Thứ Hai, 03/06/2013 13:05

Quỹ ngoại “chạy” từ Thái Lan sang Việt Nam

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tỏ rõ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. PYN Elite - công ty quản lý quỹ đầu tư có mức lợi nhuận cao nhất của Phần Lan - đã thoái vốn khỏi thị trường chứng khoán Thái Lan để chuyển sang Việt Nam, bất chấp thị trường Thái đem lại cho quỹ này tỷ suất lợi nhuận khoảng 25% mỗi năm trong vòng 14 năm qua.

Giới đầu tư quốc tế đang mua cổ phiếu Việt Nam với tốc độ mạnh nhất trong 5 năm do bị thu hút bởi mức giá cổ phiếu rẻ và những nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Nhà quản lý quỹ Petri Deryng của PYN Elite, người điều hành hai quỹ con có tên là Elite và Populus, với tổng số vốn là 220 triệu Euro, tương đương 285 triệu USD, đã bán ra số cổ phiếu Thái Lan trị giá khoảng 100 triệu Euro trong vòng 5 tháng trở lại đây. Thay vào đó, các quỹ này rót 40 triệu Euro để mua vào cổ phiếu của 51 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 27,4%, so với mức tăng 19,4% của thị trường chứng khoán Thái Lan.

Các cổ phiếu Việt Nam mà ông Petri Derying mua vào bao gồm cổ phiếu của Tổng công ty Cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ (DVP).

“Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn kinh tế Thái Lan trong 10 năm tới. Khi mà thị trường Việt Nam đang giao dịch với mức định giá thấp hơn trung bình lịch sử, còn thị trường Thái lại giao dịch với mức định giá cao hơn trung bình lịch sử, thì rõ ràng, thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn hơn”, ông Deryng viết trong một bức email gửi Bloomberg.

Giới đầu tư quốc tế đang mua cổ phiếu Việt Nam với tốc độ mạnh nhất trong 5 năm do bị thu hút bởi mức giá cổ phiếu rẻ và những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Theo số liệu của Bloomberg, quỹ PYN có mức lợi nhuận hàng năm trung bình là 23,4% tại thị trường Thái Lan kể từ khi đi vào hoạt động ở đây vào năm 1999. Trong vòng 14 năm qua, số lợi nhuận mà quỹ này thu về đã lớn gấp hơn 18 lần số vốn ban đầu, đồng thời vượt xa mức tăng của chỉ số Bangkok SET Index. Quỹ này cũng là quỹ có mức lợi nhuận cao nhất trong số các quỹ đầu tư của Phần Lan trong 10 năm qua.

Ông Deryng bắt đầu mua cổ phiếu Thái Lan không lâu sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Đầu năm 1999, ông thành lập quỹ Elite để chuyên đầu tư vào thị trường chứng khoán Thái.

Hôm 21/5 vừa qua, chỉ số SET của thị trường Thái đạt mức 1.643,43 điểm, cao nhất trong 20 năm, so với mức 363 điểm khi quỹ Elite mới thành lập. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Thái Lan hạ lãi suất cơ bản để kích thích tăng trưởng kinh tế. Trước đó, chính phủ nước này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2013 xuống còn 4,2%.

Về phần mình, Việt Nam hiện đang chuẩn bị một kế hoạch để cải tổ các doanh nghiệp quốc doanh và mới đây đã thông qua việc thành lập công ty quản lý tài sản nhằm giải quyết nợ xấu trong các ngân hàng.

“Việc cải tổ các doanh nghiệp quốc doanh có vẻ như sẽ diễn ra rất chậm chạp”, ông Deryng nhận xét. “Việc quan trọng hơn lúc này là nhận diện vấn đề về tín dụng trong các ngân hàng Việt Nam và chuyển số nợ xấu sang một công ty do Ngân hàng Nhà nước quản lý”.

Theo đánh giá của ông Dennis Lai, một nhà quản lý danh mục cấp cao của quỹ Allianz Global Investors tại Hồng Kông, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ dân số trẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nền nông nghiệp mạnh và đường bờ biển dài phù hợp cho các cảng biển.

“Các nhà đầu tư vùng Bắc Âu đã trở nên quen thuộc hơn với thị trường châu Á và sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn”, ông Lai nói trong một cuộc phỏng vấn ở Helsinki, Phần Lan, sau khi gặp gỡ với các khách hàng ở Phần Lan và Thụy Điển. “Ngay cả những thị trường sơ khai nhỏ ở châu Á như Việt Nam, Sri Lanka và Pakistan cũng thu hút sự chú ý. Đây là những thị trường có mức độ biến động cao, nơi giá cổ phiếu đang hấp dẫn các nhà đầu tư dài hạn”.

Trong một cuộc thăm dò do Bloomberg thực hiện, các chuyên gia kinh tế dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng 0,5 điểm phần trăm mỗi năm, đạt mức 6,5% vào năm 2015. Năm ngoái, GDP của Việt Nam tăng 5%.

“Tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện không cao lắm vì Việt Nam đang tái cơ cấu nền kinh tế. Trong dài hạn, đây là một nền kinh tế rất hấp dẫn. Trong tất cả các thị trường sơ khai của mình, tôi thích thị trường Việt Nam hơn cả”, ông Lai nói.

Hiện nhà quản lý quỹ này đang quản lý 700 triệu USD vốn đầu tư vào cổ phiếu các công ty vừa và nhỏ ở châu Á, cộng thêm một quỹ riêng trị giá 75 triệu USD đầu tư vào các thị trường sơ khai (frontier market).

An Huy

tbktvn

Các tin tức khác

>   360o CTCK: Margin và ác mộng giải chấp cổ phiếu (03/06/2013)

>   Phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết (03/06/2013)

>   Nhịp đập Thị trường 03/06: Áp lực bán tăng cao, thị trường tiếp tục điều chỉnh (03/06/2013)

>   “Không nên có luật chơi riêng cho SCIC” (03/06/2013)

>   TS. Alan T. Pham: Vốn ngoại cần thêm điểm tựa để hứng khởi (03/06/2013)

>   360o CTCK: Margin - Rủi ro hàng nóng và hàng nguội (01/06/2013)

>   SSI: Công bố thông tin ABT không còn là công ty liên kết (31/05/2013)

>   Chất lượng báo cáo tài chính (31/05/2013)

>   Thỏa thuận "khủng", gần 48 triệu cp STB đã sang tên (31/05/2013)

>   TTCK Việt Nam 6 tháng cuối năm liệu có gì xấu? (31/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật