Hoàng Anh Gia Lai và VRG đang gặp rắc rối tại Lào và Campuchia
Công ty Tài chính Quốc Tế (IFC) của WB và Ngân hàng Deutsche Bank cũng bị lên án
Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) đã có một báo cáo vào đầu tháng 5 về hoạt động của các ông trùm cao su tại Lào và Campuchia, trong đó có đề cập đến Hoàng Anh Gia Lai – HAGL (HOSE: HAG) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).
* Bầu Đức: HAGL không chiếm đoạt đất, khai thác gỗ bất hợp pháp và tham nhũng tại Lào và Campuchia
Báo cáo cho rằng các ông trùm cao su mới – HAGL và VRG đang hủy hoại sinh kế của người dân địa phương cũng như môi trường trong các khoản đầu tư ào ạt vào cao su tại đây.
Ngoài ra, tổ chức này cho rằng HAGL và VRG đã phớt lờ luật pháp. Họ cho rằng HAGL và các công ty liên kết dường như đang được bố trí tổng cộng 81,919 ha đất đai. Trong đó có 47,370 ha đất tại Campuchia mà theo giới hạn pháp lý tại quốc gia này thì mỗi công ty chỉ được 10,000 ha. Còn VRG và các công ty liên kết dường như được bố trí tới 200,237 ha, bao gồm 161,344 ha tại Campuchia - vượt 16 lần giới hạn. Cả hai công ty đều phớt lờ quy định về bảo vệ môi trường và xã hội. Điểm đặc biệt, Global Witness còn cho rằng HAGL công khai thừa nhận các hoạt động của họ tại hai quốc gia đều không tuân theo pháp luật.
Global Witness cũng lên án Công ty Tài chính Quốc Tế (IFC) và Ngân hàng Deutsche Bank về các hoạt động tài trợ cho HAGL và VRG vì vi phạm các cam kết về xã hội và môi trường. Cụ thể, Deutsche Bank và IFC đều đang gián tiếp hay trực tiếp tài trợ vốn HAGL và VRG chiếm đất tại Lào và Campuchia. Global Witness cho biết IFC đã đầu tư 14.95 triệu USD vào một quỹ của Việt Nam nắm giữ 5% cổ phần của HAGL. Trong khi đó, Deutsche Bank hiện đang sở hữu 3.4 triệu cổ phiếu HAGL có tổng giá trị khoảng 4.5 triệu USD; nắm giữ 1.2 triệu cổ phiếu của Cao Su Đồng Phú (HOSE: DPR) – công ty thành viên của VRG – với giá trị 3.3 triệu USD.
Global Witness là một tổ chức phi Chính phủ của Anh, được thành lập năm 1993. Tổ chức này có trụ sở tại cả London và thủ đô Washington D.C của Mỹ.
Global Witness tập trung vào việc phân tích mối liên hệ giữa hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, xung đột, nghèo đói, tham nhũng và lạm dụng quyền con người trên toàn thế giới.
Global Witness tuyên bố không hề có bất cứ mối liên hệ chính trị nào.
|
Theo đó, họ đề xuất Chính phủ Campuchia và Lào nên hủy bỏ việc nhượng quyền cho các công ty như Heng Brother, CRD, Hoàng Anh Oyadav, Hoàng Anh Mang Yang, Krong Buk, Đồng Phú, Đồng Nai, Tân Biên, Hoàng Anh Attapeu Company, LVFG, HAGL Xekong và Công Ty Việt-Lào.
Global Witness kiến nghị Chính phủ hai nước nên đình chỉ mọi hoạt động khác có liên quan của VRG và HAGL, điều tra toàn diện hoạt động của các công ty và khởi tố những nơi xảy ra hoạt động bất hợp pháp.
Tổ chức này cho rằng Chính phủ cũng nên chấm dứt các hoạt động chặt đốn gỗ bất hợp pháp có liên quan đến các vùng nhượng quyền này và khởi tố những bên có liên quan.
Ngoài ra, Global Witness cho biết Deutsche Bank và IFC nên nhanh chóng thực hiện các bước hành động nhằm đảm bảo rằng HAGL và VRG tuân theo các yêu cầu pháp lý và công ty về môi trường và xã hội của các tổ chức tài chính. Cả hai tổ chức tài chính nên rời khỏi HAGL và VRG nếu các công ty này không thực hiện đầy đủ những cải cách như vậy trong vòng sáu tháng.
Cuối cùng, Global Witness cho rằng tất cả các Chính phủ phải xây dựng và thực thi các quy định quốc tế hiện hành để xử lý nạn chiếm đất. Các nhà lãnh đạo G8 nên có cam kết về thời gian ràng buộc tại cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 6/2013 của mình nhằm kiểm soát các hoạt động đầu tư đất của các công ty có đăng ký trong quốc gia của chính họ.
Phước Phạm (Vietstock)
Finfonet
|