Thứ Hai, 24/06/2013 14:22

Nông nghiệp “chạm đáy” khủng hoảng

Hiện nay, hàng loạt các mặt hàng nông sản như gạo, cao su, cà phê, điều, sản phẩm chăn nuôi… đều xuống giá trầm trọng so với một số năm gần đây. Đây chính là báo động cho chu kỳ khủng hoảng của ngành nông nghiệp.

Nông sản đồng loạt xuống giá

Tại cuộc họp về tình hình sản xuất và xuất khẩu lúa gạo những tháng đầu năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, Trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta xuất khẩu ước đạt hơn 2,7 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân giảm 22,81 USD/tấn so với cùng kỳ. Giải thích về nguyên nhân giảm giá lúa gạo trong thời gian qua, VFA nhận định, giá lúa gạo xuất khẩu hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2008 đến nay và thời gian tới chưa có dấu hiệu sẽ tăng trở lại bởi lúa vụ hè thu đang trong thời điểm thu hoạch nên tiếp tục dư thừa lớn lúa gạo, trong khi đó nông dân buộc phải bán giá rẻ do không có kho chứa, doanh nghiệp cũng buộc phải xuất khẩu để giải phóng kho. Thị trường xuất khẩu vào các nước liên tục gặp nhiều khó khăn.

Không riêng gì lúa gạo, giá cao su thiên nhiên xuất khẩu trong thời gian qua cũng liên tục giảm, làm giảm trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su chỉ đạt khoảng 760 triệu USD, giảm khoảng 300 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu cao su liên tiếp giảm từ tháng 2 đến nay, bình quân giá cao su xuất khẩu là 2.722 USD/tấn thậm chí, có thời điểm giá còn khoảng 2.367 USD/tấn trong tháng 5.

Chịu tác động nặng nề nhất của khủng hoảng có thể kể đến ngành chăn nuôi. Hiện hàng ngàn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cả nước đang gặp khó khăn bởi giá cả xuống sâu và không tìm được đầu ra. Cụ thể, đầu năm 2012, giá lợn hơi khoảng 70.000 đồng/kg, nhưng hiện nay giá chỉ còn 32.000 - 35.000 đồng/kg; giá thịt gà công nghiệp từ mức 30.000 đồng/kg trong năm 2012, đến nay chỉ ở mức 22.000 đồng/kg. Do giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp nên nông dân chăn nuôi càng ngày càng lỗ nặng.

Sản phẩm chăn nuôi xuống giá trầm trọng

Giải pháp chậm phát huy hiệu quả

Nhìn nhận về tình hình giá cả nông sản hiện nay ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định: "Nông sản đang đi vào chu kỳ đáy. Hy vọng sản phẩm nông sản sẽ tăng trưởng trong cuối năm”. Thực tế cho thấy, nông sản Việt Nam có sản lượng thuộc hàng cao nhất trên thế giới, sản phẩm nông sản trong nước được đánh giá có tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu bởi ngành nông nghiệp có ưu thế về điều kiện môi trường và khí hậu ưu đãi, chi phí sản xuất thấp.

Trước khó khăn của lĩnh vực nông nghiệp cơ quan chức năng đã đưa ra hàng loạt giải pháp để gỡ khó thị trường này như: hạn chế xuất khẩu thô, cải thiện sản lượng và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm... Về giải pháp cho ngành chăn nuôi theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), để ngành chăn nuôi phát triển ổn định cần đầu tư phát triển chuỗi sản xuất sạch, liên kết giữa cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, hộ chăn nuôi và đơn vị phân phối để đảm bảo đầu ra và tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Đối với công nghiệp cao su, ngành này đang nỗ lực tăng sản lượng, nâng cấp công nghệ chế biến, khai thác khả năng sản xuất phục vụ nhu cầu cao cấp, nâng cao giá trị thương hiệu cao su Việt Nam. Riêng mặt hàng gạo – mặt hàng chủ lực của nông sản, Chính phủ đã có những chính sách thu mua tạm trữ nhằm đẩy giá lúa gạo trong nước lên cao, qua đó tác động làm tăng giá xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA việc mua lúa gạo tạm trữ trong những năm qua chỉ là giải pháp thị trường tạm thời và chưa thấy giải quyết được những vấn đề căn cơ trong ngành lúa gạo. Đã đến lúc ngành lúa gạo cần giải pháp tổng thể, toàn diện để phát triển ổn định lâu dài như: định hướng sản xuất cho nông dân, cơ cấu lại giống cho phù hợp với thị trường để tăng hiệu quả xuất khẩu.

Mặc dù các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã xây dựng chiến lược phát triển riêng nhưng dường như các định hướng phát triển vẫn chậm phát huy tính hiệu quả, vì vậy, hầu hết các mặt hàng nông sản Việt Nam phải ngậm ngùi bán giá thấp và chấp nhận điệp khúc "được mùa mất giá”.

Thanh Giang

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Tập đoàn VinaMegastar: Từ đỉnh cao đến bờ vực thẳm (24/06/2013)

>   Xuất khẩu tôm gánh nặng thuế trùng thuế (24/06/2013)

>   Doanh nghiệp TPHCM: Mở tăng, đóng giảm (24/06/2013)

>   Bất động sản được khơi thông, ximăng tiêu thụ tăng (24/06/2013)

>   FamilyMart đổi chủ (24/06/2013)

>   Thượng viện Mỹ vẫn muốn thanh tra cá da trơn (24/06/2013)

>   Doanh nghiệp thờ ơ với luật lao động: Những bài học tốn kém (24/06/2013)

>   Tiến sĩ Alan Phan: Tư duy đa quốc gia để vượt khủng hoảng (24/06/2013)

>   VN cam kết sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ từ ADB (23/06/2013)

>   Thừa cảng biển nhỏ, dốc tiền xây cảng to (23/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật