Vì sao chứng khoán Trung Quốc lao dốc?
Một khả năng có thể đến với thị trường chứng khoán Trung quốc là thị trường này lặp lại hình ảnh suy giảm miệt mài trong suốt 4 năm trong giai đoạn những năm 2003-2006. Nếu trường hợp này xảy ra, có thể nói nền kinh tế Trung Quốc đã đặt một chân vào hố khủng hoảng kinh tế.
* Trung Quốc có thể can thiệp thị trường tiền tệ
* Cơn khát tiền mặt Trung Quốc bắt nguồn từ tín dụng đen
Trung Quốc đang đứng trước một cuộc khủng hoảng tín dụng khổng lồ?
|
Cái gì quá nhanh đều không bền vững
Những ngày gần đây, thị trường chứng khoán Trung Quốc khá đồng pha với mặt bằng giá cổ phiếu Việt Nam. Cả hai cùng sụt giảm với gia tốc không nhỏ. Thậm chí, sau khi chỉ số chứng khoán Thượng Hải có một phiên giao dịch mất đến hơn 5%, thị trường chứng khoán Việt cũng rơi vào tình trạng gần tương tự - một dấu hỏi mà nhà đầu tư phải đặt ra kể từ cú mất mát quá lớn vào thời điểm tháng 8/2012 khi ông bầu Kiên bị bắt.
Dĩ nhiên, mọi chuyện đều có nguồn cơn của nó.
Nhiều chuyên gia quốc tế đã đặt câu hỏi “Trung Quốc đang đứng trước một cuộc khủng hoảng tín dụng khổng lồ?” từ đầu năm 2013.
Vào tháng 5/2013, hai chuyên gia kinh tế Edward Chancellor và Mike Monnelly của tập đoàn quản lý đầu tư GMO đã cảnh báo về sự mong manh của hệ thống tài chính của Trung Quốc. Theo họ, nhìn bên ngoài, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc có mức nợ xấu không đáng kể, thanh khoản khá tốt và tỷ lệ đòn bẩy thấp. Tuy nhiên, người ta sẽ có một cái nhìn hoàn toàn khác nếu quan sát kỹ hơn.
Hiển nhiên, Trung Quốc đã tạo ra quá nhiều tín dụng trong thời gian quá ngắn. Mà tất cả những gì quá nhanh đều không bền vững.
Lần bùng nổ tín dụng gần nhất diễn ra vào năm 2009, khi Trung Quốc bỏ ra 4,000 tỷ nhân dân tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm.
Nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành “con nghiện tín dụng”, ngày càng cần nhiều nợ hơn để có thể tạo ra tăng trưởng. Trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP ở mức trên 190%, tăng hơn 60 điểm cơ bản. Năm 2012, tín dụng mới của khu vực phi tài chính có tổng giá trị là 15,500 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 33% GDP năm 2011.
Nhưng khi chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng, hệ thống tín dụng đen của Trung Quốc lại bùng nổ mạnh mẽ, nhất là ở các sản phẩm quản lý tài sản. Trong quý IV/2012, hoạt động cho vay phi ngân hàng chiếm tới 60% tổng số tín dụng mới được cấp.
Trước đó, cuộc khủng hoảng tín dụng ở Ôn Châu và một số thành phố lớn của Trung Quốc vào cuối năm 2011 nổ ra với nguyên nhân chính là hệ thống bảo lãnh sụp đổ và khi đó các công ty bảo lãnh phải nhận cứu trợ từ chính phủ.
Một nghiên cứu mới đây của chuyên gia phương Tây cũng chỉ ra rằng các cuộc bùng nổ tín dụng có xu hướng chấm dứt trong tình trạng bong bóng vỡ tung khi đi kèm với bong bóng nhà đất.
Nợ bất động sản và thanh khoản ngân hàng
Tương tự Việt Nam, ở Trung Quốc có rất nhiều khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản. Theo thống kê chính thức, tài sản đảm bảo là bất động sản chiếm tới 22%. Tuy nhiên, con số này còn chưa tính đến các khoản nợ thông qua kênh tài trợ của các chính quyền địa phương (LGFVs) và các công cụ tín dụng không nằm trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.
Đương nhiên, giá bất động sản đột ngột sụt giảm đã đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng vọt. Đã chưa hề có một con số minh bạch nào về nợ xấu ở Trung Quốc, tất cả những gì mà thế giới biết về nợ xấu của đất nước hay giấu diếm này là qua những tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, Credit Suisse và Fitch Ratings.
Trung Quốc đã phải in thêm nhân dân tệ để có thể kiểm soát giá trị của đồng nội tệ. Hệ quả tất yếu là hoạt động cho vay bùng nổ do có thặng dư thương mại và luồng vốn ồ ạt đổ vào trong suốt thập kỷ vừa qua.
Nhóm những người giàu nhất Trung Quốc lại kiểm soát tới 2/3 lượng dự trữ ngoại hối của nước này trong khi ngày càng có nhiều lý do khiến họ chuyển tiền ra nước ngoài. Nếu bộ phận này quyết định chuyển phần lớn tài sản của họ ra khỏi Trung Quốc, chắc chắn hệ thống ngân hàng sẽ bị cạn tiền và lung lay.
Do các chính quyền địa phương không thể vay mượn trực tiếp từ các ngân hàng, họ phải tạo ra các công cụ tài trợ của chính quyền địa phương (LGFVs). Các công cụ này chiếm khoảng 15-25% số nợ xấu và thường có tài sản đảm bảo là bất động sản - thường được định giá cao hơn giá thị trường.
Rủi ro đạo đức cũng đang bị xem là vấn đề rất lớn của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Nguyên nhân là do nhà nước không chỉ quản lý các ngân hàng lớn nhất mà còn quản lý cả các doanh nghiệp nhà nước (vốn là bộ phận vay nợ nhiều). Cơ cấu tổ chức như trên gây nên nhiều gian lận và tạo điều kiện để các khoản nợ dễ dàng được che giấu.
Vì thế, khả năng rút vốn và cạn kiệt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng là có thể xảy ra chỉ trong vài ba năm tới. Dù nhiều chính sách ngăn chặn đã được Chính phủ Trung quốc tung ra, nhưng xem ra tốc độ cải cách vẫn quá chậm so với thực tồn kinh tế và những mâu thuẫn xã hội đang tiến triển với gia tốc ghê gớm.
Tháo chạy?
Thời hoàng kim của đế chế tài chính đầu tư vào Trung Hoa đại lục có thể đã trôi qua. Sau nhiều lời cảnh báo từ giới chuyên gia Mỹ về khả năng Trung Quốc có thể là một trong những tai họa lớn nhất hành tinh về đổ vỡ tài chính và không loại trừ cả vận hạn rủi ro về thể chế chính trị, làn sóng thoái vốn đầu tư đã khởi sự từ mấy năm qua.
Trong giai đoạn 2001-2009, các định chế tài chính toàn cầu (trong đó có Temasek Holdings Pte và Citigroup) đã đầu tư tổng cộng 33 tỷ USD vào các ngân hàng Trung Quốc. Nhưng giờ đây, điều đó chỉ còn là dĩ vãng.
Từ đầu năm 2013 đến nay, một hiện tượng được hãng tin Bloomberg cùng nhiều chuyên gia phân tích tài chính phương Tây chú ý là 3 ngân hàng lớn Goldman Sachs, Citigroup và Bank of America đều tiến hành rút toàn bộ vốn đã đầu tư vào các ngân hàng Trung Quốc.
Tất cả hệ quả trên lại ảnh hưởng gần như trực tiếp đến chỉ số chứng khoán Trung Quốc. Cho đến nay, chỉ số này đã mất khoảng 16% so với đỉnh gần nhất và hơn 40% so với đỉnh lập vào năm 2009. Tuy nhiên, đà giảm đã chấm dứt hay chưa thì lại là một câu hỏi quá khó để trả lời.
Một khả năng có thể đến với thị trường chứng khoán Trung quốc là thị trường này lặp lại hình ảnh suy giảm miệt mài trong suốt 4 năm trong giai đoạn những năm 2003-2006. Nếu trường hợp này xảy ra, có thể nói nền kinh tế Trung Quốc đã đặt một chân vào hố khủng hoảng kinh tế, và chắc chắn hệ lụy này sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế thế giới, trong đó có không ít bài học cần rút ra cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.
Việt Thắng
Infonet
|