Thứ Hai, 10/06/2013 09:48

Muốn gần Myanmar, Nhật tạm xa ta

Cách đây gần 6 năm vào ngày 27.8.2007, nhà báo người Nhật Kenji Nagai đã bị cảnh sát bắn chết khi ông đang tường thuật về cuộc bạo động chống chính phủ tại Yangon. Cái chết của ông đã khiến mối quan hệ, vốn bị đóng băng suốt nhiều năm giữa Nhật và chính quyền quân sự Myanmar, càng thêm lạnh lẽo.

Nhưng hồi cuối tháng 5, người dân Myanmar đã chứng kiến thời khắc lịch sử khi lần đầu tiên trong 36 năm, một nhà lãnh đạo Nhật - Thủ tướng Shinzo Abe - đã đến thăm nước này. Trong chuyến thăm, ông Abe đã xóa 1,74 tỉ USD mà Myanmar còn nợ Nhật sau khi đã xóa khoản nợ 3,58 tỉ USD vào tháng 1. Các khoản cho vay với lãi suất thấp dành cho Myanmar cũng được ký kết trong chuyến đi này.

Tháp tùng ông Abe là 40 doanh nghiệp Nhật, trong đó có các tập đoàn lớn như Mitsui, Sumitomo, Taisei. Điều này phần nào cho thấy các doanh nghiệp Nhật đang rất muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Myanmar. Năm ngoái, theo Bloomberg, mỗi tháng có tới 4.000 lần các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật đến Myanmar, chỉ sau Thái Lan, nơi Nhật hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất.

Myanmar có khá nhiều lợi thế. Nước này nằm giữa hai cường quốc châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc, tiếp giáp với Thái Lan. Myanmar cũng nằm trên vịnh Bengal nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và liền kề với eo biển Malacca, một con đường giao thông về kinh tế và an ninh quan trọng của thế giới.

Chi phí nhân công của Myanmar rẻ hơn Việt Nam 2 lần và 6 lần so với Thái Lan và là thấp nhất trong số 19 quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (Jetro) khảo sát năm 2012.

Với những lợi thế trên cùng những cải cách kinh tế - chính trị mạnh mẽ, Myanmar đang là điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư Nhật. Xu hướng này có thể sẽ ảnh hưởng đến luồng vốn đầu tư từ Nhật vào các nước khác trong khu vực.

Lường trước được “tâm lý dao động” của giới đầu tư Nhật, trong chuyến thăm cuối tháng rồi đến Nhật, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã khôn khéo xin lỗi về những hạn chế có liên quan đến trận lũ lịch sử năm 2011 khiến nhiều công ty Nhật thiệt hại nặng nề và cam kết sẽ cải thiện môi trường đầu tư.

Mối lo ngại của bà Shinawatra càng rõ hơn khi Nhật đang giúp Myanmar xây dựng đặc khu kinh tế Thilawa bên cạnh một số dự án về điện lực và các công trình cơ sở hạ tầng khác. Thilawa là dự án đầu tư lớn nhất của Nhật vào Myanmar, có diện tích lên đến 2.400 ha với sự góp mặt của 3 tập đoàn lớn Mitsubishi, Marubeni, Sumitomo, dự kiến được hoàn thành vào năm 2015. Thilawa sẽ là nơi để các nhà đầu tư Nhật, chủ yếu là ngành sản xuất và may mặc, hoạt động trong tương lai.

“Đối với các nhà đầu tư tại Thilawa, họ chỉ cần 3 giờ để đăng ký doanh nghiệp và không quá 15 ngày để đăng ký đầu tư. Chính phủ sẽ thiết lập dịch vụ một cửa cho khu kinh tế này”, Hset Aung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Quốc gia Myanmar, cho biết.

Những điều này cho thấy mối quan hệ đang ấm lên giữa Nhật và Myanmar. Thái Lan đã phản ứng khá mau lẹ. Còn Việt Nam thì sao?

Mối quan hệ kinh tế của Việt Nam và Nhật từ lâu đã khá bền chặt, đặc biệt trong các năm gần đây FDI của Nhật luôn chiếm vị thế số 1 tại Việt Nam. Thế nhưng, điều này có thể sẽ thay đổi. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2013, các nhà đầu tư nước ngoài đã cảnh báo về việc môi trường kinh doanh Việt Nam đang trở nên kém hấp dẫn hơn so với các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia, Myanmar.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật (JBA) cho rằng Việt Nam cần làm rõ chiến lược thu hút đầu tư để tạo sức hút cạnh tranh, cải thiện tiến độ xây dựng hạ tầng và điều chỉnh các luật lệ mâu thuẫn, vốn đã gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư Nhật trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh.

Theo JBA, nếu không đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hạn chế này, Việt Nam có thể đánh mất sức hấp dẫn và dòng vốn đầu tư sẽ đổ vào các nước châu Á khác. Myanmar là một trong số đó. Theo dự báo của McKinsey (Mỹ), từ nay đến năm 2030, Myanmar có thể thu hút vốn FDI lên đến 100 tỉ USD, gấp đôi số vốn nhận được trong 2 thập kỷ trước.

Sơn Thanh

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Cơ hội khai phá thị trường mới (08/06/2013)

>   Nhật viện trợ không hoàn lại cho Campuchia 36 triệu USD (06/06/2013)

>   Bầu Đức chi thêm 140 triệu USD cho dự án Myanmar (06/06/2013)

>   Viettel thêm cơ hội vào thị trường viễn thông Myanmar (01/06/2013)

>   Đầu tư sang Myanmar: Thị trường mở, nhưng không dễ (27/05/2013)

>   Việt Nam đầu tư nhà máy đường lớn nhất Campuchia (27/05/2013)

>   Thủ tướng Nhật Bản quyết chiếm thị trường Myanmar (26/05/2013)

>   Giao thương VN-Campuchia 4 tháng đầu năm tăng (17/05/2013)

>   Thị trường Myanmar: Cửa “hẹp” cho thị trường mở (15/05/2013)

>   Bầu Đức: HAGL không chiếm đoạt đất, khai thác gỗ bất hợp pháp và tham nhũng tại Lào và Campuchia (13/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật