Sử dụng công cụ phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần chủ động
Liên tiếp hai vụ việc đề nghị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của DN trong ngành dầu ăn và thép được xem là tín hiệu vui cho thị trường.
Ngành thép đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại ngay trên sân nhà.
|
Theo khuyến cáo của PGS.TS, Phạm Tất Thắng (ảnh), nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), để công cụ này phát huy hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan liên quan cùng sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng của DN về các thông tin hồ sơ.
Ông đánh giá thế nào về động thái gần đây của các DN trong ngành dầu ăn và ngành thép đệ đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) yêu cầu áp dụng các biện pháp về phòng vệ thương mại?
Việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại là xu hướng tất yếu trong thương mại quốc tế hiện nay. Thực tế cho thấy, khi ra nước ngoài, hàng XK của Việt Nam cũng đã vấp phải những vụ kiện điều tra như vậy và hàng hóa của ta đã bị thiệt hại. Qua quá trình như vậy, ta đã có phản ứng tốt và sau những vụ kiện thì DN đã bắt nhịp được, có sự phản ứng kịp thời như điều chỉnh sản xuất, lưu thông. Hoặc với những cáo buộc vô lý, DN đã có những phản ứng bằng cách theo đuổi vụ kiện như chuẩn bị sẵn tư liệu, cùng sự phối hợp tốt từ các hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước. Có nhiều trường hợp các DN của ta đã thắng, và qua đó tích lũy được kinh nghiệm.
Thế nhưng, nhìn ở phía trong nước thì khi chúng ta mở cửa thị trường, theo quy định chung hàng hóa của các nước đã vào thị trường nội địa và DN phải chấp nhận cạnh tranh quốc tế. Nếu như các nước khác họ sử dụng hàng rào chính đáng để bảo vệ cộng đồng DN cũng như quyền lợi người tiêu dùng, nhưng rất tiếc chúng ta lại chưa dựng nên được những hàng rào kỹ thuật đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN trước sức ép cạnh tranh của hàng ngoại nhập.
Đến nay thì cũng mới chỉ có 2 vụ điều tra chính thức và một vụ mới đưa đơn đề nghị điều tra, vậy theo ông tại sao phòng vệ thương mại chưa được các DN sử dụng như một công cụ hữu ích?
Muốn làm được những việc đó thì số liệu điều tra phải rất chi tiết. Dẫn chứng từ vụ việc của ngành thép, các DN đang đề nghị điều tra bán phá giá thì cần phải chứng minh được mức độ bán phá giá đây cụ thể là như thế nào, so với giá bán trong nước, giá thành ra sao, bán thấp hơn giá thành hay dưới giá bán của DN khác trong cùng thị trường nội địa. Tất cả các số liệu này phải được cập nhật đầy đủ nhưng DN của ta lại yếu trong khâu này, thường không có đầy đủ nên thiếu cơ sở pháp lý để đảm bảo thắng lợi với sự tranh chấp này.
Một điểm nữa là trước những hiện tượng ảnh hưởng đến hàng nội địa và DN trong nước, sẽ có những DN bị ảnh hưởng nhiều hoặc ảnh hưởng ít. Điều quan trọng là cộng đồng DN bị ảnh hưởng phải liên kết với nhau để có tiếng nói chung và chi phí chung đẻ theo đuổi vụ kiện. Thế nhưng, DN của ta chưa xây dựng được tiếng nói chung và liên kết lại với nhau, chỉ một vài DN bức xúc quá thì đưa lên. Tiếng nói của DN cũng phải có sự vào cuộc của hiệp hội và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý của nhà nước, với những phối hợp đồng bộ thì mới làm được. Thế nhưng, ta lại chưa có được sự phối hợp “ngon lành” giữa các đơn vị này.
Cùng với đó, để thực hiện thành công đòi hỏi phải có đội ngũ luật sư và luật gia am hiểu và thông thạo luật pháp quốc tế, tiếng Anh và các thủ tục kiện tụng. Tuy nhiên, với ta khâu này còn quá thiếu, nên gần đây một vài DN sử dụng công cụ này là biểu hiện tốt và là xu thế của thời đại, nhưng để đem lại kết quả thì cần phải giải quyết những điểm yếu trên.
Theo ông việc hai vụ kiện diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây liệu có mở đầu cho một xu thế mới mà các DN nội địa sẽ sử dụng công cụ phòng vệ nhiều hơn?
Xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều hơn là chắc chắn bởi năm 2014, hàng rào thuế quan của các hàng NK vào Việt Nam từ các nước ASEAN sẽ dần được gỡ bỏ và năm 2018 mọi hàng rào thuế quan hoàn toàn về 0%. Thị trường đã mở hoàn toàn nên khi các DN nước ngoài vào Việt Nam, sẽ có DN làm ăn tốt, tuân thủ luật pháp, nhưng cũng đơn vị cạnh tranh không lành mạnh. Trước thực tế đó, đòi hỏi cần phải áp dụng biện pháp tự vệ thương mại sẽ gia tăng.
Vậy ông có lời khuyên nào cho DN khi sử dụng công cụ nào một cách hữu ích nhất?
Cần phải làm cho cộng đồng DN và người Việt Nam thấy được sự việc và việc áp dụng phòng vệ thương mại là cần thiết. Thế nhưng, để làm thắng lợi thì cần có sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước sát sao hơn, đặc biệt trong việc dựng nên hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn nước ngoài. Trong các vụ kiện sẽ có được có thua nên đó là việc bình thường, vấn đề là các DN cần phải phân tích và chỉ rõ vì sao được và vì sao thua. Phải thực sự rút kinh nghiệm để hạn chế dần điểm yếu và đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh theo chuẩn mực quốc tế.
Các DN phải chủ động trong vấn đề này, cần tận dụng tối đa sự tư vấn của các chuyên gia trong nước và khi cần thiết phải thuê cả chuyên gia nước ngoài, chịu mất chi phí để làm. Điều quan trọng là DN phải theo dõi, cập nhật số liệu của chính bản thân, theo dõi lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường để có chứng cứ chuẩn xác khi áp dụng biện pháp.
Linh Sơn
Hải Quan
|