Thứ Ba, 04/06/2013 09:52

Nông dân lo lỗ nặng

Nông dân ĐBSCL đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ, nợ nần ngay từ đầu vụ thu hoạch trong khi kế hoạch thu mua tạm trữ đợt mới vẫn còn bỏ ngỏ

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong tháng 5-2013, ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 150.000 ha lúa hè thu. Một số tỉnh đã bước vào vụ thu hoạch rộ như An Giang, Đồng Tháp,Vĩnh Long…

Nông dân chắt chiu từng hạt lúa nhưng giá cả luôn bấp bênh

Giá lúa rớt thê thảm

Ông Nguyễn Công Lý (ấp 5, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vừa kêu thương lái đến ruộng mua toàn bộ 2 ha lúa IR50404 với giá 3.800 đồng/kg. Dù giá này cầm chắc lỗ nhưng ông đành bán vì nếu trữ lại không có nơi phơi sấy. Do sản xuất trên đất của gia đình nên ông Lý đỡ chi phí thuê đất. “Trong ấp, nhiều nông dân còn tốn thêm chi phí thuê đất trồng lúa. Giá lúa thấp thế này, họ thua lỗ và nợ nần là cái chắc” - ông Lý nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, toàn tỉnh đã thu hoạch được 3.000 ha lúa hè thu nhưng giá rớt thê thảm. Lúa tươi thu mua tại ruộng chỉ còn khoảng 3.600 đồng/kg, lúa khô khoảng 4.000 đồng. Trong khi vào thời điểm này năm ngoái, giá lúa dao động từ 4.400-5.000 đồng/kg.

Tại Đồng Tháp, đến cuối tháng 5-2013, nông dân đã thu hoạch hơn 61.000/197.000 ha lúa hè thu, tương đương khoảng 30% tổng diện tích. Do đó, chỉ cần lúa rớt giá khoảng 500 đồng/kg thì thiệt hại rất lớn. Theo ước tính của ngành nông nghiệp tỉnh này, trong vụ đông xuân trước, cũng do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chậm triển khai mua tạm trữ, nông dân trong tỉnh chịu thất thu hơn 400 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nếu Chính phủ không chỉ đạo VFA triển khai ngay việc mua tạm trữ thì nông dân vùng ĐBSCL sẽ chịu thiệt hại nặng nề.

Theo báo cáo của VFA, tuần qua, giá lúa khô tại kho ở ĐBSCL loại thường từ 4.950 - 5.050 đồng/kg, lúa hạt dài từ 5.200 – 5.300 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg so với tuần trước, bằng với mức đầu tháng 5. Giá lúa giảm là do tình hình xuất khẩu gạo sang các nước chậm lại.

Thương lái “ngoảnh mặt”

Gần 1,5 ha lúa của gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng (ngụ xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đã chín vàng đồng nhưng ông chưa dám gặt vì giá quá thấp. Đã vậy, chỉ sau đêm mưa lớn, gia đình ông thua lỗ nặng do hạt lúa tự nảy mầm. “Đến vịt còn chê không thèm ăn thì bán cho ai được nữa” - ông Hùng ngậm ngùi. Tương tự gia đình ông Hùng, nhiều nông dân ở xã Phú Điền thu hoạch lúa gần 20 ngày nay nhưng chẳng thấy thương lái đến mua. Người dân đã không còn tiền để trả nợ ngân hàng hay đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. “Cho dù đã chấp nhận chịu lỗ, kêu bán lúa với giá chỉ 3.500 đồng/kg nhưng thương lái cũng làm ngơ. Vụ lúa này chắc trắng tay rồi!” - ông Hùng rầu rĩ.

Theo ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, Bộ NN-PTNT đã giao cho VFA tiếp tục làm đầu mối thu mua tạm trữ lúa gạo. Vì vậy, nông dân phải chờ VFA triển khai mua tạm trữ. Những người thu hoạch lúa sớm đành chịu lỗ do phải bán dưới giá thành sản xuất. “Mặt khác, việc VFA giao chỉ tiêu thu mua cho tỉnh chỉ 84.000 tấn như vụ đông xuân vừa rồi thì cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Chúng tôi vẫn “tự lực cánh sinh” tìm kiếm thị trường xuất khẩu với các doanh nghiệp có năng lực thật sự chứ không thể lệ thuộc mãi vào hiệp hội”- ông Gành nói.

“Nước đến chân” còn... đủng đỉnh

Tại hội nghị “Mua tạm trữ lúa, gạo tại ĐBSCL” tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 23-5, Bộ NN-PTNT xây dựng kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) trong vụ hè thu, thời gian từ ngày 15-6 đến 15-8. Tuy nhiên, vấn đề ai sẽ đứng ra tổ chức làm đầu mối là điều mà VFA và các tỉnh ĐBSCL tranh luận gay gắt. Bộ cũng đã đề xuất 3 phương án trong việc thu mua lúa gạo tạm trữ. Theo đó, phương án 1 vẫn như cách làm hiện nay là giao VFA làm đầu mối, rồi phân cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo thu mua tạm trữ. Phương án 2, giao thu mua tạm trữ về cho UBND các tỉnh, thành. Phương án 3 là giao UBND các tỉnh làm đầu mối thu mua tạm trữ chỉ tiêu được phân bổ, nếu địa phương nào không có khả năng thu mua thì chuyển toàn bộ chỉ tiêu cho VFA. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của các địa phương, sau đó trình Thủ tướng phê duyệt và có hướng giải quyết thỏa đáng. Trong lúc vấn đề này chưa ngã ngũ thì nông dân ĐBSCL vẫn phải đối mặt với tình trạng giá lúa rớt mạnh, thua lỗ nặng.


Ca Linh - Thốt Nốt - Sơn Nhung

người lao động

Các tin tức khác

>   Giá gạo ngày càng “đuối” (03/06/2013)

>   Nhiều nước từ chối bảo hộ nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột (03/06/2013)

>   ĐBSCL phấn đấu tăng trưởng GDP từ 11% mỗi năm (02/06/2013)

>   Kinh tế suy, giá cà phê gặp nguy (01/06/2013)

>   Gạo Thái xả kho, gạo Việt đâm lo (30/05/2013)

>   Giá cà phê rớt mạnh (30/05/2013)

>   Xem xét tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Hè Thu (29/05/2013)

>   NHNN đề nghị điều chỉnh lãi suất tối đa 10% cho vay chăn nuôi (29/05/2013)

>   Cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam (29/05/2013)

>   Xuất khẩu các nông sản chính đồng loạt giảm mạnh (28/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật