Thứ Năm, 06/06/2013 06:21

Người trồng lúa ngày càng nghèo

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người trồng lúa thì ngày càng khó khăn.

Làm nhiều, lời ít

Ở thời điểm hiện nay, nhiều nơi tại Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang... nông dân bắt đầu thu hoạch vụ hè thu sớm. Tuy nhiên, giá lúa tươi liên tục giảm, nhất là các giống lúa có phẩm cấp thấp, như IR50404. Cụ thể thương lái thu mua lúa tươi tại đồng từ 3.500 - 3.600 đồng/kg (lúa phẩm cấp thấp), đối với các giống lúa dài từ 4.000 - 4.100 đồng/kg. Dù mức giá đã giảm khoảng 600 - 700 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước nhưng nông dân vẫn lo sợ ế, thương lái không mua thêm.

Ông Ngô Văn Hai, nông dân ở xã Trường Long A (Châu Thành, Hậu Giang), ngán ngẩm cho biết: “Chúng tôi đang thu hoạch lúa rộ nhưng giá lúa cứ giảm, thương lái đến xem rồi lắc đầu bỏ đi”. Vì thế, dù năng suất rất lớn nhưng tình trạng không bán được hoặc phải bán lỗ khiến nông dân chán nản. Ông Nguyễn Văn Gấu ở xã Phú Hữu (An Phú, An Giang) kể : “Vụ đông xuân vừa rồi ngay trong thời điểm thu mua tạm trữ giá lúa tươi hạt dài chỉ đạt từ 4.400 - 4.500 đồng/kg, thấp hơn tới 1.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Đông xuân là vụ sản xuất thuận lợi nhất trong năm nhưng lời chưa tới 1 triệu đồng/công. Đặc biệt mấy năm nay từ khi có đê bao, vùng này chuyển sang làm lúa 3 vụ thì lợi nhuận giảm mạnh. Cụ thể, trước đây làm 2 vụ thì mỗi năm có thể kiếm lời khoảng trên 3 triệu đồng cho mỗi công đất. Nhưng khi làm 3 vụ thì chỉ lời thêm được 1 triệu đồng/công, lợi nhuận giảm tới 2/3.

Xuất khẩu tăng, thu nhập giảm

Càng làm, càng nghèo cũng được minh chứng rõ ràng qua con số theo thống kê của Viện Chính sách phát triển chiến lược nông nghiệp nông thôn (IPSARD). Đó là thu nhập của các hộ trồng lúa rất thấp: mức thu nhập bình quân tại vùng ĐBSCL chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng. Nếu trừ đi thu nhập từ chăn nuôi, thủy sản hay từ các hoạt động phi nông nghiệp khác thì thu nhập từ trồng lúa còn thấp hơn nhiều.

Chủ trương của nhà nước là bảo đảm cho nông dân trồng lúa mức lời 30% nhưng trên thực tế rất khó để đạt được. Đơn cử, trong năm 2012 - 2013, để có lãi 30% thì giá thu mua lúa tại ruộng phải từ 4.700 đồng/kg trở lên, nhưng các thương lái chỉ mua ở mức 4.200 đến 4.500 đồng/kg. Mặt khác, tại 13 tỉnh ĐBSCL có khoảng 4 triệu hộ nông dân trồng lúa với sản lượng khoảng 24,5 triệu tấn lúa, nếu tính quy mô trung bình một hộ là 4,4 nhân khẩu, dù có giữ lại 30% lợi nhuận từ làm lúa của người nông dân thì thu nhập của người nông dân chỉ đạt 3,8 triệu đồng/người/năm. Con số này tương đương 230 USD/người/năm hoặc là 316.250 đồng/người/tháng. Thậm chí thu nhập của người nông dân ở vùng ĐBSCL có thời điểm còn thấp hơn như vụ đông xuân năm nay.

