Nới room: Kỳ vọng và… ảo vọng
Bên cạnh những tác động tích cực của dòng vốn ngoại, thì câu chuyện của Vicostone và Bibica là những ví dụ về mặt trái gia tăng sở hữu của khối ngoại.
Nhiều NĐT đang kỳ vọng về sức chảy của dòng vốn ngoại vào các DN, nếu dự thảo Quyết định về nới tỷ lệ đầu tư tối đa (room) do UBCK, Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ được thông qua. Bên cạnh những ý nghĩa tích cực của dòng vốn ngoại thì thị trường cũng cho thấy nhiều vấn đề nan giải, khi khối ngoại mua cổ phiếu của DN không phải để hưởng cổ tức, hay góp sức xây dựng DN lớn mạnh hơn.
Chưa tới 30 DN đang “chật” room
Theo thống kê của ĐTCK, trong tổng số trên 700 DN niêm yết, chỉ có chưa đến 30 DN đã hết room dành cho NĐT nước ngoài. Đó đều là những DN lớn, nổi danh với công chúng như: Tập đoàn FPT, Dược Hậu Giang, Chứng khoán Sài Gòn, Chứng khoán TP. HCM, Imexpharm, Vinamilk, Dược phẩm Domesco, Cơ điện lạnh REE, Kinh Đô, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Ngân hàng Á Châu, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận…
Ở chiều ngược lại, 35 DN niêm yết không có sở hữu của khối ngoại; 223 DN có tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài chỉ chưa đến 1%; 244 DN có tỷ lệ sở hữu khối này từ 1% đến dưới 10%. Thống kê này cho thấy, khẩu vị của NĐT ngoại rất rõ ràng, không có chuyện hết room với DN tốt, nhà đầu tư ngoại chuyển sang “đầu tư tạm” vào DN kém hơn (trừ trường hợp quỹ đầu tư chuyên nhắm đến các DN yếu kém).
Dự thảo Quyết định mở room cho NĐT nước ngoài có thể tóm gọn lại vào 3 vấn đề: một là cho phép công ty đại chúng được phát hành thêm 10% số cổ phần không có quyền biểu quyết cho khối ngoại; hai là cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu tới 100% vốn tại các CTCK, công ty quản lý quỹ; ba là đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm nâng tỷ lệ sở hữu khối ngoại từ mức giới hạn 49% hiện nay lên mức 60% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại một số công ty niêm yết quy mô lớn, không thuộc ngành nghề cần hạn chế. Phần tăng thêm này được dự kiến bán cho NĐT tổ chức nước ngoài.
Câu chuyện Bibica từng khiến nghiều người giật mình vì sự thâm nhập của dòng vốn ngoại
|
Với 3 điểm dự kiến trên, khả thi nhất và có thể là nhanh nhất, là 2 đề xuất đầu tiên. Nhưng nếu cho phép công ty đại chúng (đã chật room 49%) phát hành thêm 10% số cổ phần không có quyền biểu quyết cho NĐT nước ngoài, thì cũng chỉ chưa đến 30 DN hiện nay có thể có nhu cầu sử dụng. Đó là từ phía DN. Còn về phía NĐT, các NĐT chiến lược nước ngoài liệu có sẵn sàng mua cổ phiếu không có quyền biểu quyết? Vinamilk, FPT, REE, CII… có thể sẽ là những ứng viên có khả năng gọi vốn theo cách này. Tuy nhiên, trong trường hợp NĐT ngoại sẵn sàng mua thì dòng tiền mới sẽ đi thẳng vào DN (do phát hành mới), chứ không làm tăng sức cầu cổ phiếu trên thị trường.
Đề xuất mở room đến 100% với các CTCK, công ty quản lý quỹ, trên thị trường niêm yết có thể sẽ tác động mạnh đến cổ phiếu SSI, HCM, hiện là 2 CTCK đã kín room ngoại và có vị thế trên thị trường. Các CTCK niêm yết còn lại (ngoại trừ Golden Bridge) đều có tỷ lệ sở hữu của khối ngoại không lớn, nên khó có thể tạo đột biến nếu không phải là mua thâu tóm.
Từ kỳ vọng đến… ảo vọng
Bên cạnh những tác động tích cực của dòng vốn ngoại, thì câu chuyện của Vicostone (VSC) mùa họp ĐHCĐ năm 2012, của Bibica mùa họp ĐHCĐ năm 2013 là những ví dụ về mặt trái gia tăng sở hữu của khối ngoại tại DN. Phía sau tỷ lệ sở hữu lớn của khối ngoại tại DN Việt, nhiều trường hợp không mang ý nghĩa của một khoản đầu tư tài chính, không có giá trị góp sức cùng DN cải thiện quản trị và vươn lên.
Lãnh đạo một DN niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (giấu tên) cho biết, kể từ khi NĐT tổ chức nước ngoài trở thành cổ đông lớn (nắm trên 30% vốn), cuộc chiến giữa Ban lãnh đạo Công ty với nhóm NĐT nước ngoài này diễn ra rất căng thẳng. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ khả năng DN bị lộ bí mật kinh doanh do áp lực từ khối cổ đông lớn. Cụ thể, DN đang sở hữu một dây chuyền sản xuất sản phẩm đắt tiền, đang kinh doanh có lãi, với bí quyết công nghệ riêng. Tuy nhiên, từ 2 năm qua, phía NĐT ngoại liên tục “tấn công”, từ việc gia tăng mua cổ phiếu đến việc đòi đặt chân vào HĐQT DN và tạo sức ép buộc Ban lãnh đạo DN chia sẻ bí quyết kinh doanh. Phía sau NĐT nước ngoài săn mua cổ phiếu của DN này chính là đối thủ đến từ Trung Quốc.
Một DN khác trong ngành thủy sản từng tự hào với sự săn đón của dòng vốn ngoại, nay “dở khóc dở cười”, thậm chí phải đi đến việc hủy niêm yết (trên HSX). Tại DN này, phía sau động thái tích cực đàm phán để trở thành cổ đông chiến lược, NĐT ngoại muốn lấy quy trình sản xuất - kinh doanh, công nghệ, bí quyết kinh doanh của DN hàng đầu ngành thủy sản này và sau là vùng nguyên liệu nếu mua được cổ phần ở giá thấp.
Gần đây, câu chuyện của Bibica cũng khiến nhiều người giật mình vì sự thâm nhập của dòng vốn ngoại. Cổ đông lớn Lotte từng muốn đổi tên Bibica và biến DN này thành 1 mắt xích để gia tăng khả năng thâm nhập thị trường Việt Nam của Lotte. Căng thẳng đã diễn ra ở Bibica và điều mà các cổ đông đại chúng được nhận là kết quả kinh doanh của Bibica ngày càng suy giảm.
Bùi Sưởng
đầu tư chứng khoán
|