Thị trường Myanmar: Cửa “hẹp” cho thị trường mở
Thị trường Myanmar hiện được coi là “mảnh đất vàng” cuối cùng của Đông Nam Á với tài nguyên thiên nhiên dồi dào, giá lao động thấp, dân số đông, nhiều lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, dịch vụ, y tế... còn bỏ ngỏ, cùng với sự thay đổi thể chế và cam kết cải cách, mở cửa thị trường.
CôngThương - Ông Soe Thet Naung – Tham tán Thương mại Myanmar tại Việt Nam - cho biết, Chính phủ đã tiến hành nhiều cải cách như sửa đổi Luật Đầu tư, thành lập Ủy ban Đầu tư quốc gia. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập doanh nghiệp 100% vốn mà không cần liên doanh, trong trường hợp liên doanh thì không hạn chế tỷ lệ vốn góp. Ủy ban Đầu tư có quyền cho phép doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực không được phép như thủy sản, nông nghiệp. Thời hạn thuê đất dự án kéo dài tới 50 năm và gia hạn thêm 2 lần, mỗi lần 10 năm. Các công ty nước ngoài được hưởng chính sách ưu đãi trong 5 năm đầu tiên. Công ty sản xuất được giảm thuế tới 50% trên tổng lợi nhuận xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar thì doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Nền kinh tế Myanmar vẫn mang nặng cơ chế quản lý hành chính tập trung, quan liêu, bao cấp, cơ chế thuế quan chưa thông thoáng. Chính phủ Myanmar vẫn còn thực hiện chế độ hai giá đối với người dân trong nước và nước ngoài ở một số mặt hàng như cước phí điện thoại, giá điện, xăng, giá nước sinh hoạt, giá dịch vụ khách sạn, giá thuê nhà, giá một số dịch vụ vận tải, nhất là thủ tục pháp lý còn nặng nề, cứng nhắc.
Các doanh nghiệp nếu muốn đầu tư thì cần phải có tài chính mạnh, công nghệ hiện đại, trình độ quản lý, nhân lực đạt chuẩn quốc tế, trên cơ sở đó mới tạo ra dấu ấn và uy tín trên thị trường. Ngược lại, nếu chỉ kinh doanh xuất nhập khẩu thương mại thì phải chú trọng nghiên cứu thị trường, tâm lý tiêu dùng, phương thức thanh toán, cơ sở pháp lý, dịch vụ vận tải, hệ thống phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics. |
Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều yếu kém, chi phí cao, thủ tục hành chính nặng nề, cộng thêm việc thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn... là những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn đặt chân vào Myanmar.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Giám đốc Công ty Thịnh Phát - đã đi khảo sát trực tiếp tại Myanmar 2 tháng và đánh giá thị trường này rất tiềm năng, tuy nhiên doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận. Để có thể thâm nhập vào thị trường Myanmar, đòi hỏi doanh nghiệp cần có một chiến lược bài bản và lâu dài. Các doanh nghiệp nên bám sát các chương trình xúc tiến – đầu tư của cơ quan nhà nước, đồng thời nên xác định cho mình một chiến lược đầu tư, kinh doanh phù hợp, không nên “ôm đồm” nhiều thứ và không xin dự án theo kiểu “xí chỗ”.
Đình Dũng
Công Thương
|