“Hồi hộp” chờ giá điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa có đề xuất chính thức nào về việc tăng giá điện, trong khi dự thảo quyết định mới của Bộ Công Thương quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện vẫn đang chờ phê duyệt.
Khả năng giá điện tăng vào 1/7 tới khó có thể xảy ra
|
Vì vậy, khả năng giá điện tăng vào 1/7 tới khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, với việc tiếp tục kiến nghị tăng giá bán than cho ngành điện thì việc giữ giá điện như hiện nay là rất khó.
Giá điện chưa tăng đã phần nào “trấn an” được tinh thần của người dân cũng như doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế của những lần tăng trước đây cho thấy, giá điện luôn là câu chuyện chưa có hồi kết.
Giá điện vẫn chờ... tăng
Kể từ khi Quyết định 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường cho phép EVN điều chỉnh giá điện tăng hoặc giảm 5% theo biến động của các thông số đầu vào cơ bản (gồm giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái và cơ cấu sản lượng điện phát...) so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành, thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.
Trong 6 tháng cuối năm 2012, EVN đã có 2 lần tăng giá điện.
Cụ thể, ngày 1/7, giá bán điện bình quân là 1.369 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tăng 65 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng là 1.304 đồng/kWh. Tiếp đến, ngày 22/12, giá bán điện bình quân là 1.437 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng 68 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng là 1.369 đồng/kWh.
Ngay trong đầu năm 2013, EVN đã đưa ra cảnh báo tình hình khô hạn ở miền Trung và khả năng thiếu khí có thể khiến EVN phải huy động 1,8- 2,4 tỷ kWh điện chạy dầu để đảm bảo điện cho miền Nam.
Nếu trường hợp này xảy ra, sẽ phải bù khoảng 10.000 tỷ đồng và theo quy định chắc chắn những khoản lỗ do đổ dầu phát điện sẽ được phân bổ vào giá thành điện để tính toán việc điều chỉnh giá trong những lần tiếp theo. Điều này đã xuất hiện nhiều lo ngại điện sẽ tăng giá ngay cuối tháng 3. Song rất may, từ đó đến nay giá điện vẫn được giữ ổn định, chưa có thêm một lần tăng nào.
Tuy nhiên, khả năng một đợt tăng giá điện mới trong năm 2013 vẫn có thể xảy ra. Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính xem xét việc điều chỉnh tăng tiếp giá than bán cho ngành điện để bù đắp được giá thành sản xuất than năm 2013. Nếu trong thời gian tới, quyết định này được thông qua thì đây sẽ là lần điều chỉnh giá than bán lần thứ hai cho ngành điện kể từ đầu năm 2013 tới nay.
Như vậy, việc tiếp tục tăng giá than bán cho ngành điện sẽ khiến chi phí sản xuất của các nhà máy nhiệt điện tăng cao, đặc biệt trong các tháng mùa khô.
Trước đó, ngày 20/4/2013, giá than bán cho sản xuất điện đã chính thức được tăng thêm 27%, nâng giá bán than cho điện bằng 100% giá thành sản xuất than năm 2011 và bằng 84-87% giá thành sản xuất than năm 2013. Trong khi đó, tính tại quý 1/2013, sản lượng than bán cho điện đạt mức 4 triệu tấn, chiếm tới hơn 50% sản lượng than tiêu thụ trong nước.
Than tăng giá ắt kéo giá điện tăng theo
Với việc giá than tăng thêm 27% đã khiến chi phí sản xuất của mỗi nhà máy nhiệt điện tăng thêm hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Nhiệt điện Uông Bí, tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn than/năm. Với giá than trước thời điểm 20/4 là khoảng 1 triệu đồng/tấn, nay tăng lên gần 1,3 triệu đồng/tấn.
Do đó, chỉ riêng tiền mua nhiên liệu đầu vào, mỗi năm chi phí của Nhiệt điện Uông Bí tăng thêm khoảng 600 tỷ đồng. Nhiệt điện Ninh Bình tiêu thụ khoảng 500.000 tấn than/năm, nhưng với mức tăng giá bán than như hiện nay, chi phí sản xuất điện của Công ty hàng năm tăng thêm khoảng 150 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ với hai nhà máy nhiệt điện nói trên, giá thành đã bị đội lên tới hàng trăm tỷ đồng, đó là còn chưa tính đến hàng chục nhà máy nhiệt điện khác thì sức ép lên khả năng cân đối tài chính của ngành điện là rất lớn.
Thậm chí, trong vài tháng qua, hạn hán diễn ra khá nặng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng đã khiến EVN phải tập trung khai thác tối đa nguồn nhiệt điện than và nhiệt điện khí.
EVN cho biết, than chiếm khoảng 70% giá thành nhiệt điện than, trong khi, tỷ lệ nhiệt điện than chiếm khoảng 1/4 tổng cơ cấu nguồn điện phát, nếu giá than tăng lên chắc chắn sẽ tác động đến giá điện.
Theo EVN, cho dù, giá than tăng đang gây áp lực lớn lên tài chính của ngành điện, nhưng EVN vẫn chưa tính toán cụ thể việc điều chỉnh tăng giá điện là do giá điện không chỉ căn cứ vào giá than mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: giá nhiên liệu đầu vào khác, cơ cấu sản lượng điện, chênh lệch tỷ giá... cũng như định kỳ tính hàng tháng theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng và Thông tư 31/2011/TT- BCT của Bộ Công Thương quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản. Sau khi tính toán, nếu thấy cần thiết phải điều chỉnh sẽ báo cáo với Bộ, còn hiện nay, EVN chưa có kế hoạch cụ thể gì về giá.
Trong thời điểm khó khăn hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh giá điện cần phải được cân nhắc, tính toán rất thận trọng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất kinh doanh.
Trường hợp nếu giá điện tăng 5% thì cũng chỉ làm CPI tăng thêm dưới 1%, nhưng sẽ có tác động không nhỏ, doanh nghiệp có thể bị phá sản do chi phí đầu vào tăng trong khi không thể tăng giá bán.
Tuy nhiên, xét về lâu dài, nhu cầu điện của Việt Nam rất lớn, trong khi đó, các nhà máy trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất điện, nếu trì hoãn việc tăng giá điện sẽ khó thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào ngành điện, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng mang tính quyết định.
Mạnh Đức
tbktvn
|