Thứ Sáu, 14/06/2013 17:45

Trước khuyến khích, giờ lại o ép!

Doanh nghiệp thép cho rằng việc áp giá điện riêng cho ngành xi măng và thép cao hơn các ngành sản xuất khác là không hợp lý, vì sản xuất phôi thép là ngành được ưu đãi đầu tư đặc biệt. Điều không hợp lý chính là trước đây ưu đãi kêu gọi đầu tư, còn giờ thì o ép, phân biệt đối xử.

Sản xuất thép tại Công ty thép SeAh Steel

Đó là ý kiến của ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (14-6) liên quan đến việc tăng giá điện đối với ngành thép và xi măng, được đề cập tại dự thảo cơ cấu giá bán lẻ điện đang được Bộ Công Thương soạn thảo dự kiến áp dụng từ 1-7 tới.

Cụ thể hơn, ông Dương cho rằng việc áp giá điện riêng cho ngành xi măng và thép cao hơn các ngành sản xuất khác là không hợp lý, vì sản xuất phôi thép là ngành được ưu đãi đầu tư đặc biệt theo Nghị định 108 năm 2006 của Chính phủ (theo nghị định này thì danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư có sản xuất thép cao cấp, hợp kim, kim loại đặc biệt, sắt xốp, phôi thép).

Ông Dương khẳng định sản xuất phôi thép còn được ví như “bánh mì” của ngành công nghiệp. Do vậy nếu áp giá điện cao hơn các ngành khác là vô lý, bất bình đẳng.

Trong khi đó, cũng trong hôm nay (14-6), Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) có văn bản kiến nghị gởi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc áp giá điện riệng đối với ngành thép và xi măng sắp tới.

Theo VSA, trong ngành công nghiệp thép ở Việt Nam hiện nay chỉ có sản xuất phôi ở lò điện hồ quang là có mức sử dụng điện cao nhất, khoảng 400 - 500 kWh điện/tấn phôi, còn các sản phẩm khác như thép cán xây dựng, sản xuất ống thép, cuộn cán nguội, tôn mạ kẽm và sơn phủ màu chỉ tiêu hao điện ở mức 80 - 120 kWh/tấn sản phẩm.

Thời gian qua, theo chủ trương khuyến khích đầu tư, nhiều doanh nghiệp đầu tư lò điện để sản xuất phôi, giảm bớt lượng phôi nhập khẩu từ nước ngoài nhằm ổn định giá thép trong nước và giảm phụ thuộc vào biến động giá phôi thế giới. Hiện nay công suất phôi trong nước đã đạt trên 7 triệu tấn/năm, tự túc 100% cho sản xuất thép cán trong nước.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay, ông Đinh Huy Tam, Tổng thư ký VSA khẳng định: "Các chính sách không nhất quán đối với ngành thép, trước đây được kêu gọi ưu đãi đầu tư còn giờ thì bị o ép, chắc chắn sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư ngành thép, đặc biệt là các nhà sản xuất phôi lớn tại Việt Nam hiện nay".

Trong văn bản kiến nghị, VSA cũng thừa nhận việc tiến tới tính đủ giá điện cho mọi ngành sản xuất công nghiệp trong đó có ngành thép là cần thiết, nhà máy nào có khả năng cạnh tranh thì tồn tại và phát triển, nếu không sẽ tự phá sản.

Và nếu ngành điện có đủ lý do chính đáng để tăng giá điện, Hiệp hội Thép Việt Nam hoàn toàn ủng hộ, song ngành thép phải được tính giá điện bình đẳng như các ngành sản xuất công nghiệp khác, không nên phân biệt đối xử.

Tuy nhiên cần cân nhắc trong bối cảnh hiện nay, việc áp giá điện riêng cho ngành thép cao hơn các ngành sản xuất khác sẽ làm giá thép Việt Nam mất tính cạnh tranh, tạo thuận lợi cho thép Trung Quốc và các nước khác nhập vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, VSA còn cho rằng việc cấp phép đầu tư quá nhiều dự án thép, kể cả các dự án có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều điện, vượt khả năng cung cấp điện của ngành điện, thì trách nhiệm chính thuộc về các nhà quản lý, không có lỗi của nhà đầu tư, nhất là với những nhà đầu tư sản xuất thép đang áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại.

Những năm gần đây, lượng sản phẩm thép và nguyên liệu sản xuất thép nhập vào Việt Nam mỗi năm 7-8 tỉ đô la Mỹ, xuất khẩu thép của Việt Nam khoảng 2 triệu tấn/năm đạt 2 tỉ đô la Mỹ, như vậy nhập siêu của ngành thép hàng năm khoảng 5-6 tỉ đô la Mỹ. Nếu tăng giá đầu vào, đặc biệt là giá điện tăng sẽ làm cho giá thành sản xuất tăng, khả năng xuất khẩu sẽ không còn, nhập siêu của ngành thép càng trở thành gánh nặng đáng lo ngại hơn.

“Việc thu hút đầu tư vào ngành đặc thù như ngành thép sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta dùng những biện pháp phân biệt đối xử như chính sách giá điện dự kiến sẽ được áp dụng sắp tới”, văn bản kiến nghị nêu.

Văn Nam

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vinashin phá sản thì Nhà nước phải trả nợ thay (14/06/2013)

>   Bán 85% cổ phần, sếp Prime Group vẫn gọi là “hợp tác chiến lược” (14/06/2013)

>   Ngành chăn nuôi sẽ nhường sân cho nước ngoài? (14/06/2013)

>   Nhập tàu dầu thô thứ 300 cho nhà máy Dung Quất (14/06/2013)

>   Khó khăn bủa vây ngành thép (14/06/2013)

>   8 vấn đề để phát triển ngành vật liệu xây dựng (14/06/2013)

>   Mở quyền cho doanh nghiệp FDI (14/06/2013)

>   Vì sao cần giá điện riêng cho ngành thép, xi măng? (14/06/2013)

>   Doanh nghiệp nhỏ và vừa được tài trợ 3,32 triệu USD cho xuất khẩu (14/06/2013)

>   Chấm dứt dự án tỉ đô tại Khu kinh tế Vân Phong (14/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật