Xuất khẩu thủy sản: Bao giờ hết cơn “bĩ cực”?
Nhìn tổng thể thủy sản xuất khẩu từ nay đến cuối năm cũng chỉ ở mức giảm bớt khó khăn, chứ chưa thật sự khả quan như những năm trước.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, 5 tháng đầu năm 2013, tình hình xuất khẩu thủy sản cả nước tăng giảm không ổn định. Nguyên nhân chính là do nguồn cung nguyên liệu không ổn định.
Nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường chính sụt giảm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Các rào cản kỹ thuật và thuế quan tại thị trường nhập khẩu chủ lực như thuế chống bán phá giá cá tra, thuế chống trợ cấp tôm tại Hoa Kỳ, kiểm tra chất Ethoxyquin tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng khiến các DN gặp khó khăn.
Trong nước thì nhiều DN ngành thủy sản phải ngừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do đơn đặt hàng thấp, thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng nguồn nguyên liệu không đảm bảo.
Cụ thể trong từng nhóm hàng của ngành thủy sản đều gặp khó, như DN nuôi và chế biến cá tra khó khăn về nguồn vốn, nguồn nguyên liệu không ổn định, nhu cầu thị trường giảm và áp lực rào cản thuế quan; Tôm xuất khẩu phải chịu áp lực của rào cản thuế và kiểm tra chất Ethoxyquin của Nhật Bản và Hàn Quốc; Cá ngừ vốn rất khả quan từ năm 2012 với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 50%/ tháng, nhưng từ đầu năm 2013 đến nay, tổng xuất khẩu cá ngừ chỉ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, trong 5 tháng qua Việt Nam đã xuất khẩu sang 149 thị trường trên thế giới. Trong 10 thị trường nhập khẩu lớn nhất (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, ASEAN, Brazil. Mexico và Nga) chiếm trên 84% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ còn 3 thị trường (Brazil, Trung Quốc và ASEAN) duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan trong 5 tháng. Các thị trường khác đều sụt giảm xuất khẩu, nhất là thị trường Nga, giảm đến 53%, tiếp đến là Hàn Quốc giảm gần 21%, EU giảm 10% và Nhật Bản giảm 3%.
Tuy nhiên, cũng có tín hiệu tốt từ những thị trường mới của thủy sản Việt Nam như Colombia, là một nền kinh tế mới nổi ở châu Mỹ La tinh. Colombia hiện đang ưa chuộng mặt hàng cá tra của Việt Nam. Đặc biệt, là mặt hàng phi lê cá tra đông lạnh, hiện Việt Nam đang dẫn đầu xuất khẩu sang Colombia.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch VASEP, từ giữa tháng 5/2013, nhu cầu thủy sản trên thị trường thế giới bắt đầu tăng trở lại và nguồn nguyên liệu trong nước (tôm, cá tra, cá ngừ) cũng đang hồi phục. Từ đầu tháng 5 đến 12/6/2013 xuất khẩu thủy sản bắt đầu có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, mặc dù mức tăng trưởng còn thấp từ 2% - 5%. Dự báo phục hồi khả quan trong những tháng cuối năm ở một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu.
Cụ thể như tôm đang tăng trở lại ở những thị trường chính là Nhật Bản, sau một năm sụt giảm hiện đang tăng ở mức 3,6%. Thị trường Trung Quốc cũng có sự tăng trưởng tốt với 19,1% và trở thành thị trường đầu ra quan trọng cho tôm Việt Nam trong khi nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay EU gặp khó khăn.
Mặt hàng hải sản (cá ngừ, mực, bạch tuộc, cá biển khác, nhuyễn thể…) dự báo tổng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 1,2% so cùng kỳ năm 2012. Riêng cá tra vẫn đối mặt với khó khăn do sản lượng cá tra nguyên liệu quý II/2013 giảm nhẹ.
Thị trường EU chưa có khả năng phục hồi và xuất khẩu cá tra sang thị trường này khó có thể tăng trưởng trong thời gian tới vì tình hình nợ công tại EU vẫn chưa được khắc phục hiệu quả, tài chính tiêu dùng chưa có những chuyển biến tích cực. Riêng thị trường Hoa Kỳ, dự báo quý II/2013 sẽ phục hồi so với quý I, nhưng cũng chỉ ở mức tương đương cùng kỳ năm 2012.
Như vậy, nhìn tổng thể thủy sản xuất khẩu từ nay đến cuối năm cũng chỉ ở mức giảm bớt khó khăn, chứ chưa thật sự khả quan như những năm trước.
Thanh Trà
thời báo ngân hàng
|