Thứ Hai, 17/06/2013 13:44

Tăng giá điện bán cho thép là không công bằng

Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: trong lúc chủ trương chung của Chính phủ là tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DN như giảm, giãn thuế, hạ lãi suất... nhằm hạ thấp chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh để khuyến khích tiêu dùng, thì việc tăng giá điện là động thái ngược lại. Nếu cứu điện là giết thép, lúc này tăng giá điện thì nhiều DN thép sẽ “chết”.

Ông có thể bình luận gì về Dự thảo lần 3 quy định cơ cấu bán lẻ giá điện của Bộ Công Thương, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới?

Theo bản Dự thảo đó, giá điện tính cho ngành thép và xi măng sẽ tăng từ 2-16% so với các ngành sản xuất khác ở tất cả các cấp điện áp. Chúng tôi cho rằng, đây là quy định không công bằng với ngành thép và xi măng. Bởi vì, trong bối cảnh DN trong ngành rất khó khăn như hiện nay, bất cứ việc gì làm tăng chi phí đầu vào sản xuất đều tạo thêm khó khăn cho DN. Có thể DN còn chưa phá sản, giải thể thì tăng như vậy họ phá sản liền.

Thêm nữa, trong lúc chủ trương chung của Chính phủ là tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DN như giảm, giãn thuế, hạ lãi suất... nhằm hạ thấp chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh để khuyến khích tiêu dùng, thì việc tăng giá điện là động thái ngược lại. Nếu cứu điện là giết thép, lúc này tăng giá điện thì nhiều DN thép sẽ “chết”.

Khó khăn ngành thép đã mấy năm nay rồi, nhiều DN cũng dừng sản xuất mấy năm nay rồi. Tiêu thụ thép đến nay chưa có dấu hiệu gì là cải thiện. Tồn kho khoảng 300 - 310 ngàn tấn trong giai đoạn từ đầu năm đến nay. Đây là mức cao, bình thường tồn kho chỉ khoảng 250 ngàn tấn. DN không dám vay tiền sản xuất và để đấy, họ phải giảm sản xuất đi. Nhưng chỉ giảm đến mức độ nhất định chứ giảm quá thì giá thành cao cũng chết.

Bây giờ, DN cạnh tranh nhau quyết liệt về giá ở cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Chúng tôi phải đứng ra can thiệp suốt. DN này tố DN kia hạ giá, bán dưới giá thành. Trong điều kiện như thế lại tăng giá điện riêng cho thép và xi măng thì DN càng thêm khó khăn.

Nhưng lý do chính để áp mức giá điện khác biệt cho ngành thép được hiểu là vì đây là ngành tiêu thụ quá nhiều điện, thưa ông?

Trước đây, chúng ta phải nhập khẩu khoảng 70 - 80% lượng phôi thép cho nhu cầu tiêu dùng thép trong nước. Mà đây là khâu tiêu tốn năng lượng điện nhất, khoảng 400-500 kWh/tấn phôi, tương đương khoảng 5% giá thành. Trong khi đó, sản phẩm khác chỉ tiêu tốn 80-120 kWh/tấn sản phẩm, chiếm khoảng 0,7 - 0,8% giá thành. Nhưng vì tỷ lệ thép trên đầu người của Việt Nam còn rất thấp, không thể trở thành nước công nghiệp với điều kiện như vậy được, Chính phủ đã khuyến khích đầu tư vào sản xuất phôi thép.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, nhiều DN đã đầu tư sản xuất phôi. Đến nay, chúng ta đã có được công suất khoảng 7 - 8 triệu tấn phôi thép/năm. Năm 2012 vừa rồi, sản xuất trong nước đảm bảo được 100% nhu cầu về phôi thép. Điều này đã làm giảm nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu phôi thép, rất lợi cho ổn định tỷ giá trong nước.

Như vậy, Chính phủ kêu gọi, DN đã làm. Nếu bây giờ thay đổi quan điểm khuyến khích bằng một mệnh lệnh hành chính như thế này thì nhà đầu tư thấy chính sách của chúng ta lúc thế này, lúc thế khác, làm sao khuyến khích được họ.

Nhưng vấn đề ở đây là có nhiều dự án thép công nghệ thấp lợi dụng giá điện tại Việt Nam rẻ hơn các nước để chuyển vào đầu tư, thưa ông?

Lâu nay, các dự án thép trước khi đầu từ đều phải được thỏa thuận với ngành điện về cung cấp nên nhà đầu tư mới làm. Cho nên, việc không đủ điện cung cấp cho thép thì không phải thuộc trách nhiệm của DN ngành thép mà là của ngành điện. Thêm nữa, chính các địa phương cũng đồng ý cho họ đầu tư, kể cả dự án có công nghệ lạc hậu và tiêu thụ nhiều điện, thì trách nhiệm phải từ nhà quản lý. Tự nhiên bảo nhiều DN thép quá, không thể cấp được điện, hay cho rằng công nghệ thấp, tiêu hao nhiều điện để ép DN thép thì cái đó hoàn toàn không công bằng.

Ông có thể hình dung một kịch bản thị trường thép sẽ biến động như thế nào nếu giá điện cho thép tăng lên, và sẽ còn tăng nữa?

Lâu nay, thuế nhập khẩu thép từ các nước ASEAN vào Việt Nam đã áp mức bằng 0%. Từ nay đến 2015, thuế với thép Trung Quốc của các nước ASEAN cũng bằng 0%. Nếu đánh vào giá thành sản xuất thép thế này thì giá bán thép sẽ cao lên, tạo điều kiện cho thép nước ngoài tràn vào và DN trong nước sẽ gặp vô vàn khó khăn. Có thể chúng ta sẽ lại phải tốn ngoại tệ nhập khẩu thép. Đây là viễn cảnh hết sức nguy hiểm khi tự mình làm ngành thép của mình chết đi để nước ngoài tràn vào.

Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng từ 10-11 triệu tấn thép các loại, trong đó khoảng một nửa là do các DN trong nước sản xuất, còn lại phải nhập khẩu. Lượng ngoại tệ nhập khẩu thép thành phẩm năm 2012 là 4,7 tỷ USD. Nếu vì lý do nào đó, sản xuất thép trong nước suy giảm và số thép nhập khẩu tăng lên để bù vào thì chắc chắn nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu thép sẽ tăng vọt, gây thêm khó khăn cho đất nước.

Nhưng với lộ trình thị trường hóa giá bán điện, việc tăng giá điện là không thể thay đổi, thưa ông?

Tương lai giá điện còn nâng nữa, chúng tôi chấp nhận. Nhưng không nên tăng lúc này và không nên chỉ tăng với thép và xi măng. Chúng tôi cũng đồng ý ngành điện dứt khoát phải tiến tới có lãi. Nhưng phải có lộ trình tăng giá và nếu nâng thì nâng tất cả chứ không chỉ với thép và xi măng.

Trên một lộ trình cùng nhau đi lên từ Đổi mới đến nay, ngành thép cũng như ngành khác đều bắt đầu từ con số không. Bao cấp cùng bao cấp, bỏ cùng bỏ. Mà thép bỏ bao cấp sớm hơn. Bây giờ tạo được công suất hàng chục triệu tấn/năm, thì các ngành điện, đường... cũng thế, đều đã phát triển hơn. Bây giờ bảo chỉ “đánh” vào thép và xi măng thì không công bằng.

Anh Quân thực hiện

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   “Hồi hộp” chờ giá điện (17/06/2013)

>   Vũng Áng và hiệu ứng “tỷ đô” của Formosa (17/06/2013)

>   Trở thành trung tâm lọc dầu số 1: Tại sao không? (17/06/2013)

>   Mất cơ hội vì công nghiệp phụ trợ yếu (17/06/2013)

>   Phân bón: Hai bộ quản vẫn rối (17/06/2013)

>   Đối tác ngoại ngắm nghía dự án sân bay (17/06/2013)

>   Mất cơ hội vì công nghiệp phụ trợ yếu (17/06/2013)

>   Công ty tư nhân - gia đình: Nguồn cung cấp thương vụ đầu tư phổ biến (16/06/2013)

>   Bốn nội dung tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp (16/06/2013)

>   Hà Nội: Tổng rà soát các dự án theo hình thức hợp đồng BT (16/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật