Mở quyền cho doanh nghiệp FDI
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu không đăng ký lại, vẫn có thể được quyền đề nghị điều chỉnh giấy phép đầu tư, điều lệ doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định về đăng ký lại doanh nghiệp đưa ra những đề xuất rất mới với doanh nghiệp FDI
|
Với những đề xuất rất mới tại Dự thảo Nghị định về đăng ký lại doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp của các doanh nghiệp FDI và đổi giấy chứng nhận đầu tư của các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (gọi tắt là Dự thảo Nghị định về đăng ký lại doanh nghiệp FDI), doanh nghiệp FDI dù chọn cách đăng ký lại hay không đều được đối xử tương tự nhau.
Tất nhiên, các đề xuất trên chỉ có thể được tiếp tục xem xét khi Dự án Luật sửa đổi Điều 170, Luật Doanh nghiệp được Quốc hội chính thức thông qua, dự kiến vào tuần tới. Song, ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sự NHQuang và Cộng sự cho rằng, việc mở rộng quyền cho các doanh nghiệp FDI không thực hiện đăng ký lại là cần thiết, nhất là khi những giới hạn về quyền kinh doanh là do những quy định của pháp luật Việt Nam.
“Khi pháp luật Việt Nam thay đổi, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động, nhất là khi họ đã có thời gian dài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”, ông Quang đề xuất.
Dự thảo Nghị định về đăng ký lại doanh nghiệp FDI đã thiết kế chương riêng cho các doanh nghiệp FDI không đăng ký lại. Ngoài việc được tiếp tục tổ chức quản lý, hoạt động theo giấy phép đầu tư đã cấp và điều lệ doanh nghiệp như quy định hiện hành, các doanh nghiệp này đang được đề nghị mở quyền điều chỉnh giấy phép đầu tư, điều lệ doanh nghiệp, được kéo dài thời hạn dự án đầu tư, cũng như được thực hiện dự án đầu tư mới theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Cùng với các quyền này, họ sẽ được tiếp tục giữ lại tên doanh nghiệp, con dấu, tài khoản và mã số thuế đã đăng ký. Đây là một trong những rào cản về thủ tục không hề nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp FDI, khi họ lựa chọn quyết định không đăng ký lại trong thời hạn quy định của Điều 170 Luật Doanh nghiệp.
Đặc biệt, đại diện Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định cho biết, để giải tỏa tâm lý lo lắng của các doanh nghiệp FDI về khả năng không bảo lưu được những ưu đãi mà doanh nghiệp đang được hưởng, một trong những thế mạnh rất lớn của các doanh nghiệp FDI thành lập trước ngày 1/7/2006, thời điểm Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, Ban soạn thảo đã đề xuất phương án cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư sẽ có trách nhiệm quy định cụ thể các ưu đãi đầu tư trong giấy chứng nhận điều chỉnh giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư mới, khi các doanh nghiệp FDI này thực hiện các thủ tục để thực hiện các quyền kinh doanh của mình.
“Với nội dung điều chỉnh giấy phép đầu tư của doanh nghiệp FDI không đăng ký lại, Dự thảo Nghị định này quy định, điều kiện đầu tư, ưu đãi đầu tư và các điều kiện khác của nội dung điều chỉnh, bổ sung được áp dụng theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh, bổ sung. Với những nội dung không điều chỉnh, bổ sung, doanh nghiệp không đăng ký lại tiếp tục thực hiện theo quy định tại giấy phép đầu tư đã cấp”, đại diện ban soạn thảo cho biết.
Thậm chí, trong một số trường hợp, doanh nghiệp có những thay đổi đơn giản như mở văn phòng giao dịch, kho hàng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm trong phạm vi địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, hoặc thay đổi địa điểm trụ sở chính trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trừ trường hợp chuyển địa điểm trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ cần ra văn bản chấp thuận mà không cần điều chỉnh giấy phép đầu tư.
Rõ ràng, đây sẽ là những cơ sở quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp FDI chưa đăng ký lại thực hiện dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam.
Thu Trang
Đầu tư
|