Bốn nội dung tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp
Tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp giúp nhà quản lý nắm bắt được thông tin về chính sách phát triển tài chính, mức độ an toàn, tính ổn định, hiệu quả, rủi ro tài chính của đơn vị. Từ đó, nhà quản lý có thể điều chỉnh cấu trúc nguồn vốn cho hợp lý hơn.
Việc nghiên cứu cấu trúc tài chính doanh nghiệp có chức năng xác định và tổ chức các nguồn vốn, nhằm bảo đảm nhu cầu sử dụng vốn cho quá trình sản xuất; giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và phân phối lợi nhuận trong doanh nghiệp.
Việc nghiên cứu cấu trúc tài chính doanh nghiệp giúp các nhà quản trị đưa ra được chính sách hợp lý trong việc tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp. Có 4 nội dung tái cấu trúc tài chính cơ bản.
Thứ nhất là tái cơ cấu đầu tư. Để đi đến quyết định đầu tư, vấn đề quan trọng là phải đánh giá được hiệu quả của đầu tư, được biểu hiện trong mối quan hệ giữa lợi ích thu được do đầu tư mang lại và chi phí bỏ ra để thực hiện đầu tư. Khi xem xét một dự án đầu tư, phải xem xét vấn đề cơ bản là những lợi ích trong tương lai thu được có tương xứng với vốn đầu tư đã bỏ ra hay không. Để đánh giá được lợi ích của đầu tư phải xuất phát từ mục tiêu của đầu tư.
Mỗi khoản đầu tư của doanh nghiệp có thể có nhiều dự án khác nhau. Mỗi dự án đầu tư lại bao gồm nhiều nội dung, thuộc các vấn đề về kỹ thuật, kinh tế, tài chính... Về phương diện tài chính, ở mỗi dự án đầu tư cần phải xác định: dự toán về vốn để thực hiện dự án đầu tư; số lợi nhuận khi thực hiện đầu tư đưa lại, trên cơ sở đó mà lựa chọn dự án tối ưu nhất.
Như vậy, doanh nghiệp phải cân nhắc, xem xét nhiều mặt để lựa chọn dự án đầu tư tối ưu. Trong đó, về tài chính, chủ yếu phải xem xét hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư. Doanh nghiệp sử dụng các tiêu chí sau nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư: tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), thời gian hoàn vốn đầu tư, giá trị hiện tại ròng của dự án đầu tư, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR), chỉ số sinh lời của dự án đầu tư...
Thứ hai là hoạch định các khoản mục kế toán. Theo đó, các khoản mục hạch toán chưa phù hợp phải được điều chỉnh lại.
Thứ ba là xây dựng phương án xử lý hàng tồn kho.
Thứ tư là gia tăng tài sản cố định. Tài sản cố định của doanh nghiệp là những tài sản có giá trị lớn, có thời gian sử dụng dài cho các hoạt động của doanh nghiệp và phải thỏa mãn đồng thời tất cả các tiêu chuẩn là tài sản cố định. Trong điều kiện hiện nay, việc đầu tư đổi mới tài sản cố định, đặc biệt là đối với nhà xưởng, thiết bị, công nghệ, là một trong những yếu tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Để gia tăng tài sản cố định, các doanh nghiệp nên thực hiện từ nguồn hàng tồn kho tự có để thực hiện các dự án nội bộ; tiêu thụ một lượng hàng tồn kho khác để có lượng tiền mặt phục vụ dự án. Như vậy, tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp giúp nhà quản lý nắm bắt được thông tin về chính sách phát triển tài chính của doanh nghiệp, mức độ an toàn, tính ổn định tài chính và hiệu quả, rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Từ đó, nhà quản trị có thể điều chỉnh cấu trúc nguồn vốn cho hợp lý hơn.
Đối với các nhà đầu tư, ngân hàng, các nhà cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ, việc quan tâm đến tình hình tài chính của doanh nghiệp trên các giác độ khác nhau. Nguồn thông tin được cung cấp từ cấu trúc tài chính doanh nghiệp là cơ sở để nhà đầu tư xem xét và quyết định xem có nên đầu tư vào doanh nghiệp hay không, đầu tư như thế nào và bao nhiêu là hợp lý. Chính vì vậy, tái cấu trúc tài chính có vai trò rất quan trọng không chỉ với bên trong doanh nghiệp, mà cả với bên ngoài doanh nghiệp.
Luật sư Phạm Thanh Sơn - Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội
đầu tư
|