Những con số trên cho thấy bức tranh đối nghịch giữa giá trị xuất khẩu gạo của VN và đời sống của người trồng lúa. Mỗi năm chúng ta xuất khẩu gạo đạt vài tỉ USD nhưng thu nhập của nông dân trồng lúa đang ngày càng thấp. Nếu so sánh giá lúa bán tại hộ nông dân với giá gạo xuất khẩu năm 2008 thì thực tế trên càng rõ ràng hơn. Thời điểm đó, giá gạo xuất khẩu tăng từ mức 430 lên mức 900 USD/tấn, nhưng giá mà nông dân bán chỉ tăng chưa được 100 USD/tấn. Sau năm 2008, giá gạo xuất khẩu liên tục giảm thì giá lúa gạo trong nước giảm rất mạnh, thậm chí bán không ai mua bất kể là lúa gạo thường hay chất lượng cao.

Đời sống của nông dân trồng lúa đang ngày càng khó khăn

Bế tắc đầu ra

Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2013 ước đạt 2,86 triệu tấn, giá trị đạt 1,265 tỉ USD, giảm 3,2% về khối lượng và giảm 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm đạt 445 USD/tấn, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2012. Báo cáo của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho thấy hiện nay giá gạo xuất khẩu thực tế của VN thấp hơn giá gạo công bố của Ấn Độ và Pakistan từ 40 - 50 USD/tấn.

Chu kỳ đi xuống của thị trường gạo diễn ra ở thời điểm lượng gạo tồn kho các nước ở mức khổng lồ. Thái Lan tồn khoảng 17 triệu tấn, Ấn Độ khoảng 35 triệu tấn. Bên cạnh áp lực thừa cung còn là tình trạng giảm cầu trên thị trường quốc tế. Philippines tiếp tục thông báo quyết tâm tự túc lương thực và tiến tới xuất khẩu vào cuối năm 2013. Indonesia chưa có dấu hiệu trở lại thị trường.

Trong khi đó, xuất khẩu gạo hiện chủ yếu hướng sang Trung Quốc (dự tính nhập khoảng 3 triệu tấn trong năm nay) và châu Phi. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ mua gạo VN khi giá thấp hơn gạo Thái Lan vài chục USD/tấn. Còn các nước châu Phi dù được dự báo năm 2013 sẽ nhập khẩu gạo nhiều hơn 2012 nhưng do vận chuyển xa nên những nước này chỉ chấp nhận mua gạo VN với giá thấp hơn Ấn Độ. Mặt khác, thị trường gạo còn đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi Pakistan, Myanmar, Campuchia. Với cục diện thị trường gạo hiện nay, đã đến lúc phải tính lại bài toán xuất khẩu gạo.

ĐBSCL mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa quy gạo

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 4.6 đã ký quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo ở ĐBSCL theo tỷ lệ quy đổi lúa:gạo là 2:1. Loại lúa, gạo tạm trữ gồm lúa, gạo thường và lúa, gạo thơm. Thời gian mua tạm trữ từ ngày 15.6 đến hết ngày 31.7. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa, gạo tạm trữ. Thời gian tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 tháng, từ ngày 15.6 - 15.9.2013.

Quang Minh Nhật


Quang Thuần - Chí Nhân

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Agribank: Dư nợ cho vay “tam nông” năm tháng tăng (05/06/2013)

>   Vụ 2013 - 2014: Cà phê giảm sản lượng (05/06/2013)

>   Doanh nghiệp bán lỗ, nông dân khó có mức lãi 30% (05/06/2013)

>   64% hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bị hủy (05/06/2013)

>   Thủ tướng chỉ đạo mua tạm trữ 1 triệu tấn thóc gạo (05/06/2013)

>   Đến năm 2015: Không quá 150 thương nhân đầu mối xuất khẩu gạo (05/06/2013)

>   Lo mất trắng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (05/06/2013)

>   Gạo xuất khẩu đang bị ép giá (04/06/2013)

>   Nông dân lo lỗ nặng (04/06/2013)

>   Giá gạo ngày càng “đuối” (03/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật