Đầu tư sang Myanmar: Thị trường mở, nhưng không dễ
Bên cạnh những thuận lợi như: Tài nguyên khoáng sản phong phú, chính sách mở cửa... thì các DN khi bắt đầu đặt chân vào Myanmar vấp phải một số vấn đề như: các chính sách dù đã mở, song vẫn còn khá rườm rà, nhiêu khê, quy định luật pháp có nhiều điểm chưa rõ ràng, chưa tạo thuận lợi cho người tham gia đầu tư...
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Đào Ngọc Tâm, Trưởng VPĐD Xúc tiến thương mại đầu tư và du lịch của TP. Hồ Chí Minh và Satra tại Myanmar cho biết: Xét về nhiều yếu tố, Myanmar hiện vẫn là nơi thu hút đầu tư khá lý tưởng các DN tại khu vực Đông Nam Á nói chung và DN Việt Nam nói riêng.
Ông có thể phân tích rõ hơn một vài tiềm năng, thế mạnh của thị trường này?
Ngoài điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên khoáng sản phong phú chưa được khai thác, trong những năm gần đây, chính sách mở cửa đã tạo ra môi trường thu hút đầu tư năng động. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân gia tăng rất nhanh chóng do nền kinh tế đang thay đổi hàng ngày, cũng là cơ hội thuận lợi cho các DN Việt Nam có thể đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đây là lĩnh vực mà DN Việt Nam rất có thế mạnh.
Hơn nữa, Myanamar và Việt Nam có những nét văn hóa khá tương đồng, người dân phần lớn theo đạo Phật và khá chuộng hàng hóa của Việt Nam. Song nếu không nhanh chân và hoạch định chiến lược bài bản Việt Nam vẫn khó có thể cạnh tranh lại các đối thủ như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc.
Phân bón là một trong những mặt hàng thị trường Myanmar đang rất cần
|
Đến nay, chưa thể khẳng định DN Việt Nam có vị thế vững chắc tại thị trường Myanmar. Theo ông nguyên nhân chính là gì?
Thực ra, ngay từ những năm đầu khi Myanmar tiến hành mở cửa, thu hút đầu tư, các DN Việt Nam cũng đã tìm đến đặt quan hệ giao thương, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Nhưng có thể nói một trong những trở ngại khiến không ít DN “nản”, là trong giai đoạn đầu còn rất nhiều khó khăn. Nếu DN không vững vàng, không chuẩn bị kỹ chiến lược xâm nhập thị trường, thậm chí chấp nhận thua lỗ để xây dựng thị trường, mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt thì sẽ rất khó thành công.
Mặt khác, bên cạnh những thuận lợi, thì các DN khi bắt đầu đặt chân vào Myanmar vấp phải một số vấn đề như: các chính sách dù đã mở, song vẫn còn khá rườm rà, nhiêu khê, quy định luật pháp có nhiều điểm chưa rõ ràng, chưa tạo thuận lợi cho người tham gia đầu tư; Chi phí trung gian, vận chuyển khá cao, gây tốn kém cho DN, trình độ lao động thấp, phần lớn phải đào tạo lại.
Hơn nữa, do ảnh hưởng trong một thời gian dài của chính sách cấm vận, nên có thể nói nguồn ngoại tệ tại Myanmar khá khan hiếm, trong khi hệ thống tài chính ngân hàng tại quốc gia này vẫn chưa thực sự phát triển, nên việc thanh toán, chuyển ngoại tệ còn gặp một số khó khăn.
Mặc dù vậy, với sự nỗ lực của Chính phủ nước này, gần đây những khó khăn này cũng đã giảm bớt. Ngoài ra, Chính phủ Myanmar cũng đã cho phép một số ngân hàng nước ngoài của Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia, Singapore cũng như vài ngân hàng tư nhân trong nước mở rộng hoạt động, phục vụ các DN nước ngoài hoạt động kinh doanh, thanh toán, chuyển biến thuận lợi hơn. Hiện, Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho việc xin mở ngân hàng (BIDV) tại quốc gia này. Nếu thành công sẽ giúp ích rất nhiều cho các DN Việt Nam trong hoạt động giao thương, kinh doanh tại nước bạn.
Hành trang mà các DN Việt chuẩn bị cho hành trình chinh phục thị trường Myanmar trong thời gian tới sẽ cần thêm những gì, thưa ông?
Trước tiên, DN Việt Nam cần phải biết rõ, thị trường này đang cần những mặt hàng gì, nhất là những lĩnh vực mà DN trong nước đang có thế mạnh. Đơn cử, vào thời điểm hiện tại, thị trường Myanmar đang có nhu cầu khá cao về các mặt hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, đồ điện, vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng, các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật…
Bên cạnh đó, để xác lập được sự hiện diện vững chắc tại Myanmar các DN cần có chiến lược bài bản, dài hơi, đi chậm và từng bước một. Trước tiên, cần đặt mối quan hệ với DN nước sở tại để dễ dàng thâm nhập, phân phối hàng hóa vào nước bạn. Sau đó, mới tiến đến đặt nhà máy, cơ sở sản xuất (lúc này DN Việt Nam sẽ được hưởng một số chính sách ưu đãi về thuế khi sản xuất và sử dụng nguồn nhân công trên đất nước bạn).
Ngoài ra, DN Việt Nam cũng nên lưu ý, khi gặp khó khăn có thể tìm đến sự trợ giúp của một số cơ quan đại diện của Việt Nam tại Myanmar, đây sẽ là cầu nối, đồng thời sẽ giúp gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các DN khi mới bước đầu đặt chân vào thị trường này.
Xin cảm ơn ông!
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), đến nay đã cấp phép cho 7 dự án đầu tư sang Myanmar với tổng số vốn đăng ký khoảng 460 triệu USD. Ngoài một số DN lớn đang triển khai các dự án đầu tư tại quốc gia này như Viettel, FPT, Hoàng Anh Gia Lai… Gần đây, nhiều DN Việt Nam cũng đẩy nhanh việc thâm nhập thị trường Myanmar. Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar nhận định, đầu tư của Việt Nam sang Myanmar sẽ đạt trên 500 triệu USD trong năm 2013 và 1 tỷ USD đến năm 2015. |
Tuyết Thanh thực hiện
thời báo ngân hàng
|