Giá gạo ngày càng “đuối”
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm trong tuần qua do vắng bóng khách mua. Các nước xuất khẩu gạo hàng đầu khác cũng chứng kiến áp lực giảm đeo bám giá gạo.
Theo tin từ Reuters, Thái Lan có thể tiếp tục phải cắt giảm mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2013 do nhu cầu ảm đạm mà chương trình tạm trữ lúa gạo của Chính phủ nước này đẩy giá gạo Thái tăng cao, giảm sức cạnh tranh.
Tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã cắt giảm mục tiêu xuất khẩu gạo cả năm xuống còn 6 triệu tấn, từ mức 6,5 triệu tấn trước đó. Cơ sở cho sự cắt giảm này là giá gạo Thái cao và đồng Baht mạnh.
Năm 2012, Thái Lan xuất khẩu được 6,9 triệu tấn gạo, sau khi đạt mức xuất khẩu gạo kỷ lục 10,6 triệu tấn trong năm 2011.
“Chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm mục tiêu xuất khẩu vào giữa năm nay vì tình thế đã thay đổi. Ngày càng có nhiều yếu tố bất lợi xuất hiện”, ông Korbsook Iamsuri, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết.
Theo giới thương nhân, chương trình tạm trữ của Chính phủ Thái Lan đã tích tụ một lượng lúa gạo khổng lồ trong các kho chứa, theo đó gây áp lực đối với giá gạo trên toàn cầu.
Đầu tuần trước, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom cho biết, Chính phủ nước này dự kiến sẽ tiếp tục chính sách mua thóc từ nông dân để tạm trữ với giá 15.000 Baht (500 USD)/tấn, cao hơn nhiều giá thị trường, sau khi chương trình hiện tại kết thúc vào tháng 9 năm nay. Quyết định này làm gia tăng những lo ngại của các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan về việc giá gạo Thái sẽ bị neo cao thêm một năm nữa và khối lượng xuất khẩu tiếp tục sụt giảm.
“Giá gạo Thái sẽ tiếp tục ở mức cao do chương trình can thiệp của Chính phủ”, ông Kiattisak Kalayasirivat thuộc công ty Novel Agritrade nhận xét.
Giữa tuần qua, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan ở mức 540 USD/tấn, giảm từ mức 550 USD/tấn trong tuần trước đó.
Tại Việt Nam, các nhà xuất khẩu gạo tiếp tục giảm giá để thu hút khách mua trong bối cảnh nhu cầu ảm đạm mà nguồn cung lại tăng.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam, FOB cảng Sài Gòn, giữa tuần qua giảm còn 370-375 USD/tấn, từ mức 370-380 USD/tấn vào giữa tuần trước. Giá gạo cùng loại của Pakistan và Ấn Độ cao hơn gạo Việt Nam, tương ứng ở các mức 435 USD/tấn và 440 USD/tấn.
Theo đánh giá của giới thương nhân, giá gạo toàn cầu sắp tới sẽ biến động trong biên độ hẹp do nhu cầu ổn định sẽ giúp giá tránh khỏi sự suy giảm sâu hơn trong khi nguồn cung gạo gia tăng từ các nước sản xuất gạo hàng đầu sẽ tiếp tục gây áp lực giảm giá đối với nông sản này.
“Biên độ dao động của giá gạo sẽ rất hẹp, trừ phi thời tiết tiêu cực khiến nguồn cung gạo giảm mạnh”, một thương nhân nói.
Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 5, xuất khẩu gạo cả nước đạt 648.359 tấn, trị giá FOB 273,449 triệu USD, trị giá CIF 292,052 triệu USD. Trong 5 tháng, xuất khẩu gạo đạt 2,787 triệu tấn, trị giá FOB 1,211 tỷ USD, trị giá CIF 1,268 tỷ USD.
Trong tuần qua, giá lúa gạo tại ĐBSCL đồng loạt giảm 50-100 đồng/kg tùy loại. Trong đó, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 4.950 - 5.050 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.200 - 5.300 đồng/kg.
Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.550 - 6.650 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.200 - 6.300 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.500 - 7.600 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.200 - 7.300 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.950 - 7.050 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
An Huy
tbktvn
|