luôn đau đáu về quản trị rủi ro. Nhưng ngân hàng cũng không thể cứ “co cụm” lại như năm 2012 và đầu năm 2013 - khi họ quá lo lắng về nợ xấu có xu hướng tăng, nên đã quá thận trọng khi cấp tín dụng. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm thời gian qua.

Chính vì vậy, việc NHNN yêu cầu các NHTM tập trung vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên sẽ là lực đẩy đối với các ngân hàng trong hoạt động tín dụng. Bản thân các ngân hàng cũng muốn đẩy mạnh cấp tín dụng cho các đối tượng trên, nhưng, tùy vào khả năng tài chính, và mỗi ngân hàng chọn những phân khúc khách hàng chuyên biệt để làm thế mạnh khác nhau, nên cơ cấu tín dụng sẽ được phân bổ khác nhau. Quan trọng nhất, tùy khẩu vị rủi ro, mỗi ngân hàng sẽ đưa ra các tiêu chí để đảm bảo các khoản cho vay an toàn, hiệu quả, hạn chế nợ xấu.

Ví dụ, cùng là một đối tượng khách hàng nằm trong lĩnh vực ưu tiên, nhưng mỗi ngân hàng lại có chính sách ưu tiên khác nhau sao cho hiệu quả nhất như cho vay theo món, theo hạn mức, giải ngân theo tốc độ luân chuyển hàng hóa… Tuy nhiên, các tiêu chuẩn tín dụng đối với những khách hàng trong lĩnh vực ưu tiên vẫn được giữ nguyên.

Tổng giám đốc OCB, Nguyễn Đình Tùng:

“Lĩnh vực nào cũng cần khách hàng tốt”

Thay vì đầu tư tràn lan, chúng tôi đã tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Ngoài ưu tiên về nguồn vốn, hầu hết các ngân hàng còn có chính sách ưu đãi về lãi suất và ưu tiên hạn mức tín dụng trong tổng danh mục tín dụng.

Ví dụ, nếu định mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng là 1.000 tỷ đồng thì số tiền này sẽ được dành cho hầu hết các lĩnh vực ưu tiên và thu hẹp các lĩnh vực khác lại. Còn điều kiện lựa chọn khách hàng cho vay vẫn phải dựa trên những nguyên tắc xét cấp tín dụng chung để phòng ngừa rủi ro. Tức là ngân hàng không giảm điều kiện cho vay, tiêu chuẩn tín dụng trong đánh giá tính hiệu quả các khoản xin vay.

Cũng có ý kiến cho rằng với các đối tượng khách hàng trên, ngân hàng sẽ ưu tiên xét duyệt các khoản vay cho các đối tượng này trước. Nhận xét này trước đây có thể đúng, nhưng giờ không còn chính xác nữa. Vì thời điểm này không có chuyện khách hàng tốt mang hồ sơ đến ngân hàng và chờ đợi xét duyệt. Mà hiện giờ ngân hàng phải đến “năn nỉ” họ mới chịu làm hồ sơ để vay vốn. Và việc định hướng các lĩnh vực ưu tiên giúp ngân hàng thay vì ngày hôm nay đi ra gặp hết tất cả các khách hàng thì nay chỉ gặp gỡ những khách hàng chủ chốt để lôi kéo họ về với mình.

Phó tổng giám đốc MaritimeBank, Trần Xuân Quảng:

“Chỉ có thể ưu tiên về lãi suất”

Chủ trương của Thống đốc tại Chỉ thị 03 là tiếp tục nghiên cứu các giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên… để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mức 12% là định hướng “nắn” các luồng vốn đến đúng địa chỉ trong những tháng còn lại của năm. Đó là những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế cần được hỗ trợ. Đây cũng là trách nhiệm đặt ra đối với hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên dù là lĩnh vực ưu tiên, nhưng theo tôi, không thể “ưu tiên” về nguyên tắc tín dụng, mà vẫn phải áp dụng như tất cả các đối tượng khác. Ngân hàng chỉ có thể ưu tiên về giá hay nói cách khác là lãi suất cho vay thấp. Ngoài ra, có thể trong kế hoạch tăng trưởng tín dụng thì sẽ ưu tiên hơn cho các đối tượng khách hàng trên.

Dẫu vậy các ngân hàng luôn phải đề cao quản trị rủi ro. Tùy đối tượng khách hàng, lĩnh vực, tỷ trọng vốn đổ vào mỗi ngành, ngân hàng đưa ra chuẩn khẩu vị rủi ro, nguyên tắc tín dụng để đưa hạn mức tín dụng phù hợp đảm bảo khoản vay được an toàn, hiệu quả.


Quang Cảnh

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Lo công ty xử lý nợ xấu “thất nghiệp” (29/07/2013)

>   Tung đồng xu lãi suất (29/07/2013)

>   VAMC không ép ngân hàng bán nợ (29/07/2013)

>   Tạm khất nợ xấu, rồi sao? (29/07/2013)

>   Nhiều nghi vấn trong vụ cướp sim trộm tiền ngân hàng online (29/07/2013)

>   Tham ô 39 tỷ đồng, 4 cán bộ Ngân hàng Agribank lĩnh 60 năm tù (27/07/2013)

>   Nhà buôn vàng kích thích mua bán (27/07/2013)

>   Vốn rẻ - dễ vay, tín dụng vẫn khó (27/07/2013)

>   Các ngân hàng được cơ cấu đều hoạt động ổn định (26/07/2013)

>   NHNN: Khai trương hoạt động VAMC (26/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật