Đâu là rủi ro lớn nhất đối với chứng khoán châu Á?
Theo các chuyên gia, rủi ro lớn nhất đối với các thị trường châu Á không phải là sự bất ổn tài chính Trung Quốc mà đó là đà tăng vọt của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
* Vì sao Fed cắt giảm kích thích lại thực sự tốt cho thị trường chứng khoán?
Ông Kelvin Tay, Giám đốc đầu tư khu vực Nam Á – Thái Bình Dương của UBS nhận định trên CNBC rằng: “Nếu lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên 3%, đó sẽ là một thảm họa đối với các thị trường tài sản châu Á”.
Ông cho biết thêm: “Điều này sẽ dẫn đến sự tháo chạy của dòng vốn và về cơ bản sẽ khiến thanh khoản dịch chuyển nhanh khỏi khu vực”.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng mạnh kể từ đầu tháng 5 đến nay, từ 1.6% lên 2.61%, do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu sớm nhất là vào đầu tháng 9 tới.
Mức chênh lệch ngày càng hẹp giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và châu Á đã khiến nhà đầu tư bán tháo trái phiếu châu Á và đổ tiền vào trái phiếu kho bạc Mỹ, qua đó tác động tiêu cực đến các đồng tiền và cổ phiếu của khu vực.
Theo số liệu của EPFR, nhà đầu tư đã rút 1.5 tỷ USD khỏi các quỹ trái phiếu thị trường mới nổi trong tuần kết thúc ngày 05/06; trong khi các quỹ cổ phiếu bị rút ròng 5 tỷ USD – mức thất thoát mạnh nhất trong gần 2 năm.
Các đồng tiền châu Á cũng bị bán tháo mạnh. Chẳng hạn như đồng ringgit của Malaysia lao dốc 4.3% so đồng USD kể từ đầu tháng 5, còn đồng baht của Thái Lan cũng giảm sâu 6.1% so đồng bạc xanh trong cùng kỳ.
Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) bốc hơi 11% trong vòng một tháng qua.
Thời gian là yếu tố then chốt
Dhiren Sarin, trưởng chiến lược gia kỹ thuật khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Barclays đồng ý rằng việc lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức 3% là một rủi ro đối với các thị trường châu Á nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào thời gian đạt được ngưỡng này.
Ông nói: “Nếu lợi suất chạm 3% trong vòng một hoặc hai tuần tới, các thị trường mới nổi sẽ đối mặt với rất nhiều căng thẳng. Lợi suất tiếp cận mức 3% càng nhanh thì chi phí cấp vốn càng tăng mạnh và sẽ dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi”. Theo ông, nếu kịch bản này xảy ra, các thị trường chứng khoán mới nổi sẽ rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Ông Sarin cho biết thêm trong trường hợp lợi suất tăng từ từ, các nhà quản lý tài sản sẽ có thời gian để đánh giá lại và tái phân bổ danh mục.
Về vấn đề này, cả ông Dhiren Sarin và Kelvin Tay đều cho rằng lợi suất sẽ không tăng nhanh nhưng vẫn là một rủi ro. Ông Tay cho biết: “Theo tôi, Fed chắc chắn sẽ nhận ra tác động của điều này. Nếu lợi suất tăng quá nhanh, tôi tin chắc Fed sẽ hành động để bình ổn thị trường”.
Mark Matthews, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của Bank Julius Baer đồng ý rằng nhiều khả năng Fed sẽ có biện pháp mạnh đối với lợi suất trái phiếu. Ông nói: “Rõ ràng là ngân hàng trung ương phản ứng rất nhanh với các thị trường tài chính. Nếu muốn, họ có để đảo ngược chính sách. Điều này có vẻ hơi rắc rối nhưng trong kịch bản xấu nhất, họ sẽ hành động”.
Phước Phạm (Theo CNBC)
Infonet
